Về cơ cấu sản phẩm, Vinare nhận định, trong năm 2016, các sản phẩm cá nhân sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và là yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường.
Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, dòng sản phẩm cá nhân được hầu hết các DN bảo hiểm phi nhân thọ dồn sức đầu tư, kể cả những “ông lớn” tưởng chừng chỉ mải mê cung cấp các hợp đồng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng không… theo kiểu bán buôn như Bảo hiểm PVI. 9 tháng đầu năm 2015, hệ thống bán lẻ tại Bảo hiểm PVI đạt mức tăng trưởng cao, 36% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả này góp phần giúp PVI giữ vững vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, ước chiếm 23% thị phần.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thì bán sản phẩm cá nhân theo kiểu bán buôn nhằm mang lại mức phí bán bảo hiểm tốt cho khách hàng cũng là cách mà nhiều DN bảo hiểm đang triển khai.
Về kênh phân phối, theo Vinare, giống như khối bảo hiểm nhân thọ, sự phát triển của các kênh phân phối mới, trong đó có việc hợp tác với hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được các DN bảo hiểm phi nhân thọ chú trọng triển khai trong năm 2016 nhằm tiếp cận khách hàng, cả cá nhân và tổ chức.
Thống kê của ĐTCK cho thấy, ngoại trừ Liberty và Samsung Vina, hầu hết các DN còn lại trong tổng số 30 DN bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại đều phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và đang mở rộng cửa hợp tác với các nhà băng khác. Trong đó, MIC, BIC, BSH, Bảo Long với lợi thế ngân hàng mẹ là cổ đông lớn, lần lượt là MB, BIDV, SHB, SCB, đang ghi dấu ấn trong hoạt động này.
Năm 2016, theo lãnh đạo các DN bảo hiểm phi nhân thọ, các sản phẩm mới đang được nghiên cứu và sắp triển khai trong diện bắt buộc như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xây dựng lắp đặt… sẽ có cơ hội lớn.
“Đang có nhiều cơ hội để mảng bảo hiểm phi nhân thọ bứt phá, đón sóng hội nhập từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Cùng với sự phát triển của sản phẩm cá nhân, kênh phân phối mới, việc xuất hiện một số sản phẩm bảo hiểm mới sẽ giúp thị trường lớn mạnh. Đầu tư công vẫn là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015 - 2016. Theo dự báo của ADB, GDP Việt Nam năm 2016 sẽ tăng 6,6%, cao nhất trong khu vực ASEAN. Công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Đó sẽ là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của khối bảo hiểm năm 2016, trong đó có mảng phi nhân thọ”, chủ tịch một DN bảo hiểm nói.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia trong ngành, các quy định về kinh doanh bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường như Nghị định 45/2007/NĐ-CP, Nghị định 46/2012/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung; nghị định và thông tư về bảo hiểm xây dựng lắp đặt đang được xây dựng; Thông tư 220/2000/TT-BTC về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc dự kiến sẽ được sửa đổi…
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm năm 2016 cũng sẽ có không ít thách thức như xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, tình hình tổn thất có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán như thiên tai, các rủi ro mới nổi, trục lợi bảo hiểm…
Về kết quả kinh doanh năm 2015, các chuyên gia nhận định, với kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.147 tỷ đồng, tăng 14%, sẽ không quá khó để về đích kế hoạch năm. Dự báo, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 đạt khoảng 37.000 tỷ đồng. Vinare tính toán, giai đoạn 2009 - 2015, chỉ số tăng trưởng chung của toàn thị trường ước đạt 16%/năm; trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ tăng khoảng 14%/năm, bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 21%/năm.
Trên nền tảng phát triển chung đó, các DN bảo hiểm phi nhân cho rằng, năm 2016, thị trường có cơ sở để đạt mức tăng trưởng trên dưới 15%.