Năm 2021 đã chứng kiến tình trạng gián đoạn kinh doanh chưa từng có và diễn ra trên toàn cầu vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo nhận định của Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS), kinh doanh bị gián đoạn “vẫn sẽ là rủi ro chính trong năm 2022”.
Khó khăn bất khả kháng làm gián đoạn kinh doanh cũng không ngoại lệ với thị trường Việt Nam. Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách xã hội kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, dịch bệnh diễn phức tạp kéo dài đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Cụ thể, có 119.828 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2021, tăng 17,8% so với năm 2020.
Tác động của những yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 tạo kỳ vọng mang đến cơ hội tăng trưởng cho bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, một sản phẩm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam triển khai từ lâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, khả năng bùng nổ doanh thu ở nghiệp vụ này không cao do tỷ trọng còn rất nhỏ. Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, tính đến hết năm 2021, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm thiệt hại kinh doanh (gián đoạn kinh doanh) chỉ đạt 231,671 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chưa đầy 1% trong tổng doanh thu năm 2021.
Theo ông Đỗ Nam, Giám đốc Ban Bảo hiểm tài sản kỹ thuật của Bảo hiểm Bưu điện (PTI), bảo hiểm gián đoạn kinh doanh luôn gắn kèm với bảo hiểm vật chất cho tài sản của doanh nghiệp. Phạm vi chính của sản phẩm này là bảo hiểm phần lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm sau các tổn thất của tài sản như cháy nổ, thiên tai... Các trường hợp dừng hoạt động do những nguyên nhân bên ngoài khác như thiếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm, đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền hay do tình hình dịch bệnh thường không thuộc phạm vi bảo hiểm, nếu có thì cũng chỉ được bảo hiểm một hạn mức rất nhỏ theo các rủi ro phụ của đơn bảo hiểm.
“Thực tế, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm tới loại hình bảo hiểm vật chất theo nhu cầu bảo vệ các loại tài sản hữu hình, còn loại hình bảo hiểm phi vật chất như bảo hiểm gián đoạn kinh doanh chưa được chú ý nhiều. Điều này một phần xuất phát từ việc doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí hoạt động, nên chỉ tham gia bảo hiểm vật chất theo quy định bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của Nhà nước và chưa chủ động trong việc quản trị rủi ro khi doanh nghiệp bị gián đoạn kinh doanh hay dừng hoạt động”, ông Nam cho biết.
Ngoài ra, hiện nay, các nhà tái bảo hiểm lớn trên thế giới đều đưa ra nhận định về mức độ rủi ro từ đại dịch là quá lớn, khó kiểm soát và đều từ chối nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm với phạm vi bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Nguyên tắc này cũng sẽ được áp dụng với các rủi ro mang tính chất thảm họa diện rộng như biến đổi khí hậu, rủi ro địa chính trị... Vì vậy, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sẽ vẫn giữ phạm vi cơ bản đã được áp dụng rộng rãi hiện nay, chỉ bảo hiểm cho lợi nhuận sụt giảm phát sinh theo sau các sự kiện thiệt hại vật chất.
“Hoạt động của một doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và không phải rủi ro gián đoạn kinh doanh nào cũng có thể được bảo hiểm. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần thực sự chủ động trong công tác quản trị rủi ro hoạt động của mình để dành nguồn lực cho các kế hoạch dự phòng ứng phó với các tác động của thị trường, tìm phương án hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh khó khăn”, ông Nam nhìn nhận.