Cùng với thời gian, báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các DN, đặc biệt là các công ty đại chúng đang niêm yết, nếu muốn phát triển một cách bền vững thì cần tạo lập và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với báo chí, thậm chí hai bên phải trở thành đối tác tin cậy của nhau. Tuy nhiên, với trách nhiệm phản biện xã hội của báo chí, mối quan hệ ấy không phải lúc nào cũng thân thiện.
Cái bắt tay không thể thiếu
Có một thời báo chí được coi là… của hiếm, chỉ dành cho cán bộ cấp cao và những người có tiền. Còn ngày nay, báo chí đã trở thành món ăn hàng ngày không thể thiếu của hầu hết mọi người, từ bác xe ôm đến dân trí thức, văn phòng và giới đầu tư.
Khi báo chí ngày càng thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội thì cũng là lúc mối quan hệ giữa báo chí với DN trở nên khăng khít hơn. Hơn 10 năm về trước, bộ phận truyền thông và quan hệ công chúng còn là khái niệm khá mới mẻ, chủ yếu chỉ thấy ở các DN, tập đoàn lớn hay các đơn vị nước ngoài có tầm cỡ tại Việt Nam. Ngày nay, gần như bất kỳ công ty đại chúng hay ngân hàng nào cũng có bộ phận truyền thông để chuyên kiểm soát tin tức liên quan và chăm lo hình ảnh của mình trên báo, đài. Điều này cho thấy, vai trò to lớn của báo chí với cộng đồng DN đã được khẳng định ngày một rõ nét hơn.
Thông qua báo chí, DN nắm bắt những thông tin nhanh nhạy về thị trường để kịp thời ra quyết định đầu tư. Ví dụ: sản phẩm nào đang được ưa chuộng, lĩnh vực, hàng hóa, dịch vụ nào còn thiếu, sở thích, đặc tính tiêu dùng, thị hiếu của người dân như thế nào cũng đều được báo chí cập nhật và phản ánh. Với hầu hết những nhà quản lý DN, thông tin qua báo chí là một nguồn tham khảo rất quan trọng và hữu ích trong việc ra quyết định hàng ngày. Bên cạnh đó, báo chí cũng được xem là kênh chủ đạo để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của DN bởi tính phổ cập của nó đến mọi đối tượng công chúng. Truyền thông qua báo chí đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong chiến lược PR - marketing của các DN.
Với báo chí, DN cũng là đối tượng khách hàng chính đem lại doanh thu và lợi nhuận cho dịch vụ quảng cáo của các tờ báo. Thống kê cho thấy, nguồn thu của đa số tờ báo đều chủ yếu từ quảng cáo, hợp tác truyền thông với DN. Từ sự gắn bó khăng khít đó, mối quan hệ giữa báo chí và DN là quan hệ cộng sinh. Khi mối quan hệ này phát triển tốt đẹp thì đôi bên cùng có lợi.
Và vai trò phản biện của báo chí
Nhìn nhận một cách khách quan, mối quan hệ giữa báo chí và DN, về cơ bản là quan hệ hợp tác tích cực. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi báo chí là quyền lực thứ tư, bởi một trong những chức năng quan trọng của báo chí là phản biện xã hội. Rất nhiều những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế, xã hội đã được báo chí, truyền thông phát hiện, mổ xẻ và đưa ra ánh sáng để rồi được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Vì thế, viết về những vấn đề tiêu cực cũng là một phần không thể thiếu của báo chí.
Tuy nhiên, với góc độ lãnh đạo một DN niêm yết, cũng đồng thời là một luật sư lâu năm, tôi cho rằng, mọi thông tin về DN, nhất là với những DN niêm yết và DN hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… đều rất nhạy cảm và thường gây ra tác động nhiều chiều. Khi một thông tin về DN niêm yết xuất hiện trên báo chí, dù tốt hay xấu, rất có thể sẽ tác động ngay tức thì đến giá cổ phiếu của DN đó trên thị trường. Những phản ứng của thị trường liên quan đến thông tin bầu Kiên bị bắt năm 2012 hay Hoàng Anh Gia Lai bị cáo buộc tại Lào gần đây… là những ví dụ điển hình cho thấy tác động ghê gớm của thông tin đến quyền lợi của DN, NĐT.
Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, ngày nay, NĐT, khách hàng của DN chủ yếu tiếp cận thông tin qua kênh báo chí, mà thông tin qua báo chí thường có độ trễ nhất định, cả khi chúng xuất hiện cũng như khi chúng được thay thế, sửa đổi. Chỉ cần một sự sai lệch hoặc thiếu nhạy cảm trong truyền thông, hậu quả cho người tiếp cận thông tin, hoặc đối tượng được truyền tải thông tin có thể là vô cùng lớn và kéo dài. Vì thế, phản biện báo chí với mong muốn ban đầu là làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn, hy vọng sẽ không vô tình phản tác dụng, chỉ vì truyền đạt thông tin thiếu đi sự đa chiều, khách quan hoặc xác minh cẩn trọng.
Nhân Ngày Báo chí Việt Nam, xin kính chúc các nhà báo cả nước, đặc biệt là phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán luôn dồi dào sức khỏe, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp. Chúc mối quan hệ giữa báo chí và DN ngày càng phát triển bền chặt.