Là hãng bảo hiểm truyền thống và gia nhập thị trường Việt Nam từ những năm đầu hình thành, mới đây, Prudential Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc số hóa sản phẩm, dịch vụ khi chính thức giới thiệu Pulse by Prudential - ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số đầu tiên tại châu Á.
Ðược xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) và cập nhật dữ liệu theo thời gian thực, Pulse được xem là “trợ lý sức khỏe 24/7” giúp người dùng hiểu rõ tình trạng của cơ thể, từ đó chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân mọi lúc, mọi nơi.
Trong giai đoạn đầu, Pulse mang đến cho người dùng 2 tính năng chính: Kiểm tra sức khỏe và kiểm tra triệu chứng (phát triển bởi Babylon).
Các tính năng khác là bác sĩ trực tuyến (của MyDoc), dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân và quản lý hợp đồng bảo hiểm sẽ được đưa vào ứng dụng này trong thời gian tới.
Tại Manulife Việt Nam, sau 1 năm triển khai giải pháp số hóa eClaims, hãng bảo hiểm này tiếp tục đưa ra phiên bản nâng cấp eClaims được cải tiến giúp khách hàng có được những trải nghiệm tốt hơn, thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện yêu cầu quyền lợi bảo hiểm trực tuyến.
Theo đó, không chỉ thực hiện được 100% yêu cầu giải quyết quyền lợi trợ cấp nằm viện, yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trên eClaims được mở rộng đối với các quyền lợi điều trị y tế, bao gồm quyền lợi điều trị nội trú - ngoại trú, điều trị nha khoa và chăm sóc thai sản...
“Ðối với ngành bảo hiểm nhân thọ, trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm được ví như ‘thời điểm của sự thật được chứng minh’ bằng sự cam kết và tín nhiệm”, ông Kevin Kwon, Giám đốc Khối nghiệp vụ Manulife Việt Nam chia sẻ.
Cùng với việc đưa ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng và đem lại thuận tiện hơn cho khách hàng, các hãng bảo hiểm cũng tăng tốc việc chuyển đổi các mô hình kinh doanh trực tuyến như áp dụng công cụ điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, phần mềm lập bảng minh họa, các kênh thu phí trực tuyến...
Ngoài ra, các hoạt động đào tạo và tuyển dụng cũng đã được nhiều công ty thực hiện qua mô hình trực tuyến như Hanwha Life Việt Nam, Aviva, Generali, FWD…
Ðơn cử, tại FWD, thông qua ứng dụng công nghệ, nhà bảo hiểm này đã giảm thiểu giao dịch bằng giấy và tiền mặt, chuyển đổi 100% các loại hình giao dịch qua công nghệ số…
Với sự phát triển của công nghệ, các kênh phân phối khác cũng ghi nhận sự tích cực thời gian qua. Ðáng chú ý, việc bán bảo hiểm qua các kênh trực tuyến như Shopee, Tiki… bắt đầu mang lại hiệu quả nhất định cho các doanh nghiệp bảo hiểm, dù doanh thu chưa cao.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2019, kênh bán hàng trực tiếp chiếm tỷ trọng 0,5% và các kênh khác như bán hàng qua mạng, đại lý tổ chức khác... chiếm 3,7% doanh thu khai thác mới.
Hay với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), nếu như năm 2014 mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5% trong tổng doanh thu phí khai thác mới, thì đến năm 2019 ước tăng lên 28%.
Trong một diễn biến khác, cũng nằm trong chiến lược số hóa, từ tháng 11/2019, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) đã triển khai thí điểm đối với một số doanh nghiệp bảo hiểm việc giải quyết 24 thủ tục hành chính qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Trong đó, lĩnh vực nhân thọ có 5 doanh nghiệp triển khai thí điểm gồm Bảo Việt Nhân thọ, Prudential, Daiichi, Manulife và AIA.
Các thủ tục hành chính bao gồm chấp thuận nguyên tắc và cấp giấy phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ, thành lập/thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, bổ nhiệm, thay đổi một số chức danh quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm...
Ðược biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ mở rộng triển khai đối với tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm tạo sự thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.