Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2016, dù doanh thu không đạt mức tăng trưởng cao như khối bảo hiểm nhân thọ (tăng gần 37%), nhưng khối bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục đà tăng trưởng khả quan, ổn định theo kỳ vọng ở mức hai con số. Theo đó, tổng doanh thu bảo hiểm khối này ước tăng 15,81%, đạt 17.753 tỷ đồng trong 6 tháng.
Trong Top 5, hầu hết doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Cụ thể, Bảo hiểm PVI đạt 3.611 tỷ đồng doanh thu, tăng 8%; Bảo hiểm Bảo Việt đạt 2.969 tỷ đồng doanh thu, tăng 6%; Bảo Minh đạt 1.445 tỷ đồng doanh thu, tăng 9%; Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đạt 1.182 tỷ đồng doanh thu, tăng 8%. Riêng Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tăng trưởng doanh thu ở mức hai con số là 36% (ước đạt 1.501 tỷ đồng), khiến doanh nghiệp này từ vị trí số 4 tăng lên vị trí số 3, thay Bảo Minh.
6 tháng đầu năm, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trích lập dự phòng nghiệp vụ 25.424 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 22.269 tỷ đồng, tổng đầu tư vào nền kinh tế 32.325 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác đạt ở mức tăng trưởng doanh thu cao như Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) tăng gần 179%, Bảo hiểm Vietinbank tăng gần 83%…
Quan trọng hơn, doanh thu tăng trưởng ổn định trên bình diện toàn thị trường, nhưng tỷ lệ bồi thường bình quân trên doanh thu phí bảo hiểm được kiểm soát ở mức 31%, giảm mạnh so với năm 2015 (65%) do không có sự kiện bảo hiểm quá lớn nào xảy ra.
“Mảng bảo hiểm xe tăng trưởng gần 24% và tỷ lệ bồi thường ở mức cao nhất trong số các nghiệp vụ là 42,6%, nhưng giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổn thất tài sản ở mức thấp đã giúp tỷ lệ bồi thường tại mảng này chỉ chiếm 15% doanh thu. Một số nghiệp vụ khác có tỷ lệ bồi thường ổn định từ 23 - 28% là bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển và bảo hiểm cháy nổ. Riêng bảo hiểm cháy nổ tăng trưởng 38% về doanh thu, nhưng tỷ lệ bồi thường ở mức 28% cũng là tin vui lớn với thị trường”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Kết quả bồi thường trên là nhờ nỗ lực của toàn thị trường trong việc thực thi các biện pháp quản lý bồi thường như xây dựng hệ thống giám định, bồi thường chuyên nghiệp, nói không với những dịch vụ có mức độ rủi ro cao tại từng nghiệp vụ như xe đường dài, tăng cường phòng chống trục lợi bảo hiểm, tăng kiểm soát nội bộ…
Đáng chú ý, có những doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường thấp hơn mức bình quân của thị trường như Bảo hiểm Quân đội (MIC), có tỷ lệ bồi thường ở mức 27%. Tổng giám đốc MIC, ông Nguyễn Quang Hiện cho biết, đó là nhờ Công ty triển khai tốt công tác giám định, bồi thường cùng với hiệu quả sinh lời từ hoạt động đầu tư. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của MIC gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 60 tỷ đồng, hoàn thành 83,3% kế hoạch năm.
Trên bình diện toàn thị trường, do bồi thường được kiểm soát cộng với lãi từ đầu tư tài chính cùng chính sách tập trung cho hiệu quả hoạt động tại hầu hết doanh nghiệp nên kết quả chung trong 6 tháng đầu năm, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lãi trước thuế 1.019 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt lãi sau thuế 160 tỷ đồng, hoàn thành 53,1% kế hoạch năm, thuộc Top đầu doanh nghiệp lãi lớn. PJICO có tổng doanh thu bảo hiểm gốc tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 22,6%, đạt 80,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp thua lỗ, tập trung ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như Bảo hiểm AIG lỗ 62 tỷ đồng, Bảo hiểm AAA lỗ 15 tỷ đồng, Bảo hiểm Phú Hưng lỗ 10 tỷ đồng, Bảo hiểm Liberty lỗ 3,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trên thị trường vẫn có hiện tượng chi sai hoa hồng, cạnh tranh không lành mạnh (vi phạm quy tắc, điều khoản, biểu phí được phê duyệt), trục lợi bảo hiểm...