Bảo hiểm nhân thọ chưa thể lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm tin rằng, với nỗ lực thay đổi của mỗi doanh nghiệp, niềm tin sẽ quay trở lại và thị trường sẽ sớm hồi phục.
Thị trường nhân thọ Việt Nam đang giảm tốc sau thời gian dài tăng trưởng Thị trường nhân thọ Việt Nam đang giảm tốc sau thời gian dài tăng trưởng

Chấp nhận thử thách, sẵn sàng nắm bắt cơ hội

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường nhân thọ 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33.553 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 57,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 12,2%; sản phẩm bán kèm chiếm tỷ trọng 12%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại (gồm bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 2%.

Nhu cầu bảo hiểm luôn hiện hữu, chỉ cần các doanh nghiệp cung cấp những “tấm lá chắn” phù hợp nhất với nhu cầu và hoàn cảnh của từng khách hàng thì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ luôn được đón nhận.

Ông Võ Xuân Hưng - Phó tổng giám đốc Nghiệp vụ bảo hiểm Generali Việt Nam nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đang chậm lại bởi những biến động của thị trường, nhưng “sự chững lại” cũng có giá trị và bài học của nó. Những biến động và thách thức hiện nay là điều tất yếu sẽ xảy ra trong quá trình phát triển còn non trẻ của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, lĩnh vực nhân thọ nói riêng. Những thị trường bảo hiểm nhân thọ đi trước cũng có diễn biến tương tự và đều cần có thời gian để cân bằng lại.

“Cũng như những doanh nghiệp khác trên thị trường, Generali Việt Nam chấp nhận thử thách với sự cầu thị, xem đây là cơ hội để tăng cường tính trung thực và minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, ông Hưng nói.

Tập trung vào chất lượng và chọn minh bạch làm trọng tâm, Generali Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “bảo hiểm minh bạch” từ tháng 1/2023 và càng quyết liệt hơn trong thời gian gần đây. Generali Việt Nam cũng đã tiến hành rà soát các thông tin và quy trình liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, công tác đào tạo, huấn luyện, quản lý các kênh phân phối nhằm nâng cao hiệu quả, sự chuyên nghiệp, tính minh bạch đối với khách hàng. Ngoài ra, nhà bảo hiểm này còn đầu tư cải thiện mọi mặt về dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đặc biệt trong chi trả quyền lợi bảo hiểm. Nhờ những nỗ lực ứng dụng công nghệ, các sáng kiến cải tiến quy trình, Generali Việt Nam đã và đang tối ưu hiệu quả vận hành và hiệu suất kinh doanh.

“Điều quan trọng là những nỗ lực cải tiến này đã được lên kế hoạch chuẩn bị theo lộ trình, chứ không phải đợi đến lúc thị trường bị ảnh hưởng mới thực hiện. Có thể nói, Generali Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với những thách thức và nắm bắt cơ hội trong thời kỳ mới”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng trong nỗ lực thay đổi cảm nhận của người dân về bảo hiểm nhân thọ, FWD Việt Nam vừa cho ra mắt tính năng mới “chú thích thuật ngữ bảo hiểm tức thời” giúp khách hàng đọc và hiểu các thông tin bảo hiểm dễ dàng hơn. Cụ thể, khi truy cập vào website của FWD Việt Nam, khách hàng có thể trải nghiệm tính năng đặc biệt này bằng cách nhấp chuột (đối với thiết bị máy tính) hoặc chạm (đối với thiết bị di động) vào những thuật ngữ chuyên ngành để được giải thích định nghĩa tức thời.

Thời gian qua, FWD Việt Nam cũng đã rà soát lại câu chữ, cấu trúc và thiết kế của bộ hợp đồng bảo hiểm để có những thay đổi thiết thực hơn, tập trung vào trình bày ngôn ngữ đơn giản, thiết kế rõ ràng và hình thức thân thiện.

Cơ hội đến từ sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng

Theo IAV, hiện tại, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP và chi tiêu cho bảo hiểm nhân thọ trên bình quân đầu người của Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng như thế giới. Tổng số chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện tại vào khoảng 10 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số.

Chia sẻ tại hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ” do IAV tổ chức mới đây, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, năm 2023, sau nhiều biến động khiến người dân do dự khi tham gia bảo hiểm, ngành sẽ cần tập trung vào việc gia tăng niềm tin của khách hàng. Chính vì thế, đổi mới quy trình hoạt động cũng như sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tính minh bạch, sự chuyên nghiệp, củng cố niềm tin khách hàng là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn với các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Theo bà Tina Nguyễn, ngoài quy trình bán hàng, tài liệu bán hàng cũng phải tập trung làm rõ ràng. Với sản phẩm bảo hiểm, nếu chỉ đề cập tới ưu điểm, lợi ích mà không nói tới giới hạn, hạn chế là chưa đầy đủ, dễ gây hiểu lầm sau này. Chính vì vậy, các công cụ và quy trình kiểm soát bán bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm đang nỗ lực xây dựng sẽ phải ngày càng hạn chế những vấn đề này.

“Một trong những chiến lược quan trọng của Manulife Việt Nam trong năm nay là xây dựng hệ thống lắng nghe các phản hồi của khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Hy vọng trong quý IV/2024 sẽ hoàn thiện hệ thống này”, bà Tina Nguyễn chia sẻ thêm.

Còn ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam cho hay, dù mỗi nhà bảo hiểm có giải pháp riêng, nhưng nhìn chung đều đang tập trung cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cũng như không ngừng phát triển đội ngũ chất lượng để đảm bảo khách hàng luôn nhận được những tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm, phù hợp nhất. Các giải pháp này vừa nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, vừa giúp các nhà bảo hiểm tuân thủ nghiêm túc các quy định mới của cơ quan quản lý nhà nước.

“Để có được niềm tin thì yếu tố tiên quyết là phải rõ ràng, minh bạch. Mọi nỗ lực sẽ đều vì mục tiêu chung là đem đến giá trị gì cho khách hàng, giải quyết những băn khoăn, trăn trở gì cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chỉnh sửa tài liệu bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm nhằm tăng cường tính minh bạch của sản phẩm, giúp khách hàng hiểu rõ về quyền lợi của mình, tránh có những kỳ vọng không thực tế”, ông Sơn nói và cho biết thêm, một bộ tài liệu rất quan trọng là bộ hợp đồng bảo hiểm - vốn thường bị khách hàng đánh giá là “dài và khó hiểu” - cũng được các nhà bảo hiểm cải tiến theo hướng ngắn gọn và dễ hiểu hơn, bao gồm cả Chubb Life Việt Nam. Công ty luôn có bản tóm tắt quy tắc và điều khoản, bên cạnh quy tắc và điều khoản sản phẩm đầy đủ, để cung cấp cho khách hàng.

Ngoài ra, Chubb Life cũng đã thực hiện việc tăng tỷ lệ STP (Straight Through Processing - phát hành hợp động tự động xuyên suốt), có thể phát hành hợp đồng chuẩn ngay trong ngày; tổ chức nhiều khóa huấn luyện offline lẫn hệ thống đào tạo online dành cho đội ngũ tư vấn kinh doanh và cấp quản lý…

“Cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp khác, tôi tin là ‘trong nguy có cơ’. Chubb Life chọn cách nhìn vào cơ hội, bởi đây cũng là lúc người dân hiểu hơn về giá trị của bảo hiểm nhân thọ và các doanh nghiệp có thể thực hiện đổi mới để đem đến chất lượng dịch vụ tốt hơn khách hàng của mình”, ông Sơn nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, nhu cầu bảo hiểm luôn hiện hữu để bảo vệ mỗi người dân và người thân của họ trước những rủi ro về sức khỏe và tài chính. Chỉ cần các doanh nghiệp cung cấp những “tấm lá chắn” phù hợp nhất với nhu cầu và hoàn cảnh của từng khách hàng thì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ luôn được đón nhận.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục