Báo chí trên mạng xã hội: Cần phát triển có chọn lọc

0:00 / 0:00
0:00
Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, người làm báo cần khai thác thông tin có chọn lọc, nhìn nhận vấn đề chính xác, trung thực, phân tích… để người đọc nhận diện đúng sự việc, vấn đề kể cả mặt tích cực và tiêu cực.

Văn hóa báo chí trên mạng xã hội

Ngày 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam - hoạt động được tổ chức song song với Hội Báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.

Theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, để báo chí Việt Nam thực sự “hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn” thì việc xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận.

Những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế - xã hội ngày nay tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường cho biết, thông tin trên mạng xã hội có rất nhiều sự việc xảy ra trong đời sống. Vì vậy, khi tiếp cận thông tin và đưa tin, người làm báo cần phải nhìn nhận vấn đề chính xác, trung thực, phân tích, định hướng mang tính nhân văn để người đọc nhận diện đúng sự việc, vấn đề kể cả mặt tích cực và tiêu cực. Tránh kích động tạo cho người đọc tò mò, hoặc viết bài câu tương tác, thể hiện quan điểm mà thông tin chưa được kiểm chứng và lan truyền trên các nền tảng mạng làm người đọc nhận thức vấn đề một cách lệch lạc, nhất là giới trẻ.

“Hiện nay, hầu như người làm báo đều tham gia các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok… đây là những kênh trên môi trường mạng xã hội, có thể chia sẻ những tác phẩm báo chí hay, nối dài đời sống thông tin báo chí, có sức lan tỏa trong cộng đồng, vì vậy cần hạn chế chia sẻ, bình luận, đưa ra những quan điểm trái chiều, cổ vũ những thông tin xấu, độc trên mạng”, ông Đào Xuân Hưng chia sẻ.

Có thể thấy, thời gian qua, tình trạng đưa tin, phát tán tin không đúng, tin sai sự thật trên internet rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin.

Tuy nhiên, có những nhà báo, phóng viên khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội đã thiếu bản lĩnh, vội vàng chủ quan không kiểm chứng, biến thành sản phẩm báo chí, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng và đó cũng là mục đích chính của những kẻ thù địch…

“Một trong những hệ quả mà các tin tức không đúng sự thật là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các cơ quan báo chí, truyền thông, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. Không những thế, tin không đúng, tin sai sự thật không chỉ gây tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn đánh lừa cả một số phóng viên khiến báo chí cũng trở thành nạn nhân”, Nhà báo Đoàn Minh Long Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa thông tin.

Nhà báo Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa nêu thực trạng, trên thực tế, tại địa phương vẫn có nhiều người làm báo chưa tuân thủ đúng quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, có tình trạng đưa một số bài báo một đường nhưng nêu ý kiến một nẻo để dẫn dắt dư luận theo ý của mình. Hoặc có những cá nhân quá ảo tưởng về nghề nghiệp, nên đã lạm dụng mạng xã hội để chèo lái dư luận.

Phiên thảo luận với chủ đề: “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.

Phiên thảo luận với chủ đề: “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.

Để văn hóa báo chí xây dựng niềm tin cho bạn đọc

Theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, luật báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam… đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, tất cả dường như vẫn chưa đủ.

“Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan toả, nhân rộng mạnh mẽ. Việc xây dựng “môi trường văn hóa báo chí” phải là việc tiếp tục phải được hiện thực hóa thường xuyên, quyết liệt, là việc làm sống còn tại hết thảy các cơ quan báo chí trong cả nước”, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Nằm trong nỗ lực xây dựng niềm tin cho bạn đọc, năm 2023, tại Hội Nhà báo Việt Nam, tạp chí Tài nguyên và Môi trường cùng 12 tạp chí, đã tham gia ký kết xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. Trong đó, những người làm báo ký kết với thư ký chi hội nhà báo, thủ trưởng cơ quan báo chí, để mỗi nhà báo ý thức, tu dưỡng, phát huy giá trị cao đẹp của nghề báo, tiếp tục rèn luyện với phương châm, giữ bút sắc, lòng trong, công tâm, khách quan trong đưa tin, viết bài; đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của người làm báo.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, được ví như nguồn nước trong mát, trong dòng chảy thông tin của xã hội, mà ở đó cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục