
Các nhiệm vụ trọng tâm
Trong nửa đầu năm, BHTGVN đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách. Đặc biệt, BHTGVN đã chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật BHTG (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc góp ý, thống nhất nội dung và hoàn tất hồ sơ xây dựng Luật. Dự án Luật đã được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2025 theo Nghị quyết số 77/2025/UBTVQH15, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Cùng với đó, Chiến lược phát triển BHTG tiếp tục được đẩy mạnh, thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chi tiết năm 2025. BHTGVN đã hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ có thời hạn trong 6 tháng đầu năm; đồng thời đang xây dựng báo cáo sơ kết giai đoạn 2022–2025 và chuẩn bị Hội nghị sơ kết giữa kỳ nhằm đánh giá kết quả, nhận diện yếu tố tác động, rút kinh nghiệm và làm cơ sở định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Công tác xây dựng, triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; hoạt động chuyển đổi số; việc xây dựng văn bản quản trị, điều hành cũng được BHTGVN chú trọng thực hiện đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và từng bước hiện đại hóa hoạt động toàn hệ thống.
Trong hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN đã thực hiện việc cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG đúng quy định; công tác thu phí đạt 51% kế hoạch năm và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024. Với tổng nguồn vốn hơn 135 nghìn tỷ đồng và quỹ dự phòng nghiệp vụ hơn 128 nghìn tỷ đồng, BHTGVN đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền tại 1.277 tổ chức tham gia BHTG.
Hoạt động giám sát được triển khai bài bản, chuyên sâu, góp phần phát hiện sớm rủi ro và hỗ trợ hiệu quả cho NHNN trong quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng. Công tác kiểm tra được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, BHTGVN đã kiểm tra 125/238 tổ chức tham gia BHTG theo kế hoạch định kỳ và 50/120 QTDND theo yêu cầu của NHNN.
Trong nửa đầu năm 2025, dù không phát sinh nghĩa vụ chi trả, BHTGVN vẫn chủ động triển khai mô phỏng nghiệp vụ và ban hành Sổ tay chi trả đối với tổ chức tham gia BHTG, nhằm chuẩn hóa quy trình, nâng cao năng lực ứng phó, hướng tới mục tiêu rút ngắn thời gian chi trả xuống còn 30 ngày. Hiện BHTGVN đang cử 34 cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại 28 QTDND, đồng thời phối hợp với NHNN trong việc đánh giá, góp ý phương án phục hồi, xử lý các QTDND yếu kém tại nhiều địa phương.
Ngoài ra, hoạt động truyền thông cũng được BHTGVN triển khai bài bản, chuyên nghiệp và bám sát định hướng đề ra; trong đó, truyền thông phục vụ xây dựng Luật BHTG (sửa đổi) được đặc biệt chú trọng, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội và lan tỏa chính sách đến đông đảo công chúng. Công tác tổ chức cán bộ, đào tạo và nghiên cứu hợp tác quốc tế được chú trọng, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ, đặc biệt thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống BHTG phát triển.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025
Được biết, 6 tháng cuối năm 2025, BHTGVN sẽ triển khai đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các mặt hoạt động, trong đó tập trung vào:
Thứ nhất, triển khai xây dựng Luật BHTG (sửa đổi) theo kế hoạch của NHNN và BHTGVN; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện sau khi Luật được thông qua; đồng thời tổ chức truyền thông chủ động, xuyên suốt trước, trong và sau quá trình lấy ý kiến và trình Quốc hội.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả, đúng lộ trình Kế hoạch chi tiết triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG, đặc biệt là các nhiệm vụ có thời hạn trong năm 2025; hoàn thành Báo cáo và tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược phát triển BHTG giai đoạn 2022 - 2025.
Thứ ba, triển khai hiệu quả các nghiệp vụ cốt lõi, bao gồm: cấp Giấy chứng nhận BHTG đúng quy định, ứng dụng công nghệ nhằm đơn giản hóa quy trình; hoàn thiện phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát; đảm bảo tiến độ kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG và QTDND theo yêu cầu của NHNN; tham gia kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD yếu kém; xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập chi trả, nghiên cứu và đề xuất các trường hợp chi trả sớm; triển khai hiệu quả Đề án truyền thông chính sách BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Thứ tư, phối hợp, thực hiện các nội dung theo phân công tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng; Hoàn thiện hồ sơ Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm của BHTGVN giai đoạn 2025 - 2029, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thứ năm, xây dựng phương án đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi linh hoạt, an toàn và hiệu quả; xây dựng và triển khai phương án mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng thương mại được KSĐB theo quyết định của NHNN; triển khai quy trình vay đặc biệt từ NHNN trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để chi trả theo phương án phá sản TCTD được phê duyệt.
Thứ sáu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế; xây dựng phương án ứng phó rủi ro; tổ chức đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng AI; đẩy mạnh việc triển khai chuyển đổi số và đưa hệ thống Văn phòng điện tử vào vận hành.
Thứ bảy, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các chi nhánh NHNN khu vực và Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC),điều chỉnh quy chế phối hợp phù hợp với địa giới hành chính mới.
Thứ tám, chuẩn bị sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị, bố trí nhân sự phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tăng năng suất và hiệu quả công việc.