Bảo hiểm MIC thắng kiện Công ty Falcom Việt Nam, không phải bồi thường hơn 3 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tòa phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của CTCP Falcom Việt Nam, đồng nghĩa là Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (MIC) không phải bồi thường hơn 3 tỷ đồng.

Ngày 25/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét đơn kháng cáo, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm của Falcom Việt Nam, yêu cầu MIC phải bồi thường 168.000 USD (hơn 3 tỷ đồng) và lãi hơn 800 triệu đồng.

Do không có tình tiết mới phát sinh nên tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo.

Trong vụ án này, bên được thụ hưởng bảo hiểm là Công ty M.L.D.A ở Angola (đối tác của Falcom Việt Nam). Do cách biệt địa lý, công ty này ủy quyền cho Falcom Việt Nam tham gia tố tụng.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 8/11/2016, Falcom Việt Nam bán xe ủi cho Công ty M.L.D.A, giao hàng ở cảng Shanghai (Trung Quốc) đến cảng Uganda (Canada), thời gian giao hàng là 5 tháng 19 ngày. Falcom Việt Nam đã ký kết hợp đồng với MIC để bảo hiểm cho lô hàng trên.

Vận đơn ngày 9/1/2017 thể hiện lô hàng trên xuất phát từ cảng Qingdao (Trung Quốc).

Ngày 12/2/2017 thì xảy ra sự kiện bảo hiểm là tàu vận chuyển hàng hóa bị phát nổ. Nguyên nhân xuất phát từ một chiếc container chứa hóa chất bốc cháy lan sang các container khác.

Cơ quan giám định độc lập xác định một số lượng lớn container đã bị hư hỏng. Ngày 22/2/2017, hãng tàu có văn bản xác nhận lô hàng là xe ủi bị cháy hoàn toàn và yêu cầu các chủ hàng rà soát hợp đồng bảo hiểm.

Falcom Việt Nam có đơn yêu cầu MIC bồi thường thiệt hại toàn bộ giá trị lô hàng trên. Ngày 20/4/2018, MIC gửi công văn từ chối bảo hiểm với lý do vận đơn đã thay đổi hải trình, từ cảng Qingdao (Trung Quốc) đến cảng Uganda, thay vì từ cảng Shanghai.

Quá trình làm việc, hai bên đều thống nhất nguyên nhân xảy ra sự cố bảo hiểm là khách quan và không có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.

Falcom Việt Nam cho rằng, ngày 22/2/2017, nhân viên của công ty đã liên hệ, trao đổi với nhân viên của MIC là chị Bùi Thị H, đồng thời gửi kèm chứng từ, vận đơn lô hàng. Nhân viên của Falcom Việt Nam đã bàn về việc sửa đổi hợp đồng liên quan tới sự thay đổi này, nhưng nhân viên MIC nói không cần thiết vì đây là tài liệu nội bộ.

MIC cho rằng, nếu sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm thì cần phải lập thành văn bản, thông qua người có thẩm quyền xác nhận và ký kết, có dấu đỏ của Công ty.

Tòa sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của Falcom Việt Nam vì cho rằng việc giao kết với nhân viên H. là không có giá trị pháp lý.

Mặt khác, theo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Falcom Việt Nam biết rõ tàu chở hàng khởi hành từ cảng Qingdao. Khi có thông báo của chủ tàu thì Công ty mới rà soát và thông báo cho MIC. Falcom Việt Nam không có đơn bổ sung, sửa đổi hợp đồng do MIC phát hành.

Rủi ro vì làm theo thói quen

Tại tòa phúc thẩm, Falcom Việt Nam thừa nhận trong vụ việc này có lỗi của nhà cung cấp.

“Đúng ra khi giao hàng xong, nhà cung cấp phải gửi bộ chứng từ cho chúng tôi nhưng công ty lại gửi thẳng cho M.R.D.A (là đơn vị nhận hàng). Chúng tôi mua hàng từ bên trung gian. Đối tác làm sai nên chúng tôi bị động”, đại diện Falcom Việt Nam nói. Tuy nhiên, công ty cho rằng, nhân viên của MIC phải chịu trách nhiệm. Công ty từng ký kết các hợp đồng bảo hiểm khác, bảo hiểm cũng chấp nhận sửa đổi, bổ sung nội dung.

Đại diện Falcom Việt Nam thừa nhận không nắm rõ luật bảo hiểm, song nhân viên bảo hiểm không giải thích, tư vấn rõ ràng.

HĐXX đặt trường hợp nếu xảy ra sự kiện pháp lý sau đó các bên mới sửa đổi hợp đồng và có một bên thứ ba mua lại bảo hiểm có thể xảy ra trường hợp trục lợi bảo hiểm.

“Doanh nghiệp mua bảo hiểm thì có quyền yêu cầu giải thích. Doanh nghiệp nói không hiểu biết pháp luật. Vậy ai phải chịu?... Nếu cứ làm việc theo thói quen thế này thì doanh nghiệp có thể chết”, chủ tọa giải thích thêm.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục