Thị trường mới nổi tiếp tục là động lực tăng trưởng
Theo Swiss Re, tăng trưởng phí bảo hiểm tại các thị trường mới nổi vượt xa các nền kinh tế phát triển trong những năm tới do tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh, đặc biệt ở một số ngành như sức khoẻ, trách nhiệm chung và nông nghiệp.
Swiss Re dự báo, phí bảo hiểm toàn cầu tăng trưởng thực bình quân giai đoạn 2023-2024 vào khoảng 2,15%/năm (trong đó, năm 2023 là 1,5% và 2024 là 2,8%). Trong đó, tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ ở thị trường mới nổi khu vực châu Á (không bao gồm Trung Quốc) tăng bình quân 7,3%/năm nhờ các sản phẩm bảo hiểm thương mại, sức khỏe và nền kinh tế phát triển ổn định.
Trong khi đó, một số yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ hồi phục với mức tăng trưởng dự báo khoảng 1,7%/năm trong giai đoạn 2023-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2021 là 1,5%/năm. Những thị trường mới nổi (bao gồm cả Trung Quốc) sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng hàng năm là 4,3%. Việc áp dụng kỹ thuật số, nhận thức về rủi ro và sự hỗ trợ của khu vực công đối với việc phát triển bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là ở châu Á (không bao gồm Trung Quốc) sẽ giúp thị trường này phát triển và hỗ trợ tăng trưởng phí bảo hiểm toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn hoặc sự bất ổn của thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ.
Swiss Re ước tính, trong năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm danh nghĩa toàn cầu lần đầu tiên vượt mức 7.000 tỷ USD nhờ sự phục hồi của thị trường bảo hiểm sau dịch, sự ổn định trong các sản phẩm bảo hiểm thương mại và tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm cao hơn, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Trong tương lai, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng phí do lạm phát cao và tổn thất lớn từ thảm hoạ thiên nhiên trong năm 2022 và xung đột giữa Nga và Ukraine. Lãi suất cao hơn khiến doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận của các công ty bảo hiểm tăng cao hơn trong năm 2023.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam kỳ vọng giữ đà tăng 2 con số
Năm 2022, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,14% so với năm 2021). Trong đó, khối phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng (tăng 15,53%), khối nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng (tăng 15%).
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2022, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,14% so với năm 2021). Trong đó, khối phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng (tăng 15,53%), khối nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng (tăng 15%).
Tại khối phi nhân thọ, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc năm 2022 là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 9.730 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2021 và chiếm 14,3% thị phần. Tiếp đến lần lượt là Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 12,2% và chiếm 13,6% thị phần; Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với doanh thu ước đạt 6.335 tỷ đồng, tăng 8,6% và chiếm 9,3% thị phần; Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) với doanh thu ước đạt 5.432 tỷ đồng, tăng 20,8% và chiếm 8% thị phần; Bảo hiểm Quân đội (MIC) với doanh thu ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 27,2% và chiếm 7,3% thị phần.
Quy mô thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện đạt gần 3 tỷ USD, mới chiếm khoảng 0,7% GDP của Việt Nam, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực Đông Nam Á thường trên 2% GDP, do đó dư địa khai thác trên thị trường này còn rất rộng mở.
Theo ông Nguyễn Kim Lân, Tổng giám đốc PTI, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhưng không cao như năm 2022 (do tăng trưởng trên nền doanh thu thấp của năm 2021). Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa chi phí, các doanh nghiệp phi nhân thọ còn phải đối mặt với tỷ lệ bồi thường tăng nhanh ở 2 nghiệp vụ chính là bảo hiểm xe và con người.
Với khối nhân thọ, năm 2022, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong năm qua, với việc bổ sung thêm 8.935 tỷ đồng (đến từ 4 doanh nghiệp gồm AIA tăng 5.000 tỷ đồng, Dai-ichi Life tăng 2.100 tỷ đồng, FWD tăng 1.585 tỷ đồng và Phú Hưng tăng 250 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu của khối này ước tăng lên mức 125.422 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.
Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp nhân thọ, theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm là: Bảo Việt nhân thọ (18,8%), Prudential (17,7%), Manulife (17%), Dai-ichi (12,7%), AIA (10,3%), MB Ageas (3,7%), FWD (3,4%), Sun Life (3,1%), Generali (2,9%), Chubb (2,7%), Hanwha (2,5%), Cathay (1,5%), MVI (1,5%), BIDV MetLife (1%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần dưới 1% .
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Bộ Tài chính sẽ không phê chuẩn sản phẩm nhân thọ trước khi triển khai như trước đây, mà doanh nghiệp nhân thọ sẽ được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí.
Theo các quy định trước đó, chỉ có doanh nghiệp phi nhân thọ mới được chủ động trong việc thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm (trừ bảo hiểm con người), còn doanh nghiệp nhân thọ phải trình cơ quan chức năng phê duyệt khi thiết kế, xây dựng các sản phẩm mới. Theo Cục Quản lý và giám bảo hiểm, trong năm 2022, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có thêm 67 sản phẩm bảo hiểm mới.
Hành lang pháp lý cởi mở hơn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, ổn định và bền vững. Lãnh đạo Cục Quản lý và giám bảo hiểm cho biết, luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản trị rủi ro theo đặc thù của từng doanh nghiệp, chứ không cào bằng như trước đây, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, quản trị lành mạnh và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt trong quản trị rủi ro. Thị trường cũng trở nên minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin. Năm 2023, dự kiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ để không chỉ mở rộng kinh doanh, mà còn đáp ứng các yêu cầu về vốn, về đầu tư theo quy định mới.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, những yếu tố vĩ mô khó lường sẽ còn diễn ra trong năm 2023 và ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Do đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường sẽ chậm lại, chưa thể bật mạnh cho đến khi khó khăn qua đi. Mặt khác, nhu cầu bảo hiểm của người dân vẫn cao, nhưng việc quyết định mua sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện tài chính, trong khi thu nhập của người dân trong năm 2023 được dự báo chưa thể cải thiện nhiều so với năm 2022, nên chưa thể tạo đà để thị trường phát triển rực rỡ như giai đoạn trước dịch.
“Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế chỉ là ngắn hạn, trong khi tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ còn khiêm tốn, chỉ khoảng 10%, nên cơ hội cho các doanh nghiệp vẫn rộng mở”, vị tổng giám đốc trên nói.