Bàn tròn chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, sau đà tăng tốt, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng tích trong năm 2018.
Bàn tròn chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực

Tuần qua, trong khi dòng tiền trong nước có dấu hiệu sụt giảm thì khối ngoại lại liên tục mua ròng. Với sự tương sức của khối ngoại, VN-Index thể đạt được mục tiêu chinh phục đỉnh 1.000 điểm trong tuần cuối cùng của năm 2017 không, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Thị trường sau nhịp điều chỉnh đã trở lại xu hướng tăng ổn định và gần sắp trở lại mốc đỉnh cao nhất. Đặc biệt, sau đợt thoái vốn một số doanh nghiệp nhà nước và kỳ review ETF cũng như động thái điều chỉnh lãi suất của FED, hầu như không tác động đáng kể đến thị trường trong nước.

Dòng tiền sau giai đoạn ngắn thu hẹp do áp lực margin cũng đang quay trở lại.

Bàn tròn chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực ảnh 1

 Ông Nguyễn Hồng Khanh.

Việc khối ngoại liên tục mua ròng trong vài phiên vừa qua cho thấy thị trường vẫn còn sức hấp dẫn dù các yếu tố định giá của nhóm blue chip đang ở mức khá cao.

Tôi cho rằng, các yếu tố vĩ mô tăng trưởng ổn định hỗ trợ cùng sự kỳ vọng thúc đẩy thị trường phát triển để nâng hạng năm sau là yếu tố chính góp sức đẩy chỉ số index sớm vượt mốc 1.000 lịch sử.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

Theo nhận định của tôi, thị trường trong tuần cuối cùng của năm 2017 sẽ khó có chinh phục mốc

1.000 điểm. Mặc dù xu hướng tăng trong trung hạn vẫn được duy trì, trong ngắn hạn chỉ số có thể sẽ gặp hạn chế về dòng tiền.

Cụ thể, hạn mức margin sẽ ít có khả năng được cải thiện khi các ngân hàng thương mại lớn đã đạt giới hạn tăng trưởng tín dụng trong 2017.

Chúng tôi kỳ vọng, trong quý I/2018, khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần được công bố cũng như tín dụng tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sẽ tiếp tục có động lực để chinh phục các đỉnh cao mới.

Ông Ngô Quốc Hưng, phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank

Thị trường đã có một tuần giao dịch khá tích cực nếu nhìn vào mức tăng 2,1% của VN-Index cho cả 5 phiên. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn mức tăng này là của phiên đầu tuần với sự hứng khởi từ kết quả đấu giá Sabeco (HOSE: SAB), cả 4 phiên sau đó thị trường hầu như chỉ đi ngang.

Giá trị giao dịch (khớp lệnh) bình quân phiên tuần này đạt 4.300 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với tuần trước đó với 4.100 tỷ đồng. Điều đáng nói là dòng tiền lại đang có dấu hiệu thu hẹp theo chiều hướng giảm về những phiên cuối tuần, từ mức cực kỳ hưng phấn phiên đầu tuần với 5.600 tỷ đồng thì phiên cuối tuần chỉ còn 3.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài khá sôi động với lượng mua bán tăng mạnh (chiếm 22,72% giá trị mua và 19,35% giá trị bán so với toàn thị trường) mà tác nhân chính đến từ thỏa thuận đột biến cổ phiếu lớn VNM trong phiên cuối tuần. Tính chung, cho cả tuần trên HOSE họ mua ròng 973 tỷ đồng, đây là kết quả khá tích cực nếu so với tuần trươc đó họ bán ròng 494 tỷ đồng và giao dịch mua bán chỉ chiếm lần lượt là 14% và 16% so với toàn thị trường.

Như vậy, tiền vẫn đủ lớn tham gia vào thị trường nhưng giao dịch chậm và thận trọng, điều này hay gặp ở những giai đoạn thị trường giao dịch tích lũy, mặt khác thị trường giai đoạn này cũng chỉ được xem là đang ở nhịp hồi mang tính kỹ thuật, thị trường đã có một đỉnh ngắn hạn, chỉ số đang hướng đến đỉnh cao cũ nhưng để vượt đỉnh ở thời điểm hiện tại là không dễ, các cổ phiếu trụ đang ở gần đỉnh hoặc đang trong quá trình retest đỉnh, trong khi thông tin hỗ trợ chưa xuất hiện.

Tóm lại, thị trường đang thiếu động lực để bứt phá và có tâm lý “câu giờ” như những phút cuối của một trận bóng đá, rất nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường tiếp tục ghi điểm để chinh phục đỉnh 1.000 điểm, tuy nhiên các cầu thủ trên sân lại bị thôi thúc bởi cảnh hân hoan tận hưởng thành quả của một năm tăng trưởng ngoạn mục sau 8 năm mới có, do vậy xác suất để đạt được mục tiêu là rất thấp (20% khả năng thành công).

Còn đúng 1 tuần nữa là thị trường chứng khoán sẽ khép lại một năm cực kỳ thành công, thậm chí ở cấp độ toàn cầu, hành trình “phá đảo” của VN-Index sẽ tiếp tục, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình vị thế đón nhận thời khắc thị trường vượt đỉnh cách đây 10 năm và hơn thế nữa vào năm sau.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là VCB đã có vai trò rất lớn trong việc giữ nhịp tăng cho thị trường trong những phiên cuối tuần qua. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm này, đặc biệt là khi cổ phiếu ngân hàng đã trải qua một chu kỳ tăng?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Nhóm ngân hàng đang là nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất sàn niêm yết và là nhóm ngành có sức ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh kinh tế. Năm sau là cao điểm của các ngân hàng niêm yết lên sàn và tăng cường nâng vốn đáp ứng chuẩn Basel 2 cùng với việc xử lý nợ xấu.

Dù thị trường sẽ nhận dòng vốn lớn niêm yết từ phía các ngân hàng niêm yết mới, nhưng sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng rất lớn từ cả dòng vốn nội lẫn ngoại. Khá nhiều ngân hàng đã có đợt tăng khá, nhưng tôi cho rằng, năm sau nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm ngành quan trọng dẫn dắt thị trường.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

Theo nhận định của tôi, đà tăng của chỉ số trong giai đoạn vừa luôn được dẫn dắt bởi các nhóm ngành, trong đó nhóm ngành ngân hàng đã có đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của chỉ số.

Bàn tròn chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực ảnh 2

 Ông Trần Anh Tuấn.

Trong năm 2018, chúng tôi nhận định triển vọng của nhóm ngành ngân hàng vẫn sẽ tích cực bởi các nguyên nhân sau:

(1) Kết quả kinh doanh khả quan nhờ tăng trưởng tín dụng, tập trung vào xu hướng tín dụng bán lẻ giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro và gia tăng biên lợi nhuận;

(2) Quá trình xử lý nợ xấu khả quan nhờ sự hỗ trợ từ chính sách và nỗ lực của chính ngành ngân hàng;

(3) Hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo kỳ vọng cho thị trường về hệ thống ngân hàng đã được lành mạnh hoá và tăng trưởng thực chất.

Ông Ngô Quốc Hưng, phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank

Như đã phân tích, thị trường đang thiếu động lực để bứt phá trong bối cảnh dòng tiền bị thu hẹp và các cổ phiếu trụ không có sự đồng thuận cao. Mặt khác, thị trường cũng không thể cứ kể một câu chuyện mãi được, cần phải có câu chuyện mới để làm động lực cho thị trường bứt phá và nhóm ngân hàng đang là một trong những nhân tố mới có thể giúp giữ nhịp thị trường và giúp chỉ số bay cao hơn.

Đối với nhóm ngân hàng, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ 'ổn định' lên 'tích cực' ngày 31/10/2017 vừa qua, phản ảnh kịp thời những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam thời gian gần đây cũng như sự kỳ vọng vào triển vọng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo hành lang thông thoáng, xử lý dứt điểm “cục máu đông” đã kéo dài nhiều năm qua được đánh giá là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường tài chính – ngân hàng trong năm 2017-2018.

Về thị trường, thương vụ IPO lớn thứ 2 trong hệ thống ngân hàng của HDBank với 300 triệu USD chỉ sau quy mô 463 triệu USD mà Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) hồi 2007, cùng với “sóng” OTC của cổ phiếu ngân hàng, được kỳ vọng sẽ là nhóm cổ phiếu tiềm năng “đáng để đầu tư” nhất năm 2018.

Trở lại câu chuyện của SAB, diễn biến giao dịch của SAB là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây, đặc biệt là SAB liên tục sụt giảm sau thương vụ đấu giá thành công. Ông/bà có thể cắt nghĩa như thế nào về hiện tượng này, cũng như tác động của SAB đối với diễn biến của thị trường và chỉ số?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Về vốn hóa, SAB dĩ nhiên nằm trong top đầu ảnh hưởng chỉ số index của thị trường. Việc chỉ có một lượng nhỏ cổ phiếu SAB floating dễ dẫn đến việc tiết cung gây nên hiện đẩy giá khi thị trường kỳ vọng giá SAB sẽ tăng mạnh khi nhà nước thoái vốn.

Sau khi thương vụ thoái vốn thành công, thì giá SAB dĩ nhiên sẽ không còn nhiều lý do để tăng mạnh mà sẽ trở về đúng giá trị cổ phiếu. Dù sao thì với một doanh nghiệp dẫn đầu ngành như SAB, thì sự điều chỉnh sẽ không kéo dài quá lâu và giá sẽ trở lại trên 250.000 đồng.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

Thành công của thương vụ đầu giá cổ phiếu SAB của Bộ Công thương đã tạo kỳ vọng tích cực về quá trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác và theo đó, giúp chỉ số tăng khá trong tuần vừa qua.

Chúng tôi nhận định, thị giá của cổ phiếu SAB sẽ điều chỉnh nhằm phản ảnh kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 2018.

Mặc dù thị trường đang kỳ vọng vào những thay đổi tích cực của doanh nghiệp khi ThaiBev tham gia bộ máy quản trị doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, quá trình trên sẽ đòi hỏi khoảng thời gian vài năm để có thể thực sự phản ánh vào kết quả kinh doanh của SAB.

Bên cạnh đó, bất chấp đà giảm tại cổ phiếu này, chỉ số vẫn sẽ nằm trong xu hướng tăng với sự luân phiên dẫn dắt của các nhóm ngành như ngân hàng và dầu khí.

Ông Ngô Quốc Hưng, phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank

Với việc bán hết cổ phần của đợt đấu giá có thể xem là thành công, nhưng SAB lại có 1 tuần sụt giảm tới 18,8%, hai phiên cuối tuần nhà đầu tư bắt đáy SAB khá mạnh là những diễn biến chính của cổ phiếu này trong tuần vừa qua.

Bàn tròn chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng tích cực ảnh 3

Ông Ngô Quốc Hưng.

Được cả giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, việc SAB liên tục sụt giảm sau thương vụ đấu giá thành công chính là điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường tuần qua. Tôi cho rằng, việc SAB giảm trong thời gian vừa qua là hoàn toàn bình thường, các nguyên nhân có thể là:

Thứ nhất, cổ phiếu này đã tăng 76% so với hồi cuối năm ngoái, đưa SAB là một trong những cổ phiếu trụ đánh bại thị trường trong năm nay (VN-Index tăng hơn 40%), do vậy thành quả là rất lớn nếu các nhà đầu tư chốt ở mức giá này.

Thứ hai, thời điểm này đang là giai đoạn các quỹ, các tổ chức chốt NAV và cơ cấu danh mục đầu tư cho năm tài chính mới nên việc SAB bị bán ra cũng có thể do hoạt động tái cơ cấu danh mục và cuối cùng, với những tổ chức (trong đó có Heineken) hoặc quỹ đầu tư đang nắm giữ số lượng nhỏ họ cũng có thể bán ra khi có sự góp mặt của “ông kẹ” ThaiBev hiện đã nắm quyền kiểm soát.

Về tác động của SAB đối với diễn biến của thị trường và chỉ số: một câu hỏi mà đa số các nhà đầu tư quan tâm đến SAB và thị trường có thể đặt ra là cổ phiếu này đã chạm đáy hay chưa? Với một cổ phiếu như SAB, lượng cổ phiếu có thể trading là rất ít (khoảng hơn 3 triệu đơn vị). Nhưng nếu quan sát giao dịch của SAB sau thương vụ đấu giá thành công thì chúng ta có thể thấy, lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu này nằm ở mức khoảng 350.000 đơn vị/phiên, đây là mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết. Đó là một dấu hiệu đáng chú ý, càng phải chú ý hơn khi lượng bán này lại chủ yếu đến từ giao dịch của khối ngoại, kịch bản không ngồi cùng mâm của các tổ chức và các quỹ với “ông kẹ” ThaiBev có thể xảy ra. Vì vậy việc sụt giảm tới 18,8% chưa có gì đảm bảo giá SAB đã chạm đáy hay chưa.

Đối với thị trường, việc thị trường có những phiên giảm điểm trong tuần vừa qua không hoàn toàn đến từ SAB, “cô đi lấy chồng thì chợ vẫn đông”, thị trường sẽ nhanh chóng quên câu chuyện SAB để kể một câu chuyện khác làm động lực cho hành trình chinh phục đỉnh lịch sử và còn cao hơn nữa.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục