Sau phí, đấy là lý do chính vì sao các quỹ đầu tư cổ phiếu theo trường phái chủ động lại thất bại trong việc chiến thắng các chỉ số thị trường. Giờ đây, các nhà nghiên cứu hành vi kinh tế lại đang cố gắng nghĩ ra cách giải quyết.
Hành vi bán luôn bị tác động xấu bởi một trong những tâm lý dị thường có tên gọi là “hiệu ứng ngược vị thế”. Được xác định lần đầu tiên vào năm 1985, “hiệu ứng ngược vị thế” được Daniel Kahneman và Amos Tversky, hai người đã tạo nên công trình đoạt giải Nobel Kinh tế, đưa ra để diễn tả một tâm lý phổ biến của nhà đầu tư là nắm giữ cổ phiếu lỗ quá lâu và bán cổ phiếu lời quá sớm. Bán khi cổ phiếu đang lỗ đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại, và hiện thực hóa thất bại đó mãi mãi.
Các thí nghiệm của họ cho thấy, con người sẵn lòng nhận lấy các rủi ro lớn hơn nhiều để tránh lỗ hơn là nhận rủi ro để tăng lợi nhuận. Ngay cả nếu độ rủi ro bằng nhau, những nỗ lực để tránh lỗ sẽ xóa đi tất cả.
Bi quan là cần thiết
Phân tích từng hành vi mua và bán của các nhà quản lý quỹ chủ động đã cho thấy những bằng chứng rõ ràng của “hiệu ứng ngược vị thế”. Inalytics, một nhóm nghiên cứu đầu tư ở London, đã phân tách các hiệu ứng của 45.000 giao dịch đã được thực hiện bởi một nhóm các quỹ hưu trí trong khoảng thời gian từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2006. Các quyết định mua đã tăng lợi nhuận trung bình so với các chỉ số tham chiếu tương ứng khoảng 0,47 điểm phần trăm - có nghĩa là những cổ phiếu mà các nhà giao dịch chọn đã tăng được thêm chút ít giá trị cho các khách hàng, ít nhất là trước khi trừ phí. Nhưng các quyết định bán lại đem lại kết quả thấp hơn 0,94 điểm phần trăm so với các chỉ số tham chiếu tương ứng, gấp đôi phần lợi ích tăng thêm nói trên.
Rick Di Mascio, CEO của Inalytics, nhận xét rằng, tâm lý ghét lỗ là phổ biến - và những người bán giỏi là những “của hiếm” và không hề hợp với cả cộng đồng quản lý quỹ nói chung. Ông nhận xét thêm: “Họ có xu hướng hoài nghi, bi quan, và luôn luôn kiếm tìm các vấn đề tiềm ẩn nấp trong góc rẽ tiếp theo”.
Ít có những người có những tố chất như trên. Một nhà quản lý quỹ thành công cần tưởng tượng ra được thành công trước khi điều đó xảy ra, và cần nhiệt huyết để bán các ý tưởng và lựa chọn cổ phiếu cho các khách hàng tiềm năng. Di Mascio nói rằng không ngạc nhiên khi ít có những người ra quyết định bán tốt ở các quỹ đầu tư. Hơn nữa, năng lượng thường được dồn hết vào việc chọn cổ phiếu nào để mua. Những bài báo thường dành trang cho những nhà đầu tư nói về những khoản mua thông minh nhất của họ gần đây. Việc bán lại không thu hút được người đọc như thế.
Chân dung về một nhà quản lý quỹ chủ động giỏi như vậy bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh việc phải có sự tự tin lớn, họ phải biết dẹp bỏ những tâm lý khiến việc bán trở nên khó khăn hơn việc mua.
Làm thế nào để dẹp bỏ?
Có một cách tiếp cận của Tom Howard đang làm việc tại AthenaInvest. Người này không ghi chép lại giá mà ông đã mua các cổ phiếu. Một khi cổ phiếu đã vào vị thế, giá mua không còn quan trọng, ông nói. Nếu cổ phiếu đó có triển vọng tương lai tốt so với giá hiện tại, cổ phiếu đó nên được giữ - kể cả nếu điều đó có nghĩa là bỏ qua cơ hội chốt lời. Nếu cổ phiếu có vẻ sẽ giảm giá, cổ phiếu đó nên bán – kể cả nếu nó có nghĩa là hiện thực hóa khoản lỗ.
Cách làm của Howard đã đem lại cho quỹ đầu tư của ông khoản lợi nhuận lớn trong cả thập kỷ - mặc dù 10 năm cũng chưa phải là đủ dài để đánh giá. Lợi nhuận hàng năm của quỹ trong 10 năm qua đạt 16,2%, so với mức tăng trung bình 8,5%/năm của chỉ số tham chiếu Russell 2000. Trong đó có những năm quỹ tăng rất mạnh - tăng 66,6% so với mức tăng 38,8% của Russell 2000 và có những năm thấp hơn một cách tồi tệ. Năm 2012, quỹ đã giảm 4% trong khi Russell 2000 tăng 16,3%.
Nhưng Di Mascio của Inalytics lại khuyên rằng, việc bỏ ghi nhận giá mua sẽ rất dễ dẫn tới việc phá hỏng kỷ luật bán. Khi mà đó là “gót chân A-sin” của các nhà quản lý quỹ chủ động, bất cứ một phương thức nào để giải quyết cũng đều phải được cân nhắc thận trọng.