Báo cáo phát thải khí nhà kính: Được và chưa được

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết mạnh mẽ này đã được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chính phải tuân thủ cam kết này.
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Giám đốc Phát triển bền vững BYECO2 JSC - Thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo phát triển bền vững Ông Tôn Thất Hạc Minh, Giám đốc Phát triển bền vững BYECO2 JSC - Thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo phát triển bền vững

Đó cũng là lý do chiến lược và quản lý phát thải của doanh nghiệp được đưa vào tiêu chí chấm giải từ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm nay (VLCA).

Đánh giá các phạm vi phát thải

Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược giảm phát thải của doanh nghiệp là xác định rõ phạm vi phát thải khí nhà kính (GHG) theo các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm Scope 1 (phát thải trực tiếp), Scope 2 (phát thải gián tiếp từ năng lượng tiêu thụ) và Scope 3 (phát thải từ chuỗi cung ứng). Tuy nhiên, trong các báo cáo phát triển bền vững năm 2023 của các doanh nghiệp tham gia VLCA, không phải tất cả đều đề cập đầy đủ đến cả ba phạm vi phát thải.

Chẳng hạn, ACB chỉ tập trung vào Phạm vi 1 và 2, mà không cung cấp chi tiết về Phạm vi 3, trong khi BVH chủ yếu báo cáo các sáng kiến tiết kiệm điện năng và không đưa ra số liệu cụ thể. Ngược lại, STK đã cung cấp thông tin chi tiết về cơ cấu phát thải và tiến hành kiểm kê cho cả ba phạm vi tại các nhà máy Trảng Bàng và Củ Chi, với Phạm vi 2 chiếm tỷ trọng phát thải cao nhất. GMD đang trong quá trình thu thập dữ liệu cho Phạm vi 3 sau khi hoàn thành kiểm kê cho Phạm vi 1 và 2 và hợp tác với BSI để đánh giá độc lập kết quả này.

Tổng lượng phát thải GHG và chiến lược giảm phát thải

Tổng lượng phát thải GHG là một chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính. Mặc dù một số doanh nghiệp đã cung cấp thông tin đầy đủ, phần lớn báo cáo vẫn thiếu dữ liệu cụ thể về tổng lượng phát thải. STK đã cung cấp chi tiết lượng phát thải từ năm 2020 đến 2023 cho hai nhà máy, với nhiều sáng kiến như sử dụng năng lượng tái tạo và hạt nhựa tái chế. Trong khi đó, HDB lại ghi nhận mức tăng phát thải GHG trên mỗi nhân viên trong năm 2023.

Mục tiêu giảm phát thải

Một trong những cam kết lớn nhất của các doanh nghiệp chính là việc đặt mục tiêu giảm phát thải kèm theo các lộ trình giảm phát thải. Để làm được điều này, thông lệ tốt gợi ý các doanh nghiệp cần phải tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính một cách đầy đủ, thu thập các dữ liệu trong quá khứ và phân tích tình huống cụ thể của doanh nghiệp mình trước khi đưa ra các mục tiêu giảm phát thải cũng như giảm năng lượng. Chính vì điều này, số lượng doanh nghiệp công bố các mục tiêu giảm phát thải là rất ít.

Đáng chú ý, trong mùa báo cáo năm nay, chỉ có 2 doanh nghiệp đặt mục tiêu phát thải dựa theo tiêu chuẩn SBTi (Science Based Targets initiative) là VNM (Vinamilk) và STK (Sợi Thế Kỷ), thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải theo các chuẩn mực quốc tế.

Xác minh bên thứ ba

Xác minh dữ liệu phát thải bởi bên thứ ba giúp đảm bảo tính chính xác và minh bạch, tuy nhiên đây chưa phải là một quy trình phổ biến. Chỉ một số ít doanh nghiệp như GMD và STK hợp tác với các tổ chức độc lập như BSI và ENERTEAM để đánh giá và xác minh kết quả phát thải. Việc này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư mà còn chuẩn bị cho các yêu cầu tương lai từ đối tác và chuỗi cung ứng.

Các sáng kiến giảm phát thải tiêu biểu

Mùa bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm nay ghi nhận một số doanh nghiệp đã triển khai những sáng kiến giảm phát thải đáng chú ý như ACB (đã thực hiện các biện pháp như tiết kiệm giấy, điện và sử dụng thảm tái chế, giúp cắt giảm tổng cộng hơn 267 tấn CO2 trong năm 2023), STK (tiếp tục nâng cao tỷ trọng sử dụng sợi tái chế và sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời triển khai các sáng kiến tiết kiệm điện, góp phần cắt giảm hơn 1.700 tấn CO2), VNM (đã áp dụng hệ thống Biogas và năng lượng mặt trời, đồng thời cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).

Cam kết phát thải ròng bằng 0 không chỉ là yêu cầu của luật pháp và xu hướng toàn cầu mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, quản lý rủi ro và thu hút đầu tư. Những sáng kiến và chiến lược giảm phát thải đã và đang được thực hiện tại Việt Nam là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tôn Thất Hạc Minh,
Giám đốc Phát triển bền vững BYECO2 JSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục