Sau gần 9 năm hoạt động, dù có thời điểm doanh thu phí khai thác mới tăng trưởng gần 130%, song Great Eastern Việt Nam chưa từng có lãi. Nguồn tin từ FWD Việt Nam cho hay, Công ty sẽ tạo ra hướng đi khác biệt, khi áp dụng công nghệ mới trong hoạt động bảo hiểm, kết hợp với việc xây dựng đội ngũ kinh doanh có trình độ và kỹ năng cao nhờ sự đầu tư đúng mức trong công tác huấn luyện, đào tạo.
“Chúng tôi có thể nhanh chóng tạo nên sự khác biệt bằng cách xây dựng một đội ngũ nhân viên chất lượng, có khả năng ứng dụng công nghệ cao trong mọi công việc. Tư vấn viên sẽ không phải trực tiếp thu và nộp phí, không mất thời gian cho công việc liên quan đến giấy tờ”, nguồn tin trên nói.
Mặc dù đã “sang tên, đổi chủ”, nhưng theo đánh giá từ thị trường, vẫn còn quá sớm để nói về tương lai của FWD Việt Nam lúc này.
Việc ứng dụng công nghệ cao cũng từng được PVI Sun Life tuyên bố áp dụng khi mới ra mắt (hiện mới hoạt động được gần 3 năm), với thông điệp “nói không với giấy bút”, mà sử dụng hoàn toàn các thiết bị số để giao dịch hợp đồng. Tuy nhiên, với những hạn chế trong nhận thức về bảo hiểm của khách hàng nói chung và về công nghệ nói riêng, công cụ này vẫn chưa thể phổ biến.
Sau khi Tập đoàn Sun Life mua nốt 25% phần vốn của PVI tại PVI Sun Life vào tuần trước, bài toán cho tương lai của Sun Life đã được đặt dấu hỏi khi phải “tự thân vận động” mà không có sự hỗ trợ của PVI, trong khi việc bán bảo hiểm tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các mối quan hệ. Cần nhắc lại rằng, lợi thế của PVI trong lĩnh vực dầu khí và cơ sở khách hàng lớn đã tạo ra nguồn thu chính cho PVI Sun Life, trong đó có khoản 1.000 tỷ đồng doanh thu ngay từ năm đầu hoạt động.
Còn với “tân binh” MB Ageas Life, có tổng mức vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng được góp bởi Ngân hàng TMCP Quân đội – MB (61%), Tập đoàn Ageas (29%) và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai Life (10%), đó là sự kết hợp của MB (mạng lưới hơn 240 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc), Ageas (thương hiệu hàng đầu về bảo hiểm nhân thọ tại châu Âu với gần 200 năm phát triển) và Muang Thai Life (đứng đầu thị trường Thái Lan về doanh số bancassurance).
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên MB Ageas, đến năm 2020, Công ty phấn đấu trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu trong hoạt động bancassuarance.
Như vậy, có thể thấy, với chiến lược này, trong ngắn hạn, đội ngũ tư vấn viên của MB Ageas Life vẫn chủ yếu tận dụng nguồn nhân viên ngân hàng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác cho biết, họ không phát triển mạnh lực lượng đại lý, mà tập trung chủ yếu vào tính hữu ích của sản phẩm.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong nước vẫn đang có xu hướng chạy theo số lượng và tăng trưởng doanh số dựa vào tuyển dụng quy mô lớn. Phương pháp này có thể tăng trưởng doanh số trong ngắn hạn, nhưng dẫn tới nhiều hệ lụy trong dài hạn như tỷ lệ luân chuyển cao, chất lượng tư vấn thấp, chất lượng phục vụ khách hàng kém, sai phạm của đại lý xảy ra nhiều… Thậm chí, có những người có năng lực, nhưng “vào” ngành chỉ để tạo thu nhập trong ngắn hạn, mà không xem đó là nghề nghiệp lâu dài. Vì vậy, không ít người tâm huyết tỏ ra thất vọng về xu hướng “chạy theo số đông” này.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thuộc Top đầu về thị phần từng có thời điểm cố gắng không tuyển dụng ồ ạt để chỉnh đốn hàng ngũ, thay đổi chính sách bán hàng để hạn chế việc tuyển dụng tràn lan… nhưng không có nhiều hiệu quả.
Có thể thấy rằng, tập trung vào “chất” có thể khiến doanh nghiệp “đi chậm” lại, thậm chí giảm thị phần, hay không đạt cam kết với tập đoàn mẹ, song để phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận điều này.
Được biết, tại Hội nghị CEO bảo hiểm được tổ chức mới đây, nhiều CEO bảo hiểm đều thống nhất với quan điểm rằng, doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung kiểm soát doanh thu, tránh tình trạng doanh thu ảo, tăng năng suất khai thác, nhưng vẫn cần đảm bảo chất lượng và hiệu quả của đội ngũ đại lý…