Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vẫn bắt buộc "nhầm"?!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các vụ cháy, nổ không chỉ ảnh hưởng tới chủ tài sản, mà còn có khả năng cao ảnh hưởng tới người và tài sản xung quanh. Tuy nhiên, trong quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự vẫn “bỏ quên” bảo hiểm bắt buộc mang tính công cộng với cháy, nổ.
Các vụ cháy thường gây thiệt hại rất lớn và có khả năng ảnh hưởng xung quanh cao, vì vậy cần yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ 3 Các vụ cháy thường gây thiệt hại rất lớn và có khả năng ảnh hưởng xung quanh cao, vì vậy cần yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ 3

18 trường hợp phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Ngày 6/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày ký.

Theo Nghị định 67/2023, có 18 trường hợp phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó có nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000 m3 trở lên…

Ngoài những loại hình bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ khi đi vào sử dụng theo quy định mới, các loại hình nhà ở khác có nguy cơ cháy nổ cao cũng có thể mua bảo hiểm cháy nổ tự nguyện.

Thông thường, bảo hiểm bắt buộc thường là những nghiệp vụ về “trách nhiệm”, bởi lo ngại rằng những đối tượng này có thể gây nguy hại cho người khác, tài sản khác. Và khi xảy ra rủi ro, có thể chính chủ tài sản bị cháy không có khả năng tài chính để bồi thường cho những người bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong các nghị định trước, cũng như Nghị định 67/2023, trong phần bảo hiểm cháy nổ bắt buộc lại không bắt buộc chủ cơ sở mua những quyền lợi này, thay vào đó lại là mua để bảo vệ cho chính những tài sản của chủ cơ sở.

Như vậy có thể thấy, trong 1 vụ cháy có các rủi ro có thể phát sinh như hư hỏng tài sản chính chủ thì được bảo vệ, nhưng hư hỏng tài sản của người khác thì không được bảo vệ; gây thương tích, tính mạng người thì lại không được bảo vệ.

“Trước đây cũng chưa bao giờ quy định là bắt buộc phải mua, có thể do tần suất rủi ro của cháy vẫn thấp hơn nhiều so với tai nạn giao thông. Tuy nhiên theo tôi, nên chăng, trong tương lai, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cần bổ sung thêm các phạm vi bảo hiểm như đám cháy làm hư hỏng tài sản, sức khoẻ, tính mạng. Đây mới là những phạm vi bảo hiểm nên bắt buộc”, ông Phạm Văn Dũng, người đồng sáng lập Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM đề xuất và cho biết thêm, không phải nước nào cũng quy định chủ cơ sở có bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng, nhưng trên thực tế, ở các nước, người dân, doanh nghiệp thường mua sản phẩm trách nhiệm rất nhiều, phí bảo trách nhiệm cũng rẻ.

Cần bổ sung phạm vi bảo hiểm bắt buộc với cháy nổ

Nghị định 67 quy định bắt buộc mua bảo hiểm mang tính công cộng với nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình như công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, công trình đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường... Trong khi đó, với bảo hiểm cháy nổ lại không. Do đó, một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng phạm vi bảo hiểm cháy nổ như bảo hiểm xây dựng, bởi nếu là tự nguyện mua thì người mua sẽ mua kiểu “tùy tâm”, trong khi nếu rủi ro này xảy ra thì ảnh hưởng tới người xung quanh là rất cao.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện rằng, bản chất của bảo hiểm bắt buộc là đề phòng bên gây ra thiệt hại không đủ khả năng để khắc phục và bồi thường hậu quả. Khi cháy nổ xảy ra, thiệt hại do cháy lan thường nhỏ hơn gấp nhiều lần thiệt hại của chính chủ. Khi chính chủ được bồi thường thì sẽ đủ khả năng bồi thường trách nhiệm do cháy lan, đồng thời sẽ khôi phục được cuộc sống, sản xuất (với doanh nghiệp), nên việc quy định như hiện tại là “không nhầm”.

Thực tế, theo thống kê từ các công ty bảo hiểm, có nhiều vụ cháy lớn, thiệt hại nặng, nhưng không được chi trả quyền lợi bảo hiểm chỉ vì không mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng, trong khi số tiền bỏ ra để được bảo hiểm (mức phí bảo hiểm) quá nhỏ.

Chẳng hạn, với một vụ cháy gara ô tô khiến nhiều xe ô tô bị thiêu rụi, nếu chủ chủ xưởng chỉ mua bảo hiểm bắt buộc thì chỉ được công ty bảo hiểm bồi thường cho tài sản của chủ xưởng, còn những xe ô tô trong gara là của người khác sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường. Còn nếu chủ xưởng mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng, thì tất cả thiệt hại trên sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường.

Theo các công ty bảo hiểm, như với vụ cháy thảm khốc tại một chung cư mini ở Hà Nội khiến hàng chục người chết và hàng chục người bị thương mới đây, nếu mua bảo hiểm cháy nổ thì cũng chỉ được bồi thường các tài sản bị cháy và thiệt hại ngôi nhà. Nếu mua thêm bảo hiểm trách nhiệm từ trước, thì sẽ được bồi thường thêm cả những thiệt hại ngoài ngôi nhà và tính mạng, sức khoẻ. Nếu ngôi nhà cháy lan sang các nhà khác, thì bảo hiểm trách nhiệm cũng sẽ bồi thường cả phần này.

“Thực ra, tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các xưởng, nhà kho rất gần nhau, nên các chủ các cơ sở sản xuất rất quan tâm đến phần trách nhiệm này. Tuy nhiên, nếu không quy định theo kiểu bắt buộc, chỉ là tự nguyện thì sẽ không nhiều chủ tài sản mua. Mua theo kiểu tự nguyện cũng tốt, vì theo đúng nhu cầu của chủ tài sản, nhưng sẽ không nhiều người để ý đến, vì tâm lý chung lâu nay nhiều người nghĩ mua bắt buộc là có sẵn cả phần trách nhiệm của bên thứ 3, giống như mua bảo hiểm bắt buộc ô tô rồi”, ông Dũng nói.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 3.934 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,3%, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022; bồi thường 373 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 9,5%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.077 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,1%, giảm 1,8% so với cùng kỳ; bồi thường 286 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 26,6%.

Linh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục