Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Cơ hội cho các doanh nghiệp

(ĐTCK) Để khuyến khích xuất khẩu sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thay vì trợ giúp trực tiếp DN xuất khẩu bằng thuế, tín dụng hoặc thưởng xuất khẩu, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2011 ngày 5/11/2010 tiến hành thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Cơ hội cho các doanh nghiệp

Sự cần thiết

Trong thương mại quốc tế, nhiều mặt hàng và DN Việt Nam còn mới lạ với các thị trường nước ngoài. Đối với thị trường mới, khách hàng mới hoặc có mặt hàng mới, để xóa tan mối nghi ngại về chất lượng, số lượng, khả năng cung cấp, DN xuất khẩu Việt Nam đưa ra phương thức thanh toán trả chậm thì khách hàng nước ngoài có thể dễ dàng chấp thuận hơn.

Thực tế cho thấy, một khách hàng nhập khẩu nước ngoài có nhiều nhà cung cấp ở các nước khác nhau thì nhà cung cấp nào có phương thức thanh toán có lợi nhất (trả chậm) dễ dàng được chấp thuận hơn.

Như vậy, xuất khẩu theo phương thức thanh toán bán hàng trả chậm hay cung cấp tín dụng xuất khẩu cho khách hàng nhập khẩu nước ngoài là cơ hội để các DN xuất khẩu của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, mạnh dạn đưa hàng hóa vào chiếm lĩnh thị trường mới, khách hàng mới, sau đó là phát triển, mở rộng thị trường mới được khai phá này.

 

Cơ sở để triển khai

Để khuyến khích xuất khẩu sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta không được phép trợ giúp trực tiếp DN xuất khẩu bằng thuế, tín dụng hoặc thưởng xuất khẩu. Thay vào đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2011 ngày 5/11/2010 tiến hành thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) với 23 nhóm mặt hàng được khuyến khích xuất khẩu.

Ngày 7/7/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm BHTDXK. Trong đó, hỗ trợ cho thương nhân tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu 20% phí bảo hiểm; hỗ trợ DN bảo hiểm chi phí nghiên cứu xây dựng quy tắc BHTDXK, tổ chức hội nghị, hội thảo phục vụ việc ban hành quy tắc điều khoản BHTDXK, hỗ trợ chi phí cài đặt phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu BHTDXK, chi phí đào tạo hội thảo tuyên truyền về BHTDXK.

Ngày 9/9/2011, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2170 công bố danh sách DN bảo hiểm được lựa chọn triển khai BHTDXK, bao gồm 7 DN: Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, Bảo Việt Tokyo Marine, QBE, Chartis, UIC.

Ngày 16/11/2011, Bộ Tài chính có Quyết định số 2766, ban hành quy tắc chung BHTDXK. Đây là khuôn mẫu và những điều khoản, điều kiện bảo hiểm tối thiểu mà các quy tắc điều khoản, điều kiện bảo hiểm của các DN bảo hiểm được phép triển khai thí điểm BHTDXK phải có. Các điều kiện, điều khoản bảo hiểm khác mở rộng hơn hoặc theo nhu cầu của nhà xuất khẩu, đem lại lợi ích tốt hơn cho nhà xuất khẩu sẽ được phép và hoan nghênh các DN bảo hiểm mở rộng hơn điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tạo tính cạnh tranh trên thị trường.

 

Những rủi ro cơ bản được bảo hiểm

Thứ nhất là rủi ro thương mại, cụ thể là khi người mua hàng trả chậm mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản, người mua hàng trả chậm mất khả năng thanh toán tiền hàng vào thời hạn cuối của hợp đồng tín dụng (bao gồm thời hạn tín dụng ký kết trong hợp đồng, thời hạn gia hạn nợ sau khi hết thời hạn thanh toán theo quy định của hợp đồng (thông thường, thời hạn gia hạn nợ tối đa là 6 tháng).

Thứ hai là rủi ro chính trị. Khó khăn của người mua hàng trả chậm liên quan đến quy định pháp luật của nước nhập khẩu, làm ngăn ngừa trực tiếp hoặc hạn chế hoặc làm chậm thanh toán cho người xuất khẩu như liên quan đến chuyển tiền hoặc chuyển đổi tiền tệ, rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan khác. Ngoài ra, các thay đổi của người mua hàng thuộc khối DN nhà nước có thể làm cho hợp đồng không thực hiện được về giao nhận hàng và thanh toán trị giá lô hàng.

 

Các rủi ro loại trừ trong BHTDXK

- Tổn thất phát sinh do chiến tranh hoặc nhiễm chất phóng xạ.

- Tổn thất phát sinh trong tranh chấp thương mại (hợp đồng xuất khẩu liên quan đến số lượng, chất lượng, quy cách hàng hóa, thời hạn, địa điểm giao hàng, dịch vụ người bán phải cung cấp cho người mua).

- Người mua khối tư nhân (không phải là DN nhà nước) hưởng đơn hàng trước khi hàng được xuất khẩu.

 

Ý nghĩa, tác dụng của BHTDXK

BHTDXK đảm bảo an toàn tài chính cho nhà xuất khẩu bán hàng trả chậm. Cụ thể:

- Bảo hiểm cho tài sản "phải thu" không thể biến thành khoản nợ khó đòi hoặc nợ không đòi được phải xử lý đưa vào lỗ khi được DN bảo hiểm bồi thường, không phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho lô hàng bán hàng trả chậm.

- Là sự bảo hành chắc chắn thu hồi được nợ để DN xuất khẩu có thể vay tín dụng của ngân hàng thương mại trong nước để sản xuất - kinh doanh mặt hàng xuất khẩu này.

- Là sự bảo hành chắc chắn được thanh toán để DN xuất khẩu khi cần thiết có thể chiết khấu trái phiếu, hối phiếu nhận nợ của khách hàng nước ngoài mua hàng trả chậm.

- Là cơ hội để các DN xuất khẩu mở rộng khách hàng, thị trường, mặt hàng xuất khẩu khi tăng năng lực cạnh tranh của mình, "cung cấp hàng hóa theo phương thức trả chậm".

 

Mua bảo hiểm ở đâu?

Trước mắt, các DN xuất khẩu có thể liên hệ với 7 DN bảo hiểm được Bộ Tài chính cho phép thực hiện BHTDXK để mua bảo hiểm và được tài trợ 20% phí bảo hiểm khác. Sau này, đội ngũ các DN bảo hiểm được phép triển khai thí điểm BHTDXK sẽ ngày một tăng.

Lưu ý, chỉ mua BHTDXK ở DN bảo hiểm được phép triển khai thí điểm BHTDXK mới được tài trợ 20% phí bảo hiểm. Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng xuất khẩu trả chậm, DN xuất khẩu phải liên hệ với DN bảo hiểm để họ cung cấp thông tin về rủi ro tín dụng có thể xảy ra và đưa ra một hạn mức tín dụng nhất định tùy thuộc vào hàng hóa xuất khẩu, khách hàng nhập khẩu và chỉ bảo hiểm trong hạn mức đó hay chỉ nên cho phép trả chậm trong hạn mức đó. Tất nhiên, DN xuất khẩu phải chịu chi phí cho việc tư vấn nói trên.

Phùng Đắc Lộc,Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Phùng Đắc Lộc,Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Tin cùng chuyên mục