Báo động tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Đã hết thời hạn công bố báo cáo bán niên 2016, nhưng đến 31/8, vẫn có 9 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE chưa nộp báo cáo. Trong khi đó, trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo bán niên, có không ít doanh nghiệp điều chỉnh mạnh số liệu sau soát xét. 
Báo động tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết

Nhiều Doanh nghiệp điều chỉnh mạnh số liệu sau soát xét

Sau cú sốc hàng tồn kho “bốc hơi” 1.017 tỷ đồng và báo cáo tài chính quý II đã ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.100 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) tiếp tục gây rúng động giới đầu tư với báo cáo tài chính bán niên sau soát xét. Theo đó, lỗ lũy kế của Công ty được điều chỉnh từ 1.082 tỷ đồng lên 1.211 tỷ đồng sau soát xét. Nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch hàng tồn kho tăng thêm 127 tỷ đồng.   

Mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (AGR) công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 đã soát xét với khoản lỗ giật mình: 424 tỷ đồng, AGR nâng lỗ lũy kế của Công ty lên 580,77 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ là hơn 12 tỷ đồng. Đáng chú ý là số lỗ này tăng vọt tới hơn hai lần so với khoản lỗ 164 tỷ đồng trên báo cáo tài chính do Công ty tự lập trước đó. Nguyên nhân chính nằm ở khoản chi phí hoạt động được kiểm toán ghi nhận tăng lên 428 tỷ đồng so với con số 164 tỷ đồng trong báo cáo tự lập của Công ty, trong khi doanh thu không thay đổi.

Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (mã PVC, sàn HNX) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm sau soát xét, với lỗ ròng 6,2 tỷ đồng. Nguyên nhân ghi nhận thêm số lỗ 2,2 tỷ đồng so với báo cáo tự lập được PVC giải trình là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ giảm thêm 1,2 tỷ đồng, ngoài ra còn do bổ sung chi phí và chi phí thuế thu nhập hoãn lại tại công ty con – Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam làm lợi nhuận sau thuế giảm gần 1 tỷ đồng. 

Báo cáo soát xét của CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) cho thấy, Công ty có khoản lỗ ròng nửa năm gần 20 tỷ đồng. Như vậy, so với báo cáo tài chính do đơn vị tự lập, số lỗ của VNH đã tăng gần 3 lần (từ âm 6,5 tỷ đồng)…

Ở chiều ngược lại, chỉ tiêu lợi nhuận trên báo cáo tài chính soát xét của một số doanh nghiệp lại điều chỉnh tăng so với báo cáo do doanh nghiệp tự lập. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư cầu đường CII (LGC) có lãi sau soát xét là 98,3 tỷ đồng, trong khi theo Công ty tự hạch toán là 65,9 tỷ đồng. Khoản chênh lệch hơn 32 tỷ đồng này được xác định là do LGC chưa hạch toán khoản doanh thu tài chính từ công ty con là CTCP Đầu tư phát triển Ninh Thuận (một khoản 32,7 tỷ đồng) và một vài khoản mục nhỏ khác vào báo cáo hợp nhất…

Trên đây chỉ là một số trường hợp trong rất nhiều doanh nghiệp bị phía kiểm toán điều chỉnh mạnh số liệu lợi nhuận trong mùa công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay. 

Chênh lệch báo cáo, trách nhiệm của Doanh nghiệp ở đâu?

Bỏ qua những trường hợp chênh lệch “nho nhỏ” về số liệu, có thể do cách hiểu, cách vận dụng quy định kế toán, tài chính có chút khác nhau giữa phía doanh nghiệp và kiểm toán, thì hàng loạt trường hợp doanh nghiệp có lỗ tăng vọt sau soát xét, kiểm toán trong thời gian gần đây đang báo động về tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết.

Trở lại với trường hợp TTF, không chỉ điều chỉnh số liệu hàng tồn kho, lợi nhuận, mà báo cáo soát xét bán niên còn hé lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Cụ thể, trong báo cáo soát xét bán niên, đơn vị kiểm toán EY từ chối đưa ý kiến với kết quả kinh doanh 6 tháng. Lý do là các nghiệp vụ bán hàng cho một nhóm khách hàng với tổng số tiền là 520 tỷ đồng, tương đương gần 60% doanh thu phát sinh trong kỳ là 882 tỷ đồng, nhưng kiểm toán viên lại không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định tính hiện hữu. TTF bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Hay với AGR, việc kiểm toán điều chỉnh chi phí hoạt động tăng tới 264 tỷ đồng là bất bình thường…

Trước đó, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) công bố báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính niên độ 2015-2016 (kết thúc ngày 31/3/2016) với khoản lỗ ròng gần 1.336 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với con số trên báo cáo tự lập của Công ty (lỗ ròng hơn 620 tỷ đồng).

Những câu chuyện như TTF, JVC và nhiều doanh nghiệp bất ngờ đổ vỡ trước đó gây mất niềm tin của giới đầu tư. Câu hỏi đặt ra là liệu trên thị trường còn bao nhiêu trường hợp như TTF chưa bị “lộ sáng”?

Trong mùa báo cáo bán niên năm nay, ngoài việc hàng loạt báo cáo có điều chỉnh số liệu và có nhiều điểm kiểm toán viên có ý kiến lưu ý, ngoại trừ, thì cũng còn tình trạng nộp muộn báo cáo. Theo HOSE, tính đến 31/8, thời hạn cuối công bố báo cáo soát xét bán niên, vẫn còn 9 doanh nghiệp chưa nộp báo cáo.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư tài chính cho rằng, cần tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong trình bày và công bố thông tin.   

Hằng Phương - Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục