Tỷ lệ bồi thường gốc khoảng 40% doanh thu được coi là ngưỡng chấp nhận được đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ. Tổn thất bất khả kháng và trục lợi bảo hiểm được đánh giá là 2 nguyên nhân chính tạo ra tỷ lệ bồi thường này. Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp đẩy mạnh bảo hiểm xe và con người cũng không giảm được tỷ lệ bồi thường.
Năm 2013, mục tiêu hạn chế tỷ lệ bồi thường của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa đạt được. Doanh thu không tăng cao, trong khi có nhiều tổn thất bất ngờ (tình hình tai nạn giao thông chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ cháy lớn xảy ra, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, nhiều đội tàu họat động không hiệu quả, dịch bệnh đối với tôm bùng phát trên diện rộng...) khiến các doanh nghiệp khối này chưa thể khống chế tỷ lệ bồi như mong muốn.
Bồi thường bảo hiểm cao có 3 nguyên nhân: thứ nhất, do nguồn tổn thất thật; thứ hai, do những nguyên nhân bất khả kháng như bão lũ; thứ ba là trục lợi bảo hiểm. Trong năm 2013, ngoài việc phải chi trả khá nhiều cho các tổn thất bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn…, thì tổn thất vì bị trục lợi bảo hiểm cũng là vấn đề nhức nhối.
Theo đánh giá của ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trục lợi bảo hiểm có nguy cơ ngày một gia tăng, khó có thể kiểm soát được. Trục lơi bảo hiểm có thể được nâng lên mức “báo động đỏ” khi bảo hiểm sức khỏe giờ đây được coi là thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi cơ sở sản xuất kinh doanh của họ bị ngừng trệ, công việc thất thường, họ đi khám chữa bệnh để lấy tiền bảo hiểm (thanh toán theo ngày nằm viện). Bảo hiểm cháy nổ bị trục lợi khi những kho hàng hóa thành phẩm tồn đọng lâu này khó tiêu thụ, giảm giá nhiều, họ sẵn sàng làm chập điện gây cháy, trong khi kết luận không chỉ ra chập điện do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Bảo hiểm tàu thủy thường xảy ra các tổn thất nhỏ, số tiền bảo hiểm đủ để trả chi phí nhân công trong những ngày tàu không hoạt động…
Tại Bảo Minh, năm 2013, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt 2.785 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2012. Giá trị bồi thường tính cả bảo hiểm nông nghiệp là 1.344 tỷ đồng, bằng 58,2% doanh thu, tăng 6%; nếu không tính bảo hiểm nông nghiệp thì con số này là 1.020 tỷ đồng, bằng 45,5% doanh thu, giảm 6,3% so với năm 2012. Bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm giữ lại của Bảo Minh là 45,1%, giảm 3,54% so với năm 2012.
Được biết, những doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đều “dính” tỷ lệ bồi thường cao, vì năm 2013 có nhiều vùng dịch bệnh với thủy sản bùng phát trên diện rộng, trục lợi trong bảo hiểm nông nghiệp (đặc biệt là thủy sản) cũng đã xuất hiện. Trong khi đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần nhỏ và những doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài đang mở rộng thị phần sang mảng bán lẻ như xe cơ giới và con người có tỷ lệ bồi thường năm 2013 tăng gấp đôi so với năm 2012. Đây là những nghiệp vụ đã được cảnh báo là có tỷ lệ bồi thường cao do trục lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong “bức tranh” về tỷ lệ bồi thường của khối bảo hiểm phi nhân thọ còn khá ảm đạm, cũng có một số doanh nghiệp tạo ra điểm sáng với việc giảm tỷ lệ bồi thường một cách ngoạn mục, chẳng hạn Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm Fubon, Bảo hiểm VNI, Bảo hiểm QBE, Bảo hiểm BIC…
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại năm 2013 của Bảo hiểm BIC ước đạt 30%. BIC cũng có tiếng là công ty bảo hiểm kiểm soát tỷ lệ bồi thường/doanh thu khá chặt chẽ. Thực tế, cùng với quyết tâm không lỗ nghiệp vụ bảo hiểm thì kiểm soát chặt tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại cũng là mục tiêu lớn của tất cả các công ty bảo hiểm. Bởi lẽ, doanh thu dù có tăng cao, nhưng bồi thường lớn thì công ty cũng không còn lợi nhuận.