Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 7/2023, Việt Nam có hơn 20.000 ô tô điện và theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô điện Việt Nam ước đạt 1 triệu chiếc vào năm 2028.
Hiện VinFast đang chiếm chủ yếu thị phần thị trường ô tô điện trong nước, đồng thời cũng là đơn vị chiếm thị phần lớn về thị trường xe máy điện trong nước.
Đại diện VinFast cho biết, số lượng đối tác đã ký hợp đồng thuê và mua xe từ Công ty GSM để kinh doanh dịch vụ taxi và giao hàng bằng xe điện trên toàn quốc tính đến nay đã có hơn 20 doanh nghiệp, như Lado Taxi (Lâm Đồng, Bình Định), Én Vàng (Hải Phòng), Taxi Xanh Sapa (Lào Cai), Hợp tác xã vận tải Thanh Hà (Đắk Lắk)..., hay gần đây nhất là Công ty Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), đã ký hợp đồng thuê và mua tổng cộng 300 xe ô tô điện để kinh doanh dịch vụ taxi.
Bên cạnh VinFast, TMT Motors vừa ra mắt xe ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV - sản phẩm mở đầu phân khúc ô tô điện mini tại Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn Trường Hải đã giới thiệu một số mẫu xe ôtô điện của Huyndai, KIA tới khách hàng để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian tới. Một số mẫu ô tô điện nhập khẩu đến từ các thương hiệu hạng sang như Lexus, Mercedes, Audi… cũng đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam.
Theo quy định, xe cơ giới, trong đó bao gồm xe điện đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên hiện nay, mảng sản phẩm bảo hiểm cho xe điện chưa bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt như xe chạy bằng xăng, bởi số xe điện lưu hành còn ít hơn xe xăng rất nhiều (có trên 60 triệu xe máy và khoảng 4,5 triệu ô tô đang lưu hành chạy bằng xăng, dầu).
Các công ty bảo hiểm cho biết, về cơ bản, bảo hiểm cho dòng xe điện không khác gì so với dòng xe chạy bằng xăng dầu thông thường, chỉ khác là có bảo hiểm pin hay không.
Cụ thể, về phí bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới theo năm thì xe máy điện đang có giá 55.000 - 66.000 đồng (tùy xe dưới 50cc hay trên 50cc), còn xe ô tô điện là 480.700 đồng tùy đơn vị phân phối (chưa bao gồm 10% VAT). Về mức bồi thường, khi xảy ra rủi ro, nhà bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới những thiệt hại vật chất khi xe ô tô bị tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ.
BSH, MIC, PTI… đang là những công ty bảo hiểm bán chạy sản phẩm bảo hiểm cho xe điện nhất vì có mức phí cạnh tranh. Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Việt dẫn đầu về bảo hiểm xe chạy bằng xăng nhưng với dòng xe điện lại chiếm thị phần nhỏ, do có mức phí bảo hiểm cao. Cụ thể, với sản phẩm bảo hiểm vật chất thân vỏ xe ô tô, Bảo hiểm Bảo Việt đưa ra mức phí bảo hiểm (tùy vào giá trị xe, có kèm pin hay không): xe có giá trị xe trên 800 triệu đồng là 1,1%; xe có giá trị 500 - 800 triệu đồng là 1,3%, xe có giá trị dưới 500 triệu đồng là 1,5%.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc - thị trường có lượng xe điện lớn nhất thế giới và đã bảo hiểm xe điện đã được thực hiện từ lâu, mỗi nhà sản xuất xe điện có công nghệ riêng, có dòng xe điện phải thay toàn bộ bộ phận pin, nhưng có dòng xe có thể bóc tách bộ phận, nên việc nắm rõ từng loại xe, từng hãng xe và thông tin từ các gara, trạm cứu hộ xe… là điều cần thiết cho việc định phí và quản trị rủi ro trong bảo hiểm xe điện.
Với khoảng 25.000 yêu cầu bồi thường bảo hiểm mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng vào hệ thống cơ sở dữ liệu bằng cách đầu tư thu thập dữ liệu về các hãng xe điện, tần suất xảy ra sự cố xe (đâm va, hỏng hóc…), thói quen điều khiển xe của người dùng, lịch sử yêu cầu bồi thường của khách hàng, đầu tư vào công nghệ (cài thêm thiết bị vào xe để có thông tin chính xác khi rủi ro xảy ra), đầu tư lắp đặt và thu phí với hệ thống sạc pin cho xe điện…