Số liệu tổng hợp từ các công ty bảo hiểm nhân thọ tính đến hết tháng 5/2019 cho thấy, doanh thu phí mới đến từ bancassurance hiện chiếm hơn 27% trong tổng doanh thu phí mới toàn thị trường. Một số công ty bắt đầu khai thác mạnh kênh này đã ghi nhận doanh thu phí mới tăng đến trên 200%.
“Ước tính tỷ lệ tăng trưởng trung bình của công ty trong 5 năm tới là khoảng 30%/năm. Trong đó, tăng trưởng của bancassurance là 50%, của kênh đại lý là 15%. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm kênh đại lý truyền thống là kênh chủ lực ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn sẽ tìm thêm cơ hội hợp tác với các ngân hàng để triển khai kênh bancassurance mạnh mẽ hơn”, trưởng bộ phận phân phối của một công ty bảo hiểm nhân thọ thông tin.
Tháng 6/2019, Aviva Việt Nam đã vượt mốc doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới với hơn 100 tỷ đồng/tháng, tăng 45% so với cùng kỳ 2018 và kênh bancassurance đóng góp gần 70% doanh thu trong cột mốc tăng trưởng kỷ lục này.
Trong cuộc đua bancassurance tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm có đối tác là ngân hàng, trong đó có Aviva, đang nắm lợi thế thông qua mối quan hệ hợp tác độc quyền với VietinBank. Với mục tiêu trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có kênh bancassurance phát triển nhất, hãng bảo hiểm đến từ nước Anh này mới bổ nhiệm Phó tổng giám đốc phụ trách bancassurance là ông Patrick Wei quốc tịch Hồng Kông (trước đó, vị này từng là Giám đốc các kênh phân phối của Aviva châu Á).
Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Aviva Việt Nam chia sẻ, cùng với đẩy mạnh phát triển bancassurance, Aviva Việt Nam đang nỗ lực xây dựng kênh đại lý và hoàn thành các dự án nâng cao hiệu quả hoạt động, hạ tầng công nghệ…
Tương tự, BIDV Metlife cũng là công ty bảo hiểm được đánh giá có lợi thế từ bancassuranca nhờ hợp tác với BIDV.
“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong phát triển doanh thu phí mới với hệ thống khách hàng của BIDV và thực tế, tăng trưởng doanh thu phí mới đến từ kênh này đang đạt 100%. Với kênh trực tuyến, chúng tôi đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa ghi nhận doanh thu”, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV Metlife cho hay.
Trên thị trường, MB Ageas đang tận dụng tốt cơ hội bán bảo hiểm qua MBBank. Thời gian gần đây, hãng bảo hiểm liên doanh này thường nằm trong nhóm những công ty bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng phí mới tốt nhất, trong đó bancassurance đóng góp đáng kể.
Đối với Prudential, Manulife, Dai-ichi Life hay AIA Việt Nam, dù không có "sự hậu thuẫn" trực tiếp từ ngân hàng, nhưng bancassurance cũng đang là thế mạnh nhờ các hợp đồng độc quyền đã được ký kết với nhiều ngân hàng. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới đến từ kênh ngân hàng của các công ty này hiện đang chiếm khoảng 10-20% trong tổng doanh thu phí mới. Trong đó, Manulife Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất với hơn 20%.
Một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang hy vọng sẽ tạo một "cú huých" mới cho kênh bancassurance khi thông tin thoái vốn tại liên doanh bảo hiểm VCLI đang râm ran trên thị trường. Hiện tại, VCLI có 2 cổ đông chính là Vietcombank nắm giữ 45% vốn và BNP Paribas Cardif sở hữu 55% vốn.
“Điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn khi tham gia vào thương vụ mua cổ phần của liên doanh này chính là được sở hữu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng của Vietcombank. Đây là cơ hội khó có thể bỏ qua nếu việc thoái vốn tại VCLI thực sự diễn ra”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhìn nhận, kênh bancassurance đang bước vào "thời kỳ huy hoàng" vì đây là thời điểm các thương vụ lớn đã ký kết từ năm trước bắt đầu được đẩy mạnh khai thác. Doanh thu phí mới đến từ bancassurance và các kênh khác sẽ được tăng cường trong thời gian tới khi kênh đại lý bắt đầu tái cấu trúc và điều chỉnh tốc độ tăng trưởng.