Trong rất nhiều trường hợp, những dòng chữ ngắn ngủi ấy có thể gây tổn phí tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng trăm triệu, hàng tỷ USD.
Một công ty của Pháp hoạt động trong lĩnh vực điện lực khi thực hiện sáp nhập với một công ty nhỏ hơn ở châu Mỹ đã gặp phải tai nạn “chết người” chỉ bởi dòng chữ bất cẩn có trong hợp đồng, được một tờ báo phát hiện ra.
“Chúng tôi đảm bảo nếu tuabin của chúng tôi xây lắp có vấn đề gì, chúng tôi cam kết sẽ làm đúng thiết kế và hiệu năng đến khi nào đạt được thì thôi”.
Tuabin có vấn đề, hai bên tranh chấp, đưa nhau lên mặt báo và đưa nhau ra tòa. Tòa ra phán quyết, xử phạt doanh nghiệp Pháp hơn 400 triệu USD. Ðó là chưa kể những tổn hại về mặt uy tín thương hiệu mà doanh nghiệp Pháp phải gánh chịu. Hớ hênh vài chục chữ trong hợp đồng, doanh nghiệp đã phải trả cái giá quá đắt.
Một doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE lại gặp tai nạn dạng khác.
Bất đồng với cách cư xử không mấy khôn khéo của chủ đầu tư, cư dân trong tòa nhà chụp một loạt ảnh về sự cố thi công trong căn hộ, trong tòa nhà gửi đến vài tờ báo lớn. Những lỗi nho nhỏ này có thể khắc phục dễ dàng, nhưng doanh nghiệp lại thờ ơ và phản ứng chậm.
Khi “đám cháy” thông tin về dự án chất lượng kém, năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề, hiện đang nợ thuế… lan rộng trên mặt báo và mạng xã hội, nhiều đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp giải trình thì lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp mới cuống cuồng yêu cầu các bộ phận phải nhanh chóng “dập lửa”.
Sau gần tháng trời vất vả dàn xếp, thiệt hại của doanh nghiệp lên tới hàng tỷ đồng, chưa kể vài chục căn hộ đang bán rơi vào tình trạng “đóng băng”…
Vài câu chuyện trên đã cho thấy tầm quan trọng của thông tin kinh tế, tài chính. Ðây chính là nguồn nguyên liệu đầu vào của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ðối với báo chí nói chung và báo chí kinh tế nói riêng, hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân luôn là mảng đề tài phong phú, đa dạng, từ việc thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh đến cạnh tranh, năng suất, chất lượng, hiệu quả, lợi nhuận, vốn, công nghệ, lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ…
Nhưng để mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp thực sự là đồng lợi, lại không hề dễ dàng. Cùng một sự việc, một hành động, nhiều tờ báo, cơ quan báo chí nhìn nhận khác nhau, phản ánh với thái độ và tâm thế khác nhau.
Những cơ quan báo chí nghiêm túc và là người bạn đồng hành chân chính của doanh nghiệp luôn chọn cách ứng xử có trách nhiệm, nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, đa chiều, toàn diện để đảm bảo cân đối thông tin.
Những tờ báo nghiêm túc luôn đề cao những tấm gương điển hình về doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có hiệu quả, đóng góp nhiều cho xã hội, đồng thời phát hiện, góp tiếng nói cảnh báo để chấn chỉnh cái sai, đóng góp ý kiến xây dựng để doanh nghiệp sửa sai và thay đổi.
Nhưng trên hết, là cách thức truyền thông “có tâm”, không triệt tiêu sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.