Báo cáo thường niên: Ngân hàng nên đặt trọng tâm vào phân tích rủi ro

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chương trình bình chọn Doanh nghiệp niêm yết ngày càng đổi mới và chất lượng. Là một chương trình bình chọn, vì vậy cần phải có những tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Thậm chí, các tiêu chí nếu được tính kỹ có thể lên đến hàng trăm tiêu chí nhỏ.

Qua thời gian, các tiêu chí bình chọn được góp ý từ các chuyên gia ngày càng hoàn thiện dần. Điều này khiến cho các thành viên chấm giải ngày càng thấy tự tin trong việc đưa ra các quyết định của mình trên các lá phiếu bình chọn.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ, Trường Ðại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng bình chọn Giải thưởng Doanh nghiệp niêm yết.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ, Trường Ðại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng bình chọn Giải thưởng Doanh nghiệp niêm yết.

Điều tôi băn khoăn là chương trình bình chọn đã không phân biệt giữa các doanh nghiệp niêm yết là các định chế tài chính là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán và các doanh nghiệp phi tài chính hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ.

Chẳng hạn, đối với lĩnh vực ngân hàng, do phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hoạt động tiêu chuẩn Basel từ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên điểm quản trị công ty thường có xu hướng cao hơn các doanh nghiệp phi ngân hàng. Nhưng điều này không có nghĩa là trên thực tế, các vấn đề thuộc về quản trị công ty và tình hình tài chính của các ngân hàng tốt hơn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Theo tôi nghĩ, chúng ta nên nghiên cứu các khác biệt quá lớn này để có các điều chỉnh thích hợp cho các cuộc bình chọn các năm sau.

Mặt khác, ngân hàng là ngành có đặc thù rất cao, trong đó các tiêu chuẩn hoạt động của lĩnh vực ngân hàng đều hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Các ngân hàng trên thế giới đang hướng đến các chuẩn mực Basel 3, thậm chí đang hướng đến phiên bản Basel 4 vào năm 2023.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang chạy theo Basel 2 mà vẫn chưa xong. Điều này đặt ra gợi ý cho Ban tổ chức nên đặt ra các tiêu chí trọng tâm vào các phân tích rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, nhất là rủi ro hoạt động (liên quan đến con người, công nghệ và hệ thống vận hành) của ngân hàng.

Theo dõi các báo cáo thường niên của ngành ngân hàng trong nhiều năm qua, tôi nhận thấy, các ngân hàng vẫn chưa tập trung công khai và minh bạch các thông tin vào các rủi ro này. Đây là điểm tôi với tư cách là một thành viên Hội đồng bình chọn muốn nhìn thấy có sự tiến bộ hơn của các ngân hàng trong mùa bình chọn năm sau.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục