Bàn tròn chứng khoán: Có nên thay đổi chiến lược lướt sóng?

(ĐTCK) Tuần qua, các mã dẫn dắt có phần yếu đi cùng dòng tiền chững lại khiến thị trường giao dịch thiếu tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chạy mạnh vào nhóm penny, giúp nhiều mã trong nhóm này tăng mạnh. Liệu nhà đầu tư có nên thay đổi chiến lược lướt sóng sang nhóm cổ phiếu khác. Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.
Bàn tròn chứng khoán: Có nên thay đổi chiến lược lướt sóng?

Sau phiên điều chỉnh giảm nhẹ ngày 14/7 với áp lực bán có phần gia tăng, theo các ông/bà, trong ngắn hạn, những yếu tố nào đang tác động đến thị trường cũng như xác suất điều chỉnh của thị trường trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank-KimEng 

Theo tôi, các yếu tố có thể tác động đến thị trường là thanh khoản thấp so với những tháng trước; vùng đỉnh cũ 780 và mốc tâm lý 800 điểm đang ở gần; khối ngoại dù vẫn mua ròng về mặt giá trị, nhưng yếu hơn, đồng thời có 3 phiên bán ròng về mặt khối lượng.

Ngoài ra, quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế và báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và 6 tháng đầu năm, cũng tác động tới thị trường.

Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác đều không nổi bật bằng chứng khoán trong năm nay. 

Một yếu tố nữa là thị trường chứng khoán thế giới vẫn tích cực trong bối cảnh USD giảm mạnh và dầu tăng trở lại..., hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Về khả năng điều chỉnh của thị trường, theo tôi là có thể trong bối cảnh dòng tiền có phần chững lại, các mã dẫn dắt thị trường cũng yếu đi trông thấy. Tuy nhiên, việc điều chỉnh về ngắn hạn, mang tính kỹ thuật nhiều hơn là thay đổi xu hướng tăng giá từ đầu năm.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Hiện tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn không có sự thay đổi so với phiên trước đó. VN-Index vẫn duy trì tín hiệu Tích cực, trong khi đó tín hiệu của VN30 và HNX-Index đang ở mức Trung tính.

Khối lượng giao dịch hai sàn dù gia tăng trong phiên cuối tuần qua, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân nhiều phiên trước đó, cho thấy cả bên mua và bán cũng đang lưỡng lự và chưa có những phản ứng quyết liệt. Trong bối cảnh như vậy, các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tiếp tục chi phối diễn biến của VN-Index.

Dự báo, thị trường có thể tăng trở lại vào tuần tới, tiếp tục kịch bản tăng nhẹ và khối lượng không cao.

Sự phân hóa mạnh có thể diễn ra theo KQKD quý II và VN-Index vẫn có cơ hội tiến gần với ngưỡng cản trung hạn tại 790 điểm trước khi giảm trở lại.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt

Tôi nghĩ, sau 2 phiên suy giảm bất ngờ và không có lý do hợp lý là thứ Sáu (7/7) và thứ Hai (10/7), thì thị trường đã hồi lại phần nào. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại có vẻ e ngại tình trạng đó lại xảy ra, nhất là vào các phiên chiều.

Về kỹ thuật, đang có những tín hiệu điều chỉnh ở nhiều mã lớn, nhất là khi thông tin về kết quả quý II đã ra và do đó có thể tác động lên VN-Index.

Bàn tròn chứng khoán: Có nên thay đổi chiến lược lướt sóng? ảnh 1

Ông Hoàng Thạch Lân 

Giao dịch khối ngoại tuần qua cũng là một điểm đáng lưu ý. Họ vẫn mua ròng về tổng thể, nhưng ở một số mã lớn, tại một số thời điểm nhất định lại bán ròng rất mạnh, khiến giá cổ phiếu đó giảm và lan tỏa sang cả index khiến chỉ số giảm, rồi các cổ phiếu khác lại cũng giảm theo chỉ số. Do đó, cần lưu ý đến những cổ phiếu đang bị bán ròng gần đây.

Khá nhiều cổ phiếu đã tăng vượt đỉnh, P/E cũng đã lên mức rất cao. Liệu điều đó có tác động đến cầu mua của thị trường trong tuần tới không, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank-KimEng 

Ảnh hưởng tác động là có, giá cao cũng sẽ làm các nhà đầu tư e ngại, chưa kể các cổ phiếu này còn được trợ lực bởi margin cũng sẽ khiến sự e dè nhiều hơn.

Làn sóng penny chạy mạnh trong những tuần vừa qua cũng cho thấy điều này là có cơ sở khi dòng tiền chảy vào penny vốn có thị giá thấp và hầu như các mã này không có margin.

Xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong những tuần tiếp theo, các bluechip mới chủ yếu duy trì các dòng tiền cũ do sự lo ngại trên. Tuy nhiên, những penny vẫn nhận thêm dòng tiền mới do những phân tích trên và tiếp tục nổi sóng.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Như phân tích ở trên, tôi nghĩ rằng, cầu mua của thị trường cũng bị tác động ít nhiều. Điều này có thể thấy giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài giảm về khối lượng và tỷ trọng.

Bàn tròn chứng khoán: Có nên thay đổi chiến lược lướt sóng? ảnh 2

 Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Lực cầu của nhà đầu tư trong nước cũng đang lưỡng lự, dẫn đến lực cầu chung vẫn ở mức tương đối thấp.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt

Tôi nghĩ còn tùy. Nhiều mã lớn có P/E trên 20, thậm chí 30 nhưng vì đang có thông tin tốt hỗ trợ, hay đang có sóng thì nhiều người vẫn mua.

Bây giờ nếu cứ chỉ nói rằng P/E cao chỉ phù hợp với những cổ phiếu tăng trưởng cao thì sẽ chả mấy ai nghe, bởi nhiều mã đơn giản là đã trải qua giai đoạn khó khăn, EPS thấp, giờ có khả năng phục hồi thì giá và P/E “đi trước” EPS là chuyện thường. Ví dụ như HAG, ITA hay nhiều mã thị giá thấp khác.

Số cổ phiếu đó tôi nghĩ nhiều hơn số cổ phiếu đang tăng trưởng nóng trong hoạt động sản xuất kinh doanh (dạng MWG, PNJ…).

Do đó, tôi không nghĩ nhà đầu tư sẽ chuyển sang những cổ phiếu có P/E thấp hơn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư họ còn không quan tâm đến P/E nữa.

Tuy nhiên, kỳ vọng gì thì vẫn cần thời gian chứng minh. Không ít trường hợp cho thấy nhà đầu tư vì quá tin nên bị lãnh đạo doanh nghiệp thổi phồng chuyện làm ăn và lợi nhuận. Do đó, tôi vẫn thiên về lối đầu tư an toàn, tức là nếu gặp loại đang kinh doanh tốt, tăng trưởng nóng thì chấp nhận đầu tư ở P/E cao.

Còn nếu P/E cao nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi, kiểu như lợi nhuận bỗng nhiên “rơi xuống đầu” doanh nghiệp thì chờ cụ thể báo cáo tài chính ra sao đã, xem họ lãi vì mảng kinh doanh cốt lõi hay nhờ chiêu trò tài chính, còn nếu đặt lệnh ngay thì chỉ là lướt sóng mà thôi. 

Lựa chọn hướng dịch chuyển tiền từ những cổ phiếu đã tăng mạnh và sang những cổ phiếu tăng giá ít hơn có phải là chiến lược đầu tư phù hợp ở giai đoạn hiện tại, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank-KimEng

Đó không phải là một sự lựa chọn tốt, vì những cổ phiếu tăng giá ít hơn đôi khi đồng nghĩa với việc không hút được dòng tiền, tiềm năng thấp hơn và có thể giảm giá trở lại nhanh hơn.

Bàn tròn chứng khoán: Có nên thay đổi chiến lược lướt sóng? ảnh 3

 Ông Phan Dũng Khánh

Tuy nhiên, các cổ phiếu tiềm năng hút được dòng tiền trong thời gian tới hoặc vẫn đang nhận được sự quan tâm của dòng tiền mới là những cổ phiếu sẽ và vẫn tiếp tục đà tăng giá để mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Điều mà hiện nay nhóm PNs đang làm tốt nhất trong giai đoạn này khi thị trường chứng kiến mức tăng bằng lần của nhóm này chỉ trong thời gian ngắn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt

Chiến lược phù hợp, theo tôi là lựa chọn các cổ phiếu dự kiến có kết quả lợi nhuận nửa năm tốt hoặc có kich bản về tăng trưởng, chứ không phải chọn những cổ phiếu đã tăng mạnh sang những cổ phiếu ít tăng giá hơn, vì hàm chứa các rủi ro nhất định.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt

Tôi nghĩ có thể. Thực ra trong câu hỏi này nếu thay từ “đầu tư” bằng từ “lướt sóng” thì phù hợp hơn.

Tăng mạnh thường sẽ gặp ngưỡng kháng cự mạnh, do đó dễ có khả năng điều chỉnh, thậm chí đảo chiều nếu hết tin hỗ trợ. Tất nhiên có những cổ phiếu sau khi tăng mạnh lại đi ngang, bởi vì nó có thông tin về sản xuất kinh doanh hay tài chính hỗ trợ (lúc này đang là “mùa” công bố báo cáo tài chính quý II), khiến kỳ vọng được nâng lên mặt bằng mới, nhưng số này không thực sự nhiều. Tăng giá ít, nếu có những chỉ báo kỹ thuật hay tin tức hỗ trợ thì có nhiều khả năng tăng tiếp.

Hơn nữa, thị trường nói chung đang dễ gặp lại những ngày giao dịch bất ngờ suy giảm vào phiên chiều, do đó những ai đang lời ở cổ phiếu tăng giá mạnh sẽ thiên về xu hướng chốt lời, dẫn đến khả năng thua lỗ cho những người mua sau.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục