Bảo hiểm dự án: Doanh nghiệp lớn nỗ lực chắc chân

(ĐTCK) Tỷ lệ bồi thường bình quân toàn thị trường của nghiệp vụ bảo hiểm dự án thường ở mức thấp, dưới 15%, trong khi doanh thu đạt được có đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì thế, các doanh nghiệp lớn cho biết, sẽ tiếp tục nắm chắc nghiệp vụ này trong năm 2015 và các năm kế tiếp.
Mảng bảo hiểm dự án đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi doanh thu đạt cao, trong khi tỷ lệ bồi thường ở mức thấp -
Ảnh: Hoài Nam Mảng bảo hiểm dự án đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi doanh thu đạt cao, trong khi tỷ lệ bồi thường ở mức thấp - Ảnh: Hoài Nam

Doanh nghiệp lớn nỗ lực chắc chân

Trên thị trường bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI là những cái tên khá quen thuộc, thường xuyên có mặt trong vai trò nhà bảo hiểm các dự án lớn, công trình trọng điểm quốc gia. Xuất hiện với tần suất ít hơn là Bảo Minh và PJICO.

Trong vai trò là những nhà đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm chia nhau tham gia bảo hiểm cho những đoạn đường/dự án khác nhau tại cùng một công trình/gói dự án.

Với Bảo hiểm PVI, năm 2014, trong bối cảnh bảo hiểm truyền thống là dầu khí, năng lượng gặp khó khăn, ngoài việc bám sát, tái tục 100% các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, doanh nghiệp này tập trung phát triển thị trường dự án ngoài ngành song song với việc mở rộng bán lẻ với cơ chế linh hoạt, bắt kịp yêu cầu của thị trường.

Kết quả cho nỗ lực trên là Bảo hiểm PVI đã trở thành nhà đứng đầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho Vietnam Airlines và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tất cả hãng hàng không tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã mở rộng dịch vụ bảo hiểm cho các công ty, tập đoàn nước ngoài như bảo hiểm tài sản cho Tòa nhà Lotte Hà Nội của Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc; bảo hiểm cho toàn bộ giàn khoan của Công ty UMW hoạt động tại Malaysia và các nước lân cận…

Với Bảo hiểm Bảo Việt - người “anh cả” của thị trường khi có 50 năm hình thành và phát triển, bảo hiểm dự án vẫn là mảnh đất truyền thống được doanh nghiệp này nỗ lực phát triển.

Còn Bảo hiểm PVI cho biết, năm 2015, Công ty sẽ mở rộng thị trường khách hàng doanh nghiệp, chú trọng các dịch vụ có thế mạnh như bảo hiểm hàng không, điện lực, giao thông…

Với nỗ lực chắc chân, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm dự án đang khốc liệt hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ đều đang nỗ lực để có mặt trong liên danh bảo hiểm, đạt tỷ lệ bảo hiểm như kỳ vọng…, dù trong các liên danh bảo hiểm, nhiều khi các bên “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. 

… do khó khăn từ nội ngành

Dù được coi là những “ông lớn” của thị trường trong mảng bảo hiểm dự án, nhưng các doanh nghiệp như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, hay có thế mạnh trong mảng này như PJICO, nhưng các nhà bảo hiểm hàng đầu này vẫn đang nỗ lực cầm chắc mảng bảo hiểm dự án nhằm duy trì thị phần. Bởi lẽ, đây là mảng bảo hiểm theo kiểu bán buôn, không phải khách hàng đơn lẻ, không đối diện với các vấn nạn rình rập như trục lợi bảo hiểm…

Nỗ lực chắc chân trong mảng bảo hiểm dự án cũng bởi những khó khăn từ nội ngành những năm qua, chưa kể các thách thức của nền kinh tế nói chung, ngành bảo hiểm nói riêng. Chẳng hạn, với Bảo hiểm PVI, đó là khó khăn từ mảng dầu khí, năng lượng; với PJICO, đó là khó khăn từ lĩnh vực xăng dầu…

Mặc dù vẫn giữ vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, nhưng lãnh đạo PJICO cho biết, doanh thu của Công ty trong năm 2014 bị ảnh hưởng do giá và lượng nhập xăng dầu giảm mạnh trong quý IV/2014 (giảm 40 - 50% so với đầu năm). Riêng mảng bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm hàng hóa cho cổ đông Petrolimex giảm 12,5%, tương đương giảm 10 tỷ đồng, đạt 80 tỷ đồng. Nhờ có doanh thu từ khách hàng ngoài Petrolimex tăng 8%, đạt 135,5 tỷ đồng, nên doanh thu mảng bảo hiểm hàng hóa của PJICO trong năm 2014 tăng 2,4%, đạt 216 tỷ đồng.

Báo cáo tại ĐHCĐ mới đây, Chủ tịch HĐQT PJICO, ông Nguyễn Văn Tiến cho hay, doanh thu phí bảo hiểm hàng nhập từ Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) trong năm 2015 có thể giảm mạnh do giá xăng dầu duy trì ở mức thấp, trong khi đây là nguồn doanh thu có hiệu quả. Chính vì vậy, năm nay, PJICO chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc ở mức 1% so với năm 2014.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 110 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Dự báo những khó khăn từ nội ngành, PJICO bắt đầu chú trọng phát triển bảo hiểm dự án từ năm 2014 khi tiến hành tách riêng phòng bảo hiểm dự án. PJICO đánh giá, định hướng phát triển bảo hiểm dự án là đúng đắn khi mảng nghiệp vụ này tăng mạnh so với trước đó. Doanh thu bảo hiểm dự án trong năm qua của Tổng công ty đạt 120 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch, tăng 40% so với năm 2013.

Hướng tới một nghiệp vụ bảo hiểm chuyên nghiệp, hiệu quả, một số doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang tính tới việc tách phòng bảo hiểm dự án, hoạt động độc lập nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Tham vọng của Doanh nghiệp nhỏ

Với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn, bảo hiểm cho các công trình, dự án lớn, thậm chí là trọng điểm quốc gia không quá hiếm, nay chỉ còn là “nỗ lực chắc chân”, thì với các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ, đây là một tham vọng cần sự nỗ lực lớn trong năm 2015 này.

Việc không còn cổ đông Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã khiến Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) tìm đến mảng bảo hiểm dự án để bù đắp phần doanh thu bị thiếu hụt từ năm 2013 - 2014 bên cạnh các sản phẩm/kênh bán hàng khác. Giải pháp xây dựng, phát triển bảo hiểm dự án được doanh nghiệp này đưa ra như một nhu cầu quan trọng không kém các hoạt động khai thác bán bảo hiểm, đang được coi là thế mạnh của BSH, đó là bán bảo hiểm qua ngân hàng.

“Công ty sẽ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đối tác lớn để thống nhất về mặt chủ trương, cơ chế phối hợp nhằm hỗ trợ các công ty thành viên của BSH dễ dàng tiếp cận khách hàng lớn, các dự án lớn”, ông Đỗ Văn Hải, Tổng giám đốc BSH nói.

Trong năm 2014, BSH đã ghi dấu ấn khi thu xếp bảo hiểm thành công cho không ít dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức Ngã ba Huế - TP. Đà Nẵng (tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.797 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 947+00 ÷ Km 987+00, tỉnh Quảng Nam (1.486 tỷ đồng); Tòa nhà Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng (trên 2.000 tỷ đồng)…

Việc BSH tham gia thu xếp bảo hiểm thành công cho các dự án trọng điểm kể trên phần nào cho thấy, “sân chơi” này không chỉ dành cho doanh nghiệp bảo hiểm lớn, lâu năm.

Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đã có chân tại các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, kho tàng, đóng tàu, cầu đường, có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Tại một doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ khác, ban lãnh đạo doanh nghiệp còn chỉ đạo hệ thống tham gia đấu thầu ở tất cả các gói thầu bảo hiểm công khai trên toàn quốc và triển khai khai thác các dịch vụ thông qua kênh môi giới.

Có thể có những lo ngại liên quan đến năng lực tài chính đi đôi với năng lực bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ/mới thành lập trong trường hợp không may xảy ra tổn thất dự án, công trình lớn, dẫn đến bồi thường ở mức cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ/mới thành lập đã có nhiều nỗ lực trong việc kịp thời chi trả tiền bồi thường cho những khách hàng không may xảy ra tổn thất. Do đó, với nỗ lực chắc chân của các doanh nghiệp lớn cùng nỗ lực đầy tham vọng của các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp đang có mặt tại một sân chơi tiềm năng là bảo hiểm dự án được dự báo sẽ cùng dắt tay nhau vào “vòng trong”.      

Danh sách các dự án lớn/trọng điểm do các nhà bảo hiểm cung cấp:

- PVI: Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP. HCM - Bến Thành - Suối Tiên với tổng mức trách nhiệm 560 triệu USD; Dự án bảo hiểm thân tàu và P&I 2012 cho đội tàu Vinalines với tổng giá trị bảo hiểm 202 triệu USD; Dự án bảo hiểm hàng không cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam...

- Bảo Việt: Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, thủy điện A Lưới, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, Cầu Nhật Tân, Đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Cát Linh - Hà Đông, các gói thầu thuộc Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các gói thầu thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cảng quốc tế Cái Mép - hợp phần A Dự án xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Vietinbank Tower.

- PJICO: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án nâng cấp các cầu đường sắt; Dự án nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Thừa Thiên - Huế; Dự án đường Tân Vũ - Lạch Huyện…

Trường Sa
Đặc san Bảo hiểm 2015

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục