Thực tế, không chỉ có khách hàng lo ngại về lạm phát có thể gia tăng khi nền kinh tế thực sự phục hồi, mà chính các DN bảo hiểm nhân thọ cũng lo không kém. Các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa quên quãng thời gian khó khăn năm 2008, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng đột biến tới 18%... khiến hầu hết DN đều gặp khó khăn lớn, vì khách hàng đang tham gia bảo hiểm chấm dứt hợp đồng trước hạn, rút tiền gửi ngân hàng. Nguồn khách hàng tiềm năng giảm nên số lượng hợp đồng mới khai thác được cũng không nhiều.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới năm 2008 của khối bảo hiểm nhân thọ giảm 13,71% so với năm 2007. Tổng số hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực trong kỳ tăng 26,17%, trong đó hợp đồng hủy bỏ trước hạn tăng 26,78% so với năm 2007. Đặc biệt, số lượng hợp đồng bị hủy bỏ năm thứ nhất là 99.998 hợp đồng, tăng 8,83% so với năm 2007. Trước đó, năm 2006, các DN khối này cũng đã từng phải trải qua một cơn "khủng hoảng" khi khách hàng ngưng hợp đồng bảo hiểm giữa chừng tăng lên đột biến. Có công ty, số hợp đồng mới ký được trong sáu tháng đầu năm không kịp bù lại số hợp đồng bị huỷ. Ở thời điểm đó, ngoài lý do chất lượng dịch vụ kém, thì hai yếu tố ảnh hưởng lớn tới tốc độ thu hút khách chính là lạm phát và lãi suất ngân hàng. Đó là những bài học đắt giá mà không DN bảo hiểm nhân thọ nào quên được.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thì sự nỗ lực của các DN trong việc phát triển dịch vụ sản phẩm chuyên nghiệp hơn nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng cũng đã khiến thị trường này dần phục hồi. Số hợp đồng chính khai thác mới năm 2009 đã tăng 22,42% so với năm 2008, trong khi số hợp đồng chính bị hủy bỏ giảm nhiều. Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã bắt đầu phục hồi và lấy đà tăng trưởng, khi trong quý I/2010, hầu hết DN đều cho biết, doanh thu khai thác mới rất khả quan.
Tuy nhiên, những ám ảnh về lạm phát vẫn còn hiển hiện, trong khi thị trường tài chính ngày càng sôi động với những kênh đầu tư hấp dẫn, khiến các DN bảo hiểm lo lắng. Song song với việc cho ra đời những sản phẩm dịch vụ mới linh hoạt hơn cho khách hàng thì các công ty trong khối này cũng đã tiến hành nghiên cứu, tính toán để tìm ra giải pháp bù đắp sự trượt giá cho các khách hàng mua bảo hiểm. Năm 2009, Manulife giới thiệu tại Việt Nam sản phẩm Quyền lựa chọn bảo đảm thời giá. Giữa năm 2009, ACE Life tung ra sản phẩm bảo hiểm bổ sung với quyền lợi điều chỉnh tăng giá trị bảo hiểm theo tỷ lệ lạm phát. Và mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã chính thức giới thiệu "Quyền lợi hỗ trợ trượt giá" với hai sự lựa chọn Bảo vệ và Tiết kiệm dành cho những khách hàng tham gia sản phẩm An Thịnh Chu Toàn. Cụ thể, với lựa chọn yếu tố Bảo vệ, Quyền lợi hỗ trợ trượt giá sẽ giúp số tiền bảo hiểm của sản phẩm chính An Thịnh Chu Toàn tự động tăng mỗi năm theo tỷ lệ cố định là 5% hoặc 10%, mà khách hàng không cần phải thẩm định lại tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp khách hàng quan tâm đến yếu tố Tiết kiệm, Quyền lợi hỗ trợ trượt giá sẽ thiết lập cho khách hàng một kế hoạch đóng phí đều đặn với mức phí bảo hiểm dự kiến hàng năm được điều chỉnh tăng 5% hoặc 10%, theo đó, giá trị tài khoản của hợp đồng sẽ sinh lợi và tích lũy nhanh chóng hơn. Khoản giá trị tăng lên này sẽ hỗ trợ khách hàng bù đắp phần trượt giá theo thời gian và vẫn đảm bảo mức tăng trưởng mong muốn cho những mục tiêu tài chính trong tương lai.
Theo các chuyên gia trong ngành, gia tăng quyền lợi quyền lợi cho khách hàng khi xuất hiện lạm phát cao sẽ là một xu hướng mới của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Dù hiện tại không phải DN bảo hiểm nào cũng có sản phẩm bổ sung riêng cho vấn đề này, nhưng hầu hết đều đã triển khai những sản phẩm bảo hiểm với những mức phí và quyền lợi bảo hiểm rất linh hoạt theo biến động của đời sống, thay vì cố định, cứng nhắc như trước kia. Tất nhiên, quyền lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về khách hàng, nhưng các chuyên gia trong ngành này cũng khuyến cáo rằng, tham gia bảo hiểm nhân thọ là việc đầu tư dài hạn, nếu khách hàng chấm dứt hợp đồng trước hạn thì phần thiệt thòi trước hết thuộc về họ, khi giá trị hoàn lại có thể thấp hơn số phí bảo hiểm đã đóng.