Báo động đỏ tăng trưởng tín dụng

(ĐTCK) TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù đã có những biện pháp quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua mới đạt 3,52%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 4,7%. Nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là trọng yếu, nhưng không thể thiếu sự đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành. 
Có thể chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng tín dụng phải đúng chỗ, hiệu quả

Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 3,52%, theo ông, nguyên nhân tăng trưởng thấp là gì?

 TS. Cấn Văn Lực

3,52% là một con số thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái đạt được khoảng 4,7%, chứng tỏ sức cầu trong nền kinh tế rất yếu. Điều này thể hiện ở những điểm sau: chỉ số bán lẻ dịch vụ và tiêu dùng tăng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (10,7% so với 12% cùng kỳ 2013); chỉ số PMI trong 10 tháng vừa qua đều trên 50 điểm, đạt mức cao nhất là 53,1 điểm nhưng đang trên đà giảm (52,5 điểm tháng 5 và 52,3 điểm tháng 6), thể hiện qua chỉ số hàng tồn kho công nghiệp tăng khoảng 13% so cùng kỳ 2013; số lượng DN giải thể, đóng cửa tăng khoảng 20%, trong khi số DN thành lập mới ở mức tương đương cùng kỳ năm ngoái; niềm tin của DN được củng cố nhưng vẫn tương đối mong manh, bởi nền kinh tế vừa thoát đáy, nhưng lại xuất hiện một số bất ổn ở cả trong nước, khu vực và trên thế giới, nên tâm thế của một bộ phận DN là chờ đợi; nợ xấu chưa được giải quyết nhanh, triệt để, một phần là do quá trình tái cơ cấu DNNN chậm chạp; đầu tư công vẫn còn vướng mắc giải quyết nợ đọng DN cơ bản, điều này góp phần khiến trái phiếu phát hành nhiều nhưng tiền chưa được đưa ra nền kinh tế; các gói tín dụng được triển khai chậm, những vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời.

Tăng trưởng tín dụng thấp có ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế?

Thứ nhất, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay 5,8% sẽ trở nên khó khăn hơn, do tín dụng là nguồn vốn đầu tư quan trọng. Thứ hai, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng khó đạt kế hoạch đề ra do vẫn phải hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ và nguồn thu từ tín dụng chiếm tỷ lệ cao 81 - 82% tổng lợi nhuận ngân hàng. Thứ ba, tiến trình tái cơ cấu ngành nghề, các lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ có những “vất vả” hơn do đồng vốn đưa đến những chỗ cần còn khiêm tốn. Thứ tư, tỷ lệ nợ xấu không những khó giảm mà còn có thể tăng lên, bởi vì dư nợ thực tăng thấp khiến tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ không thể giảm.

Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm 2014 liệu có còn khả thi, có nên thay đổi mục tiêu này?

Chúng ta nên hiểu rằng, đây chỉ là định hướng của NHNN đặt ra từ đầu năm để phấn đấu, chứ không phải đạt được bằng mọi giá. Tôi ủng hộ quan điểm ngành ngân hàng cố gắng tối đa, nhưng chính sách phải đồng bộ, thông suốt vì một mình ngành ngân hàng không thể thực hiện được. Đặc biệt, tăng trưởng về số lượng phải song hành với chất lượng vì nợ xấu đang tăng lên. Chúng ta không thể quyết tâm tăng 12% tín dụng để đầu tư vào những chỗ kém hiệu quả. Có thể chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp hơn chỉ khoảng 9 - 10% nhưng tín dụng vào đúng chỗ, hiệu quả. Theo Fitch, tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn châu Á năm 2013 là 9,7%; năm nay dự kiến tăng khoảng 9%.

Nếu nhất định thực hiện đúng mục tiêu, một lượng tiền lớn được đổ ra trong 6 tháng cuối năm, liệu có rủi ro gì không?

Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện vào khoảng 3.500.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 3,52% nghĩa là vào khoảng hơn 112.000 tỷ đồng, như vậy, con số còn lại không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng tín dụng 10 - 12% sẽ không tạo áp lực lớn đối với lạm phát (năm 2013, tín dụng tăng 12,5%, lạm phát ở mức 6,04%), nhất là khi đồng tiền được sử dụng hiệu quả. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, cuối năm 2013, dư nợ so với GDP khoảng 106%, giảm so với mức trước đó là 110% GDP, nên không cần thiết đặt vấn đề về số lượng tuyệt đối.

Dẫu sao, nhà điều hành chính sách nên thông điệp rõ đây là dự định phấn đấu, chứ không quyết tâm đạt được bằng mọi giá, vì rõ ràng phải quan tâm đến cả lượng và chất. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là tín dụng Việt Nam có tính thời vụ, tâm lý “chốt” tất niên, nghĩa là cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn các quý trước đó.

Ông có gợi ý giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn?

Theo tôi, ngành ngân hàng vẫn gánh nhiệm vụ trọng yếu và phải quyết liệt hơn nữa. Bản thân các ngân hàng phải quản lý được những rủi ro trong hoạt động của mình như: cân đối huy động - cho vay; kiểm soát cho vay ngoại tệ, dù chưa đến mức độ rủi ro bởi con số tuyệt đối chưa phải là lớn.

Cơ quan quản lý cần thống nhất và tuyên truyền rộng rãi về quan điểm: mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% đặt ra nhưng không phải tăng trưởng bằng mọi giá. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng cần linh hoạt khi có những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng nhiều hơn. Hơn thế, câu chuyện xử lý nợ xấu cần được thúc đẩy mạnh mẽ, bởi một mặt giúp tín dụng có khả năng được đẩy ra nhiều hơn, mặt khác đây còn là câu chuyện niềm tin của thị trường. Song song với đó là dứt điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có vấn đề sở hữu chéo.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ban, ngành như; bộ, ngành hỗ trợ DN tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường đầu ra; ngân hàng quản lý chi phí tốt hơn nữa, cải tiến thủ tục, quy trình cho vay mang tính hành chính; đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN; tái cơ cấu đầu tư công; cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, nhất là những điểm nghẽn như mối quan hệ Nhà nước - thị trường, luật lệ chồng chéo, thủ tục hành chính, bộ máy cồng kềnh, tham ô, lãng phí… Đây cũng là giải pháp tăng niềm tin, qua đó tăng cầu đầu tư, vay vốn của DN; tăng sức đề kháng, cạnh tranh của DN, tiến tới thế chủ động, giảm phụ thuộc bên ngoài.

Các DN cần quyết tâm tái cơ cấu, đồng hành, chân thành, minh bạch với ngân hàng để cùng tin tưởng, chia sẻ, tạo tiền đề cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền trong bối cảnh DN, nhất là DNVVN đang thiếu tài sản đảm bảo.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục