Bảo hiểm tài sản chịu bão!

(ĐTCK) Theo cập nhật của các công ty bảo hiểm, tính đến 20/9/2024 tổng số tiền bảo hiểm về con người và tài sản sau siêu bão Yagi ước khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó tổn thất nặng nhất là bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hải...

Hiện tại, số lượng hồ sơ đề nghị bồi thường, tạm ứng bảo hiểm tiếp tục được cập nhật do nhiều công ty bảo hiểm chưa tiếp cận được hiện trường tại một số điểm còn ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Do đó, mức độ thiệt hại dự báo sẽ còn tăng lên.

Với tính chất phức tạp của từng vụ việc, đặc biệt đối với các tổn thất về tài sản kỹ thuật, công tác thẩm định tổn thất mất nhiều thời gian. Chính vì thế, không chỉ huy động hết toàn bộ lực lượng giám định của mình, một số công ty bảo hiểm còn phải thuê thêm giám định độc lập.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, sau bão, nhiều nơi vẫn còn ngập lụt, sạt lở, đất đá vùi lấp, các công ty bảo hiểm muốn giám định được tài sản phải thuê đào, cẩu lên...

Bão lũ tàn phá trên diện rộng, ước tổn thất tại mỗi địa phương cũng vài chục vụ nên dù các công ty bảo hiểm có huy động tối đa lực lượng để nhanh chóng đánh giá thiệt hại cho khách hàng thì tình trạng một số tài sản phải “chờ” là điều không tránh khỏi. Việc thuê công ty giám định độc lập cũng tương tự.

“Sau mưa lũ, việc tiếp cận giám định tổn thất ở một số địa bàn gặp nhiều khó khăn nên chi phí giám định tăng lên rất cao. Có những tổn thất tiền giám định định tài sản có khi bằng hoặc lớn hơn cả tiền bồi thường bảo hiểm. Chúng tôi có một khách hàng bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, chi phí bồi thường ước tính khoảng 700 triệu đồng, cộng thêm chi phí giám định thì tổng giá trị của tổn thất này là hơn 1 tỷ đồng”, vị đại diện trên kể.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước - là mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Năm qua, một trong những sản phẩm chính của hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe gần như không có sự tăng trưởng về quy mô doanh thu, trong khi bảo hiểm tài sản thiệt hại lại là “điểm sáng” với doanh thu đạt 19.742 tỷ đồng, tăng trưởng 11,1%; bồi thường đạt 3.838 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,4%. Đầu năm 2024, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản thiệt hại tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi kinh tế phục hồi, nhưng siêu bão Yagi như một cú giáng nặng nề khiến tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này tăng cao, mùa tái tục năm tới sẽ không còn thuận lợi.

Được biết, năm 2023 cũng là năm thị trường bảo hiểm Việt Nam ghi nhận sự khó khăn trong công tác tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm cố định khi ảnh hưởng của thiên tai dẫn đến những hành động cứng rắn của các nhà tái bảo hiểm quốc tế trong quá trình đàm phán hợp đồng. Các chuyên gia trong ngành cũng nhìn nhận, về lâu dài, do các nhà nhận tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm bị chi bồi thường lớn nên doanh nghiệp bảo hiểm muốn tái bảo hiểm cho năm sau và những năm tiếp theo phải chấp nhận phí bảo hiểm, phí nhượng tái bảo hiểm lớn hơn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thiên tai. Vào trung tuần tháng 5/2024, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các chuyên gia dự báo năm 2024 sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp, bao gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều trong nửa cuối năm.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục