Bảo hiểm tìm ngách đi riêng

(ĐTCK-online) Trong khi các sản phẩm truyền thống cạnh tranh rất khốc liệt thì nhiều DN đã mạnh dạn đưa ra thị trường các sản phẩm mới. Chi phí cho việc nghiên cứu thị trường không nhỏ cùng với sự tốn kém trong việc xây dựng một mức phí hợp lý, nhưng để đón lõng thị trường, đây có vẻ là một hướng đi đúng.
Xu hướng các DN bảo hiểm tung ra các sản phẩm mới là tín hiệu tích cực cho thị trường. Xu hướng các DN bảo hiểm tung ra các sản phẩm mới là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Đầu tháng 8, CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã tung ra thị trường sản phẩm Bảo hiểm tai nạn quân nhân, áp dụng cho các đối tượng phục vụ trong quân đội với số tiền bảo hiểm được điều chỉnh từ mức 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Theo đó, mức phí cũng được điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng từ 0,210% đến 0,562%/số tiền bảo hiểm. Ngay sau khi triển khai, MIC đã tiến hành ký hợp đồng với một loạt đơn vị trong quân đội. Với thị phần rộng lớn của sản phẩm này, có thể nói, MIC không phải lo "đầu ra" cho sản phẩm bảo hiểm kể trên. Và không phải DN nào cũng có được "may mắn" ấy, bởi nhân tố quyết định cho thành công của một sản phẩm chính là người mua.

Đi tìm sự khác biệt, Công ty Bảo hiểm AIG Việt Nam chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm Bảo hiểm chống hành vi gian lận (BBB), nhằm giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro từ việc nhân viên ngân hàng "mượn tạm" tiền trong két sắt, làm giả giấy tờ để trục lợi. Theo AIG Việt Nam, sở dĩ Công ty lựa chọn thời điểm này để tung ra thị trường sản phẩm BBB là khủng hoảng tài chính cũng là lúc hành vi gian lận gia tăng do bế tắc về kinh tế, nợ nần chống chất, thua lỗ từ đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản. Do đó, sản phẩm BBB chính là công cụ chuyển giao rủi ro trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Mặt khác, ngay cả khi nền kinh tế thịnh vượng thì nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo hiểm này vẫn rất lớn. Để triển khai được sản phẩm này, AIG Việt Nam phải thu thập được một số tiêu chí cơ bản để thẩm định rủi ro, như hồ sơ hoạt động của các phòng ban, thông tin sản phẩm của ngân hàng, quy trình quản lý khách hàng, lịch sử tổn thất, quy trình phân quyền trách nhiệm của từng cá nhân…

Cuối năm 2008, Công ty Bảo hiểm AAA tung ra thị trường sản phẩm rất mới mẻ: bảo hiểm điện thoại di động. Sản phẩm được bảo hiểm có giá trị từ 510.000 đồng đến 17 triệu đồng. Triển khai sản phẩm trên, AAA muốn nhắm đến lượng tiêu thụ 90.000 chiếc điện thoại di động/ngày tại Việt Nam và đã trở thành một vật dụng không thể thiếu của đa số người dân. Song song với đó thì người sử dụng điện thoại di động luôn phải đối mặt với những vấn đề có thể xảy ra với chiếc điện thoại như bị tổn thất do tai nạn, mất cắp.... Tuy nhiên, phía AAA cũng thừa nhận, bảo hiểm điện thoại di động là sản phẩm hoàn toàn mới tại Việt Nam, nên trong thời gian đầu việc triển khai gặp không ít khó khăn khi khách hàng chưa quen với sản phẩm này.

Với thị trường tài chính phát triển như hiện nay và với trình độ dân trí của người Việt Nam ngày càng tăng, người dân dần nhận thức được rằng bảo hiểm là một công cụ tài chính hữu hiệu để đảm bảo việc bù đắp thiệt hại của tài sản cá nhân của mình và của gia đình. Việc bỏ ra một số tiền nhỏ để chuyển giao những trách nhiệm bù đắp thiệt hại cho các công ty bảo hiểm là khá hấp dẫn. Vì vậy, bảo hiểm cho các thiết bị điện tử giá trị cho các cá nhân có nhu cầu bảo hiểm cho loại rủi ro này sẽ là phân khúc thị trường không nhỏ trong tương lai.

Ngày 3/11, tại Hải Phòng, Bộ Tài chính và một số DN bảo hiểm tổ chức sơ kết việc triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô sau một thời gian thí điểm. Đây là loại sản phẩm hướng đến người nghèo, người có thu nhập thấp không có điều kiện tham gia các loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm y tế, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… Với mức phí khoảng 100.000 - 280.000 đồng/năm, khi bị ốm đau hoặc tử vong, người tham gia bảo hiểm được bồi thường từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Với mức phí khá thấp như trên, việc kinh doanh làm sao có lãi là một thách thức không nhỏ với các đơn vị triển khai. Được biết, các DN triển khai bảo hiểm vi mô nhắm đến mục đích rất dài hạn: trước mắt đưa ra các sản phẩm này để người dân quen với bảo hiểm. Sau đó, sẽ triển khai các sản phẩm cao cấp hơn.

Xu hướng các DN bảo hiểm tung ra các sản phẩm mới là tín hiệu tích cực cho thị trường. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh tốc độ cấp phép các sản phẩm mới. Chỉ như vậy, các DN mới không mất đi cơ hội kinh doanh, bởi mỗi sản phẩm cũng cần những thời điểm phù hợp để tung ra thị trường.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục