8 giờ tối lết được cái thân về nhà đã là kỳ tích. Vừa đẩy cửa bước vào căn chung cư bé nhỏ, chân tôi va ngay vào đống hộp lỉnh kỉnh la liệt dưới đất. Hỏi ra mới biết đây là đống dụng cụ và nguyên liệu làm bánh trung thu của mẹ tôi vừa đặt mua.
Thấy tôi không nói gì lại thở dài, mẹ đi theo vào phòng ngủ thủ thỉ. Mẹ ở nhà rảnh rỗi, xem TV thấy họ nói thị trường bây giờ có nhiều loại bánh không đảm bảo chất lượng. Rồi nhiều đường, nhiều mỡ không tốt cho sức khỏe, nên mẹ nhờ cái Nguyên (con gái lớn của tôi) đặt mớ nguyên liệu kia trên mạng. Đặt chiều mà tối đã giao đến nhà. Vừa nhanh lại tiện. Chẳng thiếu thứ gì.
Mẹ cứ vẽ chuyện. Đấy là báo đài nói mấy loại bánh không rõ nguồn gốc, chứ vào siêu thị mua bánh của thương hiệu lớn thì vừa an tâm, vừa ngon, lại vừa nhàn cái thân. Bà đã lớn tuổi, cứ việc nằm nghỉ ngơi, xem phim. Còn muốn ăn bánh trung thu bà cứ việc nói. Thích bánh gì bà sẽ ngay lập tức có bánh ấy, khỏi phải lạch cạch bếp núc.
Thoáng cau mày vì câu trả lời hững hờ của tôi, nhưng mẹ vẫn chưa bỏ cuộc. Giờ bánh trung thu hay có chất bảo quản, lại có nhiều đường mỡ không tốt cho chế độ ăn kiêng của con. Tự làm thì mẹ gia giảm thêm nguyên liệu cho hợp khẩu vị của mọi người, chứ đi mua công nghiệp về, người ăn kẻ không mẹ thấy không ổn. Mà đồ đã mua rồi khó lòng trả lại, nên tốt nhất cứ để mẹ “trổ tài”.
Tôi không muốn bà vất vả, nhưng chống đối cũng không được. Thôi thì tuổi già khó chiều. Cứ để bà vận động tay chân một chút cũng chẳng có gì xấu. Nếu bánh ngon thì bà được vui. Nếu không thì phương án dự phòng đã bày sẵn ở mọi siêu thị, mọi ngõ ngách Hà Nội rồi. Chẳng lo!
Không chờ đợi lâu, sáng sớm hôm sau đã thấy hai bà cháu kỳ cạch nấu nướng hăng say ở trong bếp. Cảnh tượng này quả thực hiếm khi diễn ra trong nhà, dù ở đây có tới 3 nữ chủ nhân.
Trong khi con gái tôi trộn bột làm vỏ, thì bà ngoại ngồi cắt hạt làm nhân. Phần nhân bánh truyền thống tuy cách làm không phức tạp, nhưng cần sự có mặt của khá nhiều nguyên liệu. Theo công thức, bà trộn hạt dưa, bí xanh, mứt bí, mứt sen, lạp sườn màu đỏ, hạt điều, vừng trắng, lá chanh bánh tẻ thái nhỏ cùng rượu mai quế lộ.
Thiếu gì thì thiếu, chứ không thể thiếu chút mỡ đường tạo vị béo bùi cho nhân. Mỡ đường vốn dĩ là mỡ lợn loại ngon, sau khi thái hạt lựu thì đem muối với đường trong vài ba ngày là đạt. Tuy nhiên, loại nguyên liệu này có thể dễ dàng mua được ở chợ.
Trước khi trộn nhân, mẹ cẩn thận ngồi cắt thủ công các loại hạt, lấy hạt dưa làm kích thước chuẩn. Mẹ bảo, hạt làm nhân càng nhỏ thì phần nhân sẽ càng kết dính chắc. Khi cắt bánh nhìn nhân sẽ ngon, bắt mắt và “sang” hơn nhiều so với việc để to.
Tuy nhiên, cắt vụn quá thì lại không đẹp về hình thức, nên mẹ cắt bằng kéo chứ không giã bằng chày. Cắt được khoảng 30 phút, bà đành từ bỏ “chiến trường” nhường lại công đoạn này cho tôi, vì bệnh đau lưng lại ghé thăm.
Đứng dậy, nhưng bà không nghỉ ngơi, mà lấy quả cam vàng trong tủ lạnh gọt hết vỏ, thái mỏng sợi chỉ, cho vào bát cùng nước lọc và chút rượu.
Mẹ bảo, đây mới là phần hỗn hợp giúp kết dính nhân và giúp nhân thơm ngon, không tanh, không nặng mùi. Trên video hướng dẫn nói rằng, nhân bánh đôi khi thất bại vì không có nguyên liệu “nhỏ mà có võ” này.
Nói đoạn, mẹ tôi mở điện thoại, “search” ra hẳn một đoạn video hướng dẫn làm bánh trung thu truyền thống tỉ mỉ từ A đến Z. Người hạn hẹp về kiến thức nấu ăn như tôi xem lướt qua cũng đã hiểu được 70% quy trình.
Vừa xem bà vừa xuýt xoa khen cuộc sống bây giờ hiện đại. Món gì không biết thì hỏi Google. Ngay cả món xôi ngũ sắc bà Thanh cùng làng xưa biết làm nhưng không chịu bày cho bà, cũng có công thức trên này cả. Bà bảo, mấy nữa tiện đám giỗ họ, bà sẽ về làng trổ tài cho bà Thanh biết tay. Thôi thôi con xin u.
Khi trộn nhân xong, quay sang thấy con gái cũng vừa làm xong phần bột làm vỏ bánh. Khối bột trong bát mềm mịn, không quá ướt, không quá khô. Phần này được trộn từ bột bánh ngọt, bột bánh mì, thêm nước đường, lòng đỏ trứng, dầu ăn, một xíu bơ đậu phộng và mỡ trừu.
Bắt đầu đóng bánh, mẹ thoa ít dầu ăn vào khuôn và quanh bề mặt để chống dính. Con gái tôi cẩn thận đặt khối bột vào giữa khuôn. Bà dùng lực vừa phải ấn xuống để tạo hình bánh. Sau đó, ấn thêm lần nữa để làm mặt bánh nét hơn.
Trong khi đó tôi được giao nhiệm vụ pha hỗn hợp quết lên mặt bánh khi nướng. Công thức chỉ dẫn trộn 1 lòng đỏ trứng gà, 1 thìa nước lọc, 1 thìa dầu mè, 1 tẹo nước tương, 1 thìa sữa tươi không đường rồi lọc qua rây cho mịn.
Bánh sau khi nướng 10 phút thì cho ra để phun nước lên bề mặt. Khi bánh nguội bớt chỉ cần quét hỗn hợp này lên mặt bánh. Sau đó đặt khay vào nướng tiếp thêm 5-10 phút. Làm như vậy 3 lần là đạt.
Bánh ra lò có màu vàng mật ong. Để bánh qua đêm thì màu vỏ chuyển đậm, mềm mại và đẹp hơn.
Khác hẳn với mẹ, con gái tôi không chỉ giỏi khâu nấu nướng mà còn có tài trang trí. Trên mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng 8, Nguyên bày lên mâm hai chiếc bánh nướng do chính tay bà ngoại làm, thêm hai bánh dẻo tôi mua ở siêu thị. Bên cạnh là mâm ngũ quả gồm na, bưởi da xanh, thị vàng thơm nồng nàn, nải chuối chín tới và quả hồng đỏ rực.
Cúng xong, bánh nướng được bổ ra trước tiên. Phần nhân bên trong thơm phức, hấp dẫn với đủ sắc màu. Màu đỏ của lạp xưởng, trắng trong của thịt mỡ, trắng ngà của mứt bí, điểm xuyết màu xanh xanh của lá chanh và vàng nhạt của vừng. Bánh nướng tỏa ra hương vị thơm đậm đà của bột. Kích thích vị giác lắm.
Tôi cắn thử một miếng đã thấy cái béo bùi của thịt mỡ và bột dẻo, cái ngọt đậm của mứt bí, vị thơm ngon của lạp xưởng quấn quýt lấy đầu lưỡi không dứt ra được. Lá chanh cho vào tưởng sẽ tạo ra vị ngai ngái, ngờ đâu nó lại tôn lên cái thơm ngọt của nhân bánh mà lại không hề đắng. Làm người ta cứ muốn ăn thêm nhiều miếng nữa.
Mùi của bánh nướng thơm phức lan tỏa khắp căn nhà. Thứ mùi hương xưa tưởng như đã lạc mất bên đời bỗng một ngày trở lại, hiếm hoi và đầy cảm xúc. Cứ như có ai đó đang nhẹ nhàng tua qua đoạn phim về một khoảng trời vàng sáng ngời đêm rằm tháng 8 của tuổi thơ.
Khi đó, mẹ tôi ngồi giữa sân bổ bánh cho mỗi đứa một miếng, còn bố thì ngồi pha trà thưởng trăng. Chị em tôi vừa ăn vừa nghịch chiếc đèn ông sao chế từ vỏ bưởi bố làm. Bên cạnh là một đống rơm khô nhô cao ngay cạnh gian bếp gạch. Nơi đó, tôi đã từng cùng với lũ trẻ con lem luốc háo hức chờ đợi mùi hành tím phi mỡ mỗi khi mẹ mình nấu cơm.
Mải cuốn theo dòng suy tư không để ý con gái đang huých nhẹ tay đưa cho tôi miếng bánh dẻo mua ở siêu thị. Chiều nay ở đó, tôi đã cẩn thận đọc qua các thành phần một lượt. Có loại nhân chay từ tỏi đen, hạt sen, mè đen tốt cho sức khỏe. Có loại nhân làm bằng trái cây nhiệt đới như sâm ngọc linh, tổ yến nghe nói là xu hướng năm nay.
Vỏ bánh không chỉ có hình tròn, hình vuông truyền thống tượng trưng cho trời và đất, mà còn thể hiện nhiều trang trí hoa nổi, hình các con thú, hình 3D….rất đẹp. Nguyên liệu làm chúng cũng đa dạng không kém, nào là chocolate, kem, thạch,…
Mẹ tôi cũng ăn một miếng và khen chúng ngon. Bà bảo sẽ đến một ngày những chiếc bánh trung thu cùng với phong tục cổ truyền không còn hợp thời phải tự chuyển hóa. Ngoài mua bánh để ăn, người ta còn phát sinh nhu cầu để biếu. Cho nên, đôi khi bánh phải nặng tính “son phấn” hơn là nặng tính ẩm thực. Nó mang thông điệp của sự quan tâm, đối đãi, thậm chí là tính toán gửi gắm nhiều hơn là tận hưởng một lối sống thanh nhàn trong mùa Tết đoàn viên.
Dù bánh tự làm chưa được như bánh mua về, nhưng mẹ nói: "Giờ mẹ đã già, lưng còng xuống và hay đau buốt khi trời nổi gió. Chẳng biết lúc nào sẽ về với tổ tiên. Nhưng mẹ vẫn muốn dành thời gian tự tay chuẩn bị cho gia đình một mâm cỗ trung thu. Để bọn trẻ sau này lớn lên sẽ phải nhớ lâu hơn một hộp bánh tuy chưa ngon chuẩn nhưng vô cùng đặc biệt. Đó là chiếc bánh trung thu bà ngoại nó tự làm. Truyền thống, mộc mạc, đơn giản nhưng là thứ tồn tại mãi với thời gian".