Từ đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo kịp thời, hợp lòng dân.
Cụ thể, việc tạm dừng xây dựng sân gôn gần sân bay Tân Sơn Nhất, thuê tư vấn nước ngoài đánh giá phương án mở rộng sân bay đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của dư luận xã hội. Tiếng nói của công chúng, tiếng nói hợp tình, hợp lý đã được lắng nghe kịp thời.
Đây là ví dụ mới nhất chứng minh vai trò phản biện xã hội và cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý của truyền thông, báo chí.
Cũng vì lẽ này, tại cuộc gặp mặt đoàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng APEC nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017) do Văn phòng Chính phủ phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều ngày 18/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi tuy bận nhưng lúc nào cũng đọc báo trước khi đi làm. Nhiều vấn đề chúng ta phát hiện qua báo chí. Chính sách hình thành nên từ đây, từ kênh báo chí quan trọng”.
Dữ liệu để thay đổi chính sách
Tác động của truyền thông tới việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách là vô cùng lớn. Thực tế, truyền thông, báo chí có thể tạo được nhận thức và dư luận xã hội, thậm chí gây sức ép lên các bộ, ngành và địa phương, từ đó tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Hiện nay, nhiều cơ quan quản lý đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tương tác với xã hội thông qua báo chí và từ đó, nhiều nút thắt đã được gỡ bỏ. Điển hình, cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt, chưa tốt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cuối năm ngoái đã chỉ ra rằng, nhiều quy định bất cập, sau khi được doanh nghiệp và các hiệp hội phản ánh trên báo chí, đã được các bộ ngành có liên quan xem xét thay đổi.
Bên cạnh đó, đối với mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng, báo chí - doanh nghiệp sẽ mãi là những người bạn đồng hành trên bước đường hội nhập vì sự nghiệp phát triển của chính mình và phồn vinh của đất nước”.
Điều này càng đặc biệt hơn trong thời điểm cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, cần phát huy tất cả nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng. Sự nghiệp đó cần sự tham gia tích cực, đồng bộ của báo chí, doanh nghiệp, để tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Mối quan hệ này sẽ truyền tải đi cái mới, tạo cảm hứng, góp phần định hướng mọi cá nhân, cộng đồng xã hội phát huy tinh thần, khả năng sáng tạo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Thủ tướng cho rằng, báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, chính xác mà còn phải giúp nhanh chóng phát hiện, phản biện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp doanh nghiệp nhận ra các yếu kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Bên cạnh yêu cầu báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh báo chí phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin, hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thực hiện công khai, minh bạch quá trình và kết quả xử lý công việc của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" để hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Sức nặng thông tin kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa, hội nhập hiện nay, thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, liên quan chặt chẽ đến sự thành bại của các doanh nghiệp, nhìn rộng hơn là của cả nền kinh tế. Nắm được thông tin là một lợi thế cạnh tranh, cũng vì vậy sự chuyển động về cung cầu thông tin đang ngày càng rõ nét.
Nếu như trước đây, thông tin kinh tế, tài chính là món ăn khá xa lạ với độc giả của nhiều cơ quan báo chí, thì ngày nay, hiếm có tờ báo nào không đề cập đến lĩnh vực này.
Những tờ báo chuyên sâu về kinh tế, tài chính chủ trương có những bài viết cung cấp bức tranh toàn cảnh và rõ nét về một vấn đề kinh tế, đem đến những kiến giải mới mẻ và cung cấp nhiều thông tin mang tính đào tạo người đọc. Trong khi đó, nhiều tờ báo khác thành lập những chuyên mục, chuyên trang về kinh tế, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của độc giả.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của việc phổ biến các thông tin, chính sách kinh tế, phát hiện và đề cao những câu chuyện kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp, không thể không nhắc đến việc lạm dụng ngòi bút gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp e ngại tiếp xúc với báo chí bởi trước đó thông tin về doanh nghiệp bị phản ánh sai lệch, bóp méo vì mục đích nào đó… Sự cố ý hay vô tình của những ngòi bút “tâm không sáng” đã làm ảnh hưởng tới uy tín, thậm chí gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thủ tướng căn dặn: “Kinh doanh trên thương trường có nhiều nỗi khổ, nhiều rủi ro. Người làm báo phải thông hiểu để tạo điều kiện, tạo niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, bảo vệ cái đúng”. Cụ thể, báo chí có vai trò quan trọng trong việc khích lệ doanh nghiệp và phản ánh mang tinh thần xây dựng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
“Báo chí cần cổ vũ những tấm gương doanh nghiệp vượt khó; sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế để theo dõi, phân tích tình hình kinh tế - xã hội, kịp thời đưa ra những dự báo, giúp doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mong muốn và kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ với báo chí đã được thể hiện vô cùng cụ thể, đa dạng. Song để dòng chảy thông tin kinh tế được thông suốt và ngày càng “xanh sạch” hơn, báo chí và doanh nghiệp cần tiếp tục giao lưu, tìm hiểu, trao đổi thông tin một cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở.
Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách tích cực, thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, khách quan cho báo chí.