Bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn là chủ lực sau khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về việc tư vấn chưa đúng, chưa đủ, nhất là do ngân hàng phân phối, nhưng đây vẫn là loại hình sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu số lượng hợp đồng bảo hiểm.
Bảo hiểm liên kết đơn vị không phải là dòng sản phẩm có thể bán đại trà Bảo hiểm liên kết đơn vị không phải là dòng sản phẩm có thể bán đại trà

Bảo hiểm liên kết đơn vị: Bùng nổ và khủng hoảng

Bảo hiểm liên kết đầu tư là loại hình bảo hiểm bao hàm hai yếu tố: bảo vệ tài chính trước các rủi ro và đầu tư sinh lợi nhuận. Hiện nay, có hai loại bảo hiểm liên kết đầu tư là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Hai sản phẩm này giống nhau ở phần phí bảo hiểm, nhưng phần đầu tư có sự khác biệt.

Đối với bảo hiểm liên kết chung, người tham gia đầu tư vào quỹ liên kết chung sẽ được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư, với mức lãi suất không thấp hơn lãi suất cam kết trên hợp đồng bảo hiểm. Còn đối với bảo hiểm liên kết đơn vị, khách hàng đầu tư vào quỹ liên kết đơn vị do công ty bảo hiểm thành lập, mức lãi suất của sản phẩm này sẽ biến động theo kết quả kinh doanh của quỹ, chứ không có lãi suất cam kết.

Bảo hiểm liên kết chung đã quen thuộc với thị trường, vì các sản phẩm thuộc nghiệp vụ này trở thành dòng sản phẩm chủ đạo của các doanh nghiệp bảo hiểm trong vòng 10 năm trở lại đây và ngày càng lấn át dòng sản phẩm hỗn hợp truyền thống.

Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị cũng đã có mặt trong rổ sản phẩm của các công ty bảo hiểm từ lâu, nhưng chỉ được đẩy mạnh ra thị trường trong 2 - 3 năm qua, nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, nên dần có đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng doanh thu của bảo hiểm liên kết đầu tư.

Theo thống kê, 36,3% trong tổng số hợp đồng khai thác mới năm 2022 là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, 21,9% là bảo hiểm liên kết đơn vị. Xét về phí, sản phẩm liên kết chung và liên kết đơn vị lần lượt chiếm 51,4% và 20,3%. Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm liên kết đơn vị là nghiệp vụ có tốc độ tăng trưởng số lượng hợp đồng khai thác mới cao nhất (hơn 90%).

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng nóng của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay.

Sau một thời gian liên tục tăng trưởng mạnh, cả bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị trong thời gian gần đây có doanh thu sụt giảm. Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, số lượng hợp đồng khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2% và giảm 34,4% so với cùng kỳ (sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45% và giảm 23,9%, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2% và giảm 52,5%); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7% và giảm 17,6%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7% và giảm 48,9%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,4% và giảm 44,9% (sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 6,5%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,05%, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,77%).

Thực tế, khi bảo hiểm liên kết đơn vị được đẩy mạnh triển khai đã có một số ý kiến cảnh báo, bảo hiểm liên kết đơn vị không phải là dòng sản phẩm có thể bán đại trà, bởi cả người bán và người mua đều ở phân khúc riêng. Trên thế giới, việc bán bảo hiểm liên kết đơn vị dễ bị bán sai nên cơ quan quản lý tại nhiều thị trường có quy định rất nghiêm ngặt về người được phép bán, chẳng hạn bán qua kênh ngân hàng hay các công ty dịch vụ tài chính trung gian, công ty chứng khoán. Một số thị trường còn hạn chế bán bảo hiểm liên kết đơn vị, vì có tình trạng tư vấn bảo hiểm bán qua ngân hàng lạm dụng bán sai để hưởng hoa hồng nên dễ gây ra rủi ro.

“Việc huấn luyện cho các đại lý tư vấn tài chính để triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phải làm rất kỹ, để tránh hệ lụy không hay cho các bên tham gia, cũng như ảnh hưởng tới thị trường chung”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói và cho rằng, người tham gia bảo hiểm liên kết kết đơn vị cần tìm hiểu và lựa chọn những đơn vị uy tín, có tầm nhìn phù hợp và khả năng đầu tư tốt. Bởi lẽ, bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư, nhưng cũng sẽ chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đầu tư.

Tuy nhiên, khi thị trường đang trong guồng quay tăng trưởng, những cảnh báo đã bị lướt qua và hậu quả thì toàn thị trường đang phải hứng chịu.

Siết chặt việc bán các sản phẩm bảo hiểm phức tạp

Trong loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu số lượng hợp đồng bảo hiểm.

Để lấy lại niềm tin của người mua và minh bạch thị trường, trong thời gian qua, cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm đều đã có những động thái kiểm soát mạnh mẽ. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã có 5 công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm hoạt động khai thác, bồi thường, đầu tư, thuê ngoài…, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm phải khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá tính phù hợp của các sản phẩm bảo hiểm, đảm bảo rõ ràng, minh bạch quyền lợi bảo hiểm, tăng cường kiểm soát quy trình bán hàng, tư vấn, giải quyết bồi thường, đặc biệt là khâu tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng.

Riêng đối với các sản phẩm bảo hiểm theo Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, sử dụng các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp. Đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư, Thông tư 67/2023/TT-BTC bổ sung quy định yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm.

Để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia bảo hiểm của khách hàng, Thông tư 67/2023/TT-BTC bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Với các quy định chặt chẽ hơn khi tư vấn và bán các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm phức tạp, cấu trúc doanh thu các sản phẩm trên thị trường đã thay đổi: doanh thu và tỷ trọng của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị đang giảm mạnh. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 là bảo hiểm liên kết chung (52,3%) và bảo hiểm hỗn hợp (23,2%). Với bảo hiểm liên kết đơn vị, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn triển khai, nhưng sau đợt khủng hoảng vừa qua, doanh nghiệp thận trọng hơn khi bán.

Quốc Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục