Giai đoạn khó khăn nhất đã ở lại phía sau
Quan sát diễn biến thị trường nửa đầu năm 2023, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, có 2 vấn đề chính nổi bật, đó là các lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và câu chuyện bế tắc ở khâu thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực.
Trong đó, các lần giảm lãi suất điều hành được kỳ vọng mang lại thanh khoản cho nền kinh tế, các doanh nghiệp giảm được chi phí huy động vốn. Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh thêm, việc tiếp cận vốn có được hay không thì chưa thể khẳng định ngay, bởi sau hơn 2 năm dịch và giai đoạn đóng băng của thị trường, sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp đã suy giảm nghiêm trọng.
Về vấn đề thủ tục hành chính, sự bế tắc ở nhiều khâu đã khiến cho công tác vận hành của doanh nghiệp, nền kinh tế gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ đã nhận ra các hạn chế và có sự điều chỉnh, bước đầu đã tạo được những động lực cho thị trường tăng trưởng trở lại.
Minh chứng cụ thể là sự bế tắc luân chuyển dòng tiền, đặc biệt là từ thị trường trái phiếu, Chính phủ đã nhận thấy thực trạng và có các chính sách điều hành linh hoạt hơn, như khơi thông thị trường trái phiếu, cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp sau phân phối, hay các sửa đổi liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ.
“Dù các quyết sách chủ yếu tác động vào yếu tố niềm tin, tâm lý cho nhà đầu tư, nhưng bước đầu cũng có những tác động tích cực nhất định đối với thị trường”, ông Tuấn nhận định.
Thực tế, trong 2 - 3 tháng gần đây, dòng tiền đã tham gia thị trường chứng khoán tích cực hơn. Đặc biệt, tháng 6 là tháng thị trường niêm yết có khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, tính riêng trên sàn HOSE, khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 877,51 triệu cổ phiếu và 16.889 tỷ đồng, tương ứng tăng 23,39% về khối lượng bình quân và 38,37% về giá trị bình quân so với tháng 5/2023.
Hiện không phải là thời điểm thích hợp cho những dự báo quá dài hạn, vì kể cả khi thị trường tốt cũng vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro.
Bên cạnh đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng, phần nào cho thấy sức hấp hẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản mở mới tăng 413.976 tài khoản chứng khoán, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên hơn 7,31 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2022.
“Những con số trên cho thấy nhà đầu tư và dòng tiền đã tích cực trở lại. Tôi cho rằng, VN-Index có thể tăng trưởng tốt trong vài tháng tới”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh thêm, hiện không phải là thời điểm thích hợp cho những dự báo quá dài hạn vì kể cả khi thị trường tốt cũng vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhiều hơn trong nửa cuối năm và nhóm được hưởng lợi từ lãi suất thấp - phụ thuộc nhiều vào lãi suất như nhóm ngân hàng, hay nhóm vay nợ nhiều như bất động sản. Hy vọng có một vài cổ phiếu hồi phục cùng với việc đảo chiều của chính sách, ngoài ra một số nhóm có kết quả kinh doanh tốt vẫn có thể duy trì như cổ phiếu Dược phẩm Hậu Giang, Dược phẩm Hà Tây… hay các cổ phiếu riêng lẻ khác.
“Tuy nhiên, năm 2023 vẫn là năm kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở trạng thái xấu, nên mức tăng trưởng cho các nhóm ngành sẽ không thực sự ấn tượng”, ông Nam dự báo.
Chờ gió lên
Câu hỏi khiến nhiều thành viên thị trường quan tâm thời gian qua, đó là khi nào thị trường có thể lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam, thị trường chỉ có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi hội tụ hai yếu tố lớn. Yếu tố cần là định giá của các cổ phiếu ở mức hợp lý, yếu tố đủ là dòng tiền mạnh.
Hiện tại, các cổ phiếu đang có mức định giá thấp hơn trung bình, với P/E bằng 13 so với mức trung bình khoảng 16, P/B bằng khoảng 1,6, thấp hơn trung bình 2,2 lần.
Về dòng tiền, theo ông Phục đó là các yếu tố tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước tăng cường mua vào đồng USD, bơm tiền VND ra thị trường; lạm phát duy trì ở mức thấp; hạ lãi suất, tăng trưởng kinh tế được đảm bảo và duy trì.
“Ngoài hai động lực chính trên, yếu tố vĩ mô thế giới cũng có những tác động đến mức độ phục hồi của thị trường chứng khoán trong nước, chủ yếu đến từ sức khoẻ chung của kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị”, ông Phục cho biết thêm.
Dự báo về thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường Chứng khoán BSC cho biết, giá trị khớp lệnh trung bình trên HOSE trong tháng 6/2023 đạt trên 16.500 tỷ đồng trên mỗi phiên. Thanh khoản cải thiện trong bối cảnh số lượng chứng khoán mở mới trong tháng 6 đạt gần 146.000 tài khoản, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Theo ông Khoa, nguyên nhân chính giúp dòng tiền cải thiện do mặt bằng lãi suất bắt đầu giảm, dù tốc độ chưa được như kỳ vọng. Thanh khoản tăng nhờ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quay trở lại khi cơ hội giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng và một phần đến từ tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn ngắn đáo hạn.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng lưu ý rằng thanh khoản tăng cao đột biến sẽ có thể khiến vòng quay tiền tăng nhanh hơn. Thông thường, nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu vài tháng, nhưng khi thanh khoản và lợi nhuận gia tăng sẽ kích thích họ
trading nhiều hơn. Khi vòng quay tiền quá nhanh và dòng tiền cơ sở không tăng trưởng song hành thì hoạt động sử dụng margin sẽ được đẩy mạnh để bù đắp. Diễn biến thị trường lúc đó sẽ trở nên khó lường, các phiên phân phối sẽ xảy ra thường xuyên và nhà đầu tư có thể “mắc kẹt” tại vùng giá cao, dù rủi ro thấp hơn giai đoạn 2022 nhờ nền giá cổ phiếu thấp và có sự hỗ trợ của chu kỳ lãi suất giảm.
“Hiện thanh khoản có thể đạt mức 16.000 tỷ đồng, nhưng nếu lên đến 18.000 – 20.000 tỷ đồng thì đó là thời điểm chúng ta phải cẩn trọng đánh giá lại các yếu tố cơ bản, tâm lý và dòng tiền. Bởi dòng tiền cũng có ngưỡng giới hạn, khi chạm đỉnh có thể sẽ dẫn đến điều chỉnh và rủi ro sử dụng margin quá mức sẽ xuất hiện”, ông Khoa nhấn mạnh.