Báo chí quảng bá tiềm năng, thế mạnh cho Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
Cần Thơ đang từng bước trở thành trung tâm động lực của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ về những định hướng lớn, cũng như sự đồng hành cùng lực lượng báo chí trong hành trình phát triển.
Ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Thưa ông, báo chí đã có những đóng góp quan trọng nào vào phát triển kinh tế - xã hội và kết nối vùng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Cần Thơ?

Sự đóng góp của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo là hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Theo thống kế, có 65 cơ quan, văn phòng đại diện báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố, với khoảng gần 1.000 cán bộ, phóng viên, nhân viên, trong năm 2022 đã đăng tải trên 5.700 tin, bài viết. Bên cạnh việc tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng; phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển của Vùng ĐBSCL, của Thành phố, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ để Vùng và Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Các cơ quan báo chí cũng đã kịp thời phản ánh những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của các ngành chức năng, địa phương, đơn vị, qua đó giúp cho lãnh đạo Thành phố, các tỉnh và ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo xử lý, hoặc kiến nghị với Trung ương giải quyết kịp thời tháo gỡ những nút thắt, những điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và của Thành phố tiếp tục phát triển.

Trong thời gian tới, Thành phố mong muốn các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng ĐBSCL, của Thành phố, nhất là kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Vùng ĐBSCL và Thành phố, đưa hình ảnh tốt đẹp của vùng đất trù phú, giàu tiềm năng đến cả nước và bạn bè quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền về công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao các chỉ số đánh giá cấp tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền về chủ trương, định hướng liên kết Vùng ĐBSCL, nhất là liên kết trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, liên kết trong hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực, xây dựng công trình giao thông kết nối, ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.

Để trở thành đô thị động lực của Vùng, hạ tầng giao thông vẫn là đang là điểm nghẽn, TP. Cần Thơ nhìn nhận vấn đề này thế nào, thưa ông?

Để ưu tiên tập trung huy động nguồn vốn và triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Chủ động thường xuyên kiến nghị, đề xuất Trung ương ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm theo danh mục các dự án tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ.

Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh như: phối hợp với tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đề xuất đầu tư xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C); Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Cầu Ô Môn. Ưu tiên tập trung bố trí vốn ngân sách Thành phố (giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí vốn cho các dự án giao thông chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư công), tăng cường thu hút mọi nguồn vốn và các thành phần kinh tế tham gia; quản lý đồng bộ, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai để tạo quỹ đất dành cho đầu tư hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư đảm bảo kịp thời khởi công các dự án.

Định hướng phát triển khu công nghệ cao, CNTT để Cần Thơ trở thành đô thị sinh thái và là động lực phát triển, kết nối quan trọng của Vùng và cả nước theo Nghị quyết 59-NQ/TW ra sao?

Để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết 59-NQ/TW, Cần Thơ xác định xây dựng Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung là nhiệm vụ trọng tâm, tạo ra bước đột phá về công nghệ, dẫn dắt và ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội để phát triển TP. Cần Thơ trở thành đô thị sinh thái, nơi đáng sống và là động lực phát triển, kết nối quan trọng cửa vùng và cả nước.

Phát triển Khu Công nghệ cao Cần Thơ sẽ trở thành điểm tựa phát triển công nghệ cao nói riêng, nền kinh tế của TP. Cần Thơ và khu vực ĐBSCL nói chung. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đưa khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm dịch vụ, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ thông tin; phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, giải quyết việc làm đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ thông tin và truyền thông và các ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đóng góp cho mục tiêu đưa Cần Thơ nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về phát triển công nghệ thông tin, kinh tế số, là động lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng ĐBCSL.

Huỳnh Huy thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục