Một trong những nguyên nhân trọng yếu là tỷ lệ bồi thường một số nghiệp vụ tăng cao, đặc biệt là tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đã lên tới 96% trong 5 tháng đầu năm, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Theo Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE), bảo hiểm tài sản và thiệt hại là một trong những nghiệp vụ có tốc độ phát triển doanh thu phí bảo hiểm ổn định nhất trên thị trường thời gian qua, tuy nhiên cũng là nghiệp vụ có mức tổn thất tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh nghiệp vụ.
2.994 tỷ đồng là tổng ước doanh thu phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại trong 6 tháng đầu năm 2015, theo thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm. Con số trên cho thấy sự tăng trưởng về doanh thu từ nghiệp vụ này so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng thể hiện các DNBH chịu tổn thất lớn bởi tỷ lệ bồi thường quá cao (chưa tính đến dự phòng bồi thường), lên tới 96%.
Tại cuộc họp định kỳ Ban nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, câu hỏi vì sao tỷ lệ bồi thường trên cao đến vậy cũng được đặt ra và yêu cầu các trưởng/phó ban nghiên cứu giải đáp, từ đó, so sánh với kết quả cùng kỳ năm ngoái để tìm ra nguyên nhân khắc phục tình hình kinh doanh nghiệp vụ tài sản, kỹ thuật (không tính tới số tiền bồi thường cho sự kiện Vũng Áng (Hà Tĩnh), Bình Dương, Đồng Nai xảy ra vào tháng 5/2014 mà chỉ tính số tiền bồi thường từ các sự kiện khác).
Trưởng phòng bồi thường của một DNBH lớn cho hay, bồi thường vẫn tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay, chủ yếu do phải bồi thường nhiều vụ tổn thất bất thường lớn, trong đó có một số vụ cháy nghiêm trọng. Bởi vậy, số tiền bồi thường bảo hiểm gốc cũng như tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc (tính trên doanh thu phí bảo hiểm gốc) của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng cao.
Nguyên nhân được Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm chỉ ra đó là do có nhiều vụ tổn thất lớn thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại. Chẳng hạn, vụ tổn thất giếng Cửa Lò 1 thuộc Song Hong Basi (ước bồi thường 710 tỷ đồng); tổn thất tại giàn Hải Sư Trắng (ước bồi thường 357 tỷ đồng); tổn thất rò rỉ đường ống dẫn khí của mỏ Chim Sáo (ước bồi thường 189 tỷ đồng)… Tất cả các vụ trên đều thuộc trách nhiệm bồi thường của Bảo hiểm PVI, bởi vậy, tỷ lệ bồi thường của PVI cao, đạt 71,70% trong 5 tháng đầu năm.
Ngoài ra, bồi thường 5 tháng đầu năm nay tăng cao cũng do việc một số DNBH khác bắt đầu thanh toán dần cho các tổn thất lớn đã xảy ra. Theo đó, UIC bắt đầu bồi thường cho 2 vụ cháy lớn trong năm 2014, là vụ cháy Nhà máy mực in Sakata ở Bình Dương vào tháng 9/2014 (ước bồi thường 150 tỷ đồng) và vụ cháy nhà kho Công ty Nippon Express ở Nội Bài, Hà Nội vào tháng 10/2014, ước số tiền bồi thường là 230 tỷ đồng.
Bồi thường cao, ngoài lý do tổn thất còn thể đến từ việc trục lợi bảo hiểm. Theo các DNBH, với riêng mảng bảo hiểm tài sản, năng lượng (dầu khí), tuy có hiện trượng trục lợi nhưng không nhiều, khác hẳn với mảng bảo hiểm bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới hay bảo hiểm sức khỏe. Bởi vậy, lý do chủ yếu vẫn là các tổn thất bất thường gia tăng.
Dẫu vậy, trước xu hướng gia tăng tổn thất nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, tại Hội thảo Bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm tài sản được tổ chức bởi VINARE với sự tham dự của đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng các DNBH phi nhân thọ, các nội dung liên quan đến trục lợi trong bảo hiểm tài sản đã được bàn sâu, chỉ ra các lỗi cấp đơn thường gặp.
Chẳng hạn, nhân viên bảo hiểm không trực tiếp đánh giá rủi ro, không phát hiện được từ đầu các sai lệch thông tin rủi ro và tính chất rủi ro; khách hàng khi tham gia bảo hiểm không có tài sản như trong danh mục tài sản tham gia bảo hiểm mà vẫn dễ dàng chấp nhận đóng phí bảo hiểm…