Bảo hiểm phi nhân thọ dự báo tăng trưởng trong 2025

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% trong năm nay, đặc biệt tại các sản phẩm bảo hiểm cá nhân và doanh nghiệp.
Bảo hiểm sức khỏe tiếp tục là nghiệp vụ chủ lực của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay

Bức tranh phân hóa

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2025 với tổng doanh thu phí đạt 14.677 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cũng ở con số khá lý tưởng là 3.390 tỷ đồng, tương đương 23,1% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường bảo hiểm).

Bảo hiểm sức khỏe đang là nghiệp vụ chủ lực của khối này và là mảng tăng trưởng mạnh nhất với doanh thu đạt 5.652 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nghiệp vụ có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong các nghiệp vụ bảo hiểm, chiếm 38,5% tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ. Tỷ lệ bồi thường đang ở mức “đẹp” 1.144 tỷ đồng, tương đương 20,2%.

Theo các công ty bảo hiểm, bảo hiểm sức khỏe là dòng sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng sau dịch bệnh. Nhiều công ty bảo hiểm ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… để thiết kế các sản phẩm linh hoạt hơn. Ngoài ra, việc số hóa quy trình bồi thường cũng giúp người tham gia dễ dàng sử dụng dịch vụ bảo hiểm hơn.

Ngoài ra, sự tăng trưởng của dòng sản phẩm này còn phải kể đến chiến lược bắt tay mở rộng thị trường với nhiều đối tác mới của các công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, việc hợp tác với các ngân hàng đang đẩy mạnh phân phối bảo hiểm sức khỏe thông qua kênh bancassurance, hay như phát triển mô hình “embedded insurance” (bảo hiểm tích hợp vào các sản phẩm tài chính, dịch vụ) cũng giúp các nhà bảo hiểm mở rộng thị trường…

Với mức tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe được nhận định sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong cả năm nay. Các phân khúc phát triển nhanh nhất của nghiệp vụ này có thể kể đến là bảo hiểm sức khỏe cao cấp, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm sức khỏe doanh nghiệp… Mặt khác, sự hấp dẫn cũng sẽ khiến bảo hiểm sức khỏe trở thành sản phẩm cạnh tranh gay gắt giữa các công ty bảo hiểm. Người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng so sánh quyền lợi kỹ hơn, đòi hỏi dịch vụ tốt hơn…

Cùng với bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới cũng là một trong những nghiệp vụ quan trọng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, với doanh thu đạt 3.482 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 23,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 15,8% trong 2 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, từ sự gia tăng số lượng phương tiện xe cơ giới đến các chính sách pháp lý và xu hướng tiêu dùng.

Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới tăng mạnh 53,1% và tiếp tục là sản phẩm chủ lực của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, trong khi doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện chỉ tăng 4,2%.

Theo các chuyên gia trong ngành, đà tăng trưởng mạnh của bảo hiểm xe cơ giới chủ yếu đến từ việc siết chặt quy định về nghĩa vụ tham gia bảo hiểm cùng số lượng xe ô tô đăng ký mới tăng cao, nhưng việc tỷ lệ bồi thường cao ở dòng sản phẩm bảo hiểm xe tự nguyện (45,1%) có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các công ty bảo hiểm. Tuy vậy, nghiệp vụ này được đánh giá sẽ duy trì được mức tăng trưởng 10-15% trong cả năm 2025 và công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối bảo hiểm cũng như xử lý bồi thường. Trong đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới tiếp tục là dòng sản phẩm chủ đạo, còn bảo hiểm xe tự nguyện sẽ tăng trưởng chậm hơn. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần cải thiện hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ, tối ưu hơn nữa chi phí bồi thường…

Nằm trong nhóm 3 nghiệp vụ chiếm tổng doanh thu lớn nhất với tỷ trọng trên 85% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường phi nhân thọ, thế nhưng bảo hiểm tài sản và kỹ thuật (bao gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm kỹ thuật...) lại không có được đà tăng trưởng tốt như bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.

Số liệu thống kê của IAV cho thấy, doanh thu của bảo hiểm tài sản và kỹ thuật đạt 3.660 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 24,9% trong tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 2 tháng đầu năm 2025, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.060 tỷ đồng, giảm 45,4% và là một trong những dòng sản phẩm giảm mạnh nhất ở nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và kỹ thuật. Ngược lại, dòng sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 1.800 tỷ đồng, tăng mạnh 44,7% do các yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại các công trình, dự án từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Trên thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ưu tiên chi phí vận hành hơn là chi phí bảo hiểm. Trong khi đó, bảo hiểm tài sản không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc, nên doanh nghiệp có xu hướng giảm mua, hoặc nếu có thì chọn gói bảo hiểm rẻ hơn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và kỹ thuật trong 2 tháng đầu năm 2025.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm tàu (bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu và bảo hiểm P&I); bảo hiểm hàng hóa vận chuyển; bảo hiểm trách nhiệm… đều tăng trưởng dưới 2 con số, thậm chí một số nghiệp vụ khác còn tăng trưởng âm như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm nông nghiệp…

Tiếp tục duy trì đà tăng 2 con số

Dù có sự phân hóa rõ nét giữa các nghiệp vụ, nhưng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam được dự báo sẽ duy trì đà tăng 2 con số trong năm 2025 nhờ nhiều yếu tố thúc đẩy. Một trong những lực đẩy quan trọng là dự báo GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức cao, kéo theo nhu cầu bảo hiểm phi nhân thọ gia tăng, đặc biệt tại các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm trách nhiệm. Ngoài ra, việc Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, đô thị thông minh và các khu công nghiệp cũng tạo cơ hội cho các nghiệp vụ khác như bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm tài sản…

Một yếu tố quan trọng nữa là việc tăng cường đầu tư cho số hóa của các công ty bảo hiểm sẽ giúp bảo hiểm ngày càng gần hơn với khách hàng. Cụ thể, các công nghệ số hóa hiện đại đang được áp dụng sẽ giúp các nhà bảo hiểm cải thiện quy trình bồi thường, phát triển sản phẩm linh hoạt và mở rộng kênh phân phối qua các nền tảng trực tuyến, kết hợp với các công nghệ AI, Big Data… để cá nhân hóa dịch vụ, tăng tính hấp dẫn cho khách hàng.

Thị trường cũng xuất hiện thêm các nhân tố mới, các tập đoàn bảo hiểm quốc tế đầu tư vào Việt Nam, mang theo công nghệ và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thị trường cạnh tranh và phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành các quy định chặt chẽ hơn về bảo hiểm bắt buộc và chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển bảo hiểm phi nhân thọ. Các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiên tai… có thể được mở rộng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thực tế, bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm quan trọng tại một thị trường có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao như ở Việt Nam, thế nhưng nhiều năm qua, doanh thu của sản phẩm này vẫn rất khiêm tốn. Kết thúc 2 tháng đầu năm 2025, doanh thu bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, so với bảo hiểm nhân thọ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội đầy hứa hẹn trong năm 2025. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các cơ hội này, các doanh nghiệp bảo hiểm cần không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm và mở rộng các kênh phân phối. Quan trọng hơn cả, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ là chìa khóa để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững và mang lại những lợi ích lâu dài cho khách hàng.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục