Mới đây, Hanwha Life Việt Nam cho biết, hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này đang thực hiện giới thiệu sản phẩm bảo hiểm trên kênh SCJ, một kênh truyền hình bán hàng cũng xuất xứ từ “xứ sở kim chi”.
Bán bảo hiểm trên các kênh truyền hình không phải là hình thức mới, nhất là ở các thị trường tài chính phát triển. Tại Hàn Quốc, hình thức bán bảo hiểm này đã được triển khai rất thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là hình thức khá mới mẻ do tính chất phức tạp của sản phẩm bảo hiểm, cũng như sự non trẻ của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Được biết, Hanwha Life Việt Nam là hãng bảo hiểm nhân thọ tiên phong trong việc áp dụng mô hình bán bảo hiểm qua truyền hình tại Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, song việc bán bảo hiểm qua kênh truyền hình tại thị trường này có thành công hay không vẫn là câu hỏi ngỏ.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Hanwha Life Việt Nam và đối tác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm để tiếp nhận ý kiến của khách hàng, cũng như đo lường sự hiệu quả từ kênh bán bảo hiểm này.
Là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tốc độ phát triển và tăng trưởng cao trên thị trường, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống phân phối của Generali Việt Nam tiếp tục được mở rộng với 45 văn phòng chi nhánh và tổng đại lý GenCasa trên toàn quốc.
Bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh kênh bán hàng chính là đại lý, Generali Việt Nam cũng khai thác các kênh phân phối khác thông qua việc kết hợp với 2 đối tác mới là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và CenGroup, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Giới quan sát cho rằng, việc một hãng bảo hiểm hợp tác với một công ty bất động sản và ngân hàng để giới thiệu chéo sản phẩm là một cách làm mới tại thị trường Việt Nam, vừa giúp tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng, vừa mở rộng thêm kênh phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về ý tưởng phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử về bảo hiểm, CEO của hãng bảo hiểm đưa ra ý tưởng này cho biết, mô hình sàn giao dịch bảo hiểm điện tử đang hoạt động rất tốt ở một số thị trường châu Á. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang tìm kiếm đối tác để có thể phát triển mô hình này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mô hình sàn giao dịch bảo hiểm điện tử tương tự như mô hình của GoBear - công cụ tìm kiếm tích hợp độc lập và chuyên biệt (meta-search engine) dành cho các sản phẩm bảo hiểm, ngân hàng…
Cũng nằm trong chiến lược đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ bảo hiểm tài chính cho thị trường Việt Nam, ngay sau khi chính thức khai trương tại TP.HCM vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Labo - công ty chuyên cung cấp các giải pháp tài chính bảo hiểm theo phương thức one-stop shop - đã tổ những buổi hội thảo về các vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng cho khách hàng.
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là hãng bảo hiểm đầu tiên sử dụng dịch vụ của Labo. Cụ thể, tất cả chuyên viên tư vấn của Labo, sau khi hoàn thành các khóa đào tạo để được cấp phép là đại lý bảo hiểm của FWD Việt Nam, đều có quyền tư vấn sản phẩm của nhà bảo hiểm này tới khách hàng của mình. Được biết, ngoài FWD Việt Nam, trong thời gian tới, Labo cũng sẽ tiếp tục hợp tác với những đối tác tài chính khác.
“Cùng với kênh bán bảo hiểm qua truyền hình, qua sự hợp tác với các công ty ngoài ngành như bất động sản, cũng như bán qua sàn giao giao dịch theo kiểu thương mại điện tử…, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ còn có thêm nhiều mô hình bán hàng mới. Và trên thực tế, một số công ty bảo hiểm cũng đang âm thầm thực hiện điều này. Đây là sự phát triển tất yếu đối với thị trường bảo hiểm còn non trẻ và nhiều tiềm năng như thị trường Việt Nam”, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhìn nhận.