Bàn tròn chứng khoán: Chốt lời hay tiếp tục gom hàng?

(ĐTCK) Mặc dù thị trường có chút chững lại sau chuỗi ngày dài hồi phục tích cực, nhưng nhìn chung chứng khoán Việt đã có tháng 4 không tồi. Trong tuần tới, nhà đầu tư nên chốt lời hay để tiếp tục mua vào đợi sóng lớn hơn. Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Bàn tròn chứng khoán: Chốt lời hay tiếp tục gom hàng?

Tuần qua, thị trường giao dịch với biên độ biến động thấp hơn, thị trường đang lưỡng lự chờ xu thế mới sau chuỗi tăng mạnh trong thời gian dịch. Tuần sau chỉ có 3 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ, và sự “lừng khừng” này có tiếp diễn, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Sau giai đoạn tăng điểm trong hưng phấn với dòng vốn nội đổ mạnh vào thị trường, tôi nhận thấy thị trường đang bước vài giai đoạn phân hóa và dòng tiền chảy vào nhóm các ngành/cổ phiếu có câu chuyện riêng.

Kết quả kinh doanh quý I cũng như số liệu kinh tế tháng 4 sẽ có công bố hết trong tuần tới, khi đó tác động thực của đại dịch sẽ thẩm thấu vào thị trường. Mặc dù vậy, khả năng trong tuần tới thị trường sẽ tiếp tục xu thế đi ngang là chủ đạo, vẫn sẽ có những nhóm cổ phiếu giảm mạnh bên cạnh những nhóm tăng mạnh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI) 

Vẫn còn đó diễn biến khó lường từ đại dịch - ảnh hưởng của Covid 19 lên kinh tế thế giới, Kinh tế Việt Nam. Kinh tế vĩ mô Việt Nam có thể có những con số tiêu cực trong quý II, khối ngoại bán ròng trong các tháng gần đây là điều khiến TTCK sẽ gặp khó khi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn yếu.

Diễn biến TTCK trong tháng 4 đang phát đi những tín hiệu tích cực hơn - Dòng tiền nội, dòng tiền mới đang khá mạnh - những biện pháp hạn chế sự lây nhiễm tại Việt Nam đang phát huy tác dụng - những sự khởi sắc đến từ kinh tế vĩ mô cũng sẽ khiến niềm tin nhà đầu tư quay trở lại.

Nhìn chung, tôi đánh giá diễn biến thị trường trước kỳ nghỉ sẽ là khá tốt - thị trường vẫn có khả năng tăng điểm hướng tới khu vực kháng cự 800 - 850 điểm. Nỗ lực tăng điểm của VN-Index có thể được tiếp tục trong trong các phiên tuần tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường đã có đỉnh ngắn hạn về cả chỉ số và thanh khoản, với tuần điều chỉnh đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình đang gặp áp lực chốt lời và dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ. Do vậy, thị trường trong tuần sau nhiều khả năng sẽ đi vào phân hóa, chỉ số sẽ dao động trong biên độ hẹp trong khi mặt bằng cổ phiếu vẫn có mức tăng tốt.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số sẽ dao động trong xung quanh ngưỡng 760 điểm và tạo một vùng đáy sau cao hơn vùng đáy trước (650 điểm). Xu hướng tăng mới được xác định khi thị trường vượt qua đỉnh ngắn hạn vừa qua, mục tiêu của sóng tăng mới là vùng 800 điểm nới có sự góp mặt của đường trung bình 50 ngày (MA50).

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Ông Nguyễn Thế Minh

Chỉ số VN-Index đang đối mặt với vùng kháng cự mạnh 778 – 810 điểm và áp lực bán cũng đang dần gia tăng, nhất là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm cổ phiếu này vừa mới công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 không khả quan.

Tôi cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ chưa thể vượt qua được vùng kháng cự này trong ngắn hạn và tiếp tục biến động hẹp trong tuần tới.

Về tổng thể, TTCK Việt Nam đã có một tháng 4 không tồi, lấy lại được một phần mất mát trong tháng 3. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng chung của thị trường trong tháng 5 khi ngạn ngữ “bán tháng 5 và đi chơi” dần không còn ý nghĩa với thị trường?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Khả năng “đi chơi” sẽ thấp hơn do đại dịch vẫn còn đó, dòng tiền dù ít thì hay nhiều cũng khó đổ mạnh vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc giải trí và có thể tích tụ tại chứng khoán.

Hiện xu thế ngắn hạn khó đoán định, nhưng tôi cho rằng cần thận trọng trong giai đoạn này khi chúng ta vẫn chưa biết đại dịch sẽ đi tới đâu, trong khi giá cổ phiếu đã tăng lại một cách tương đối trong tháng 4.

Theo tôi, các thông tin về tiến trình kiểm soát đại dịch trên thế giới, thông tin về thuốc đặc trị, cùng những thông tin về “làn sóng thứ 2” của virus mạnh mẽ ra sao sẽ tác động chủ yếu tới thị trường giai đoạn này. Thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục hồi phục mạnh, hoặc quay lại về vùng đáy cũ, với xác suất mỗi kịch bản là 50%.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI) 

Tháng 4 có thể được coi là tháng hồi phục của thị trường sau quá trình giảm điểm mạnh của thị trường trong tháng 2 và 3. Điều này có thể nói rằng, sự nhất quán trong việc điều hành kinh tế, sự kiểm soát bệnh dịch của Chính phủ, các bộ ban ngành, các cơ quan quản lý, sự nghiêm túc thực hiện các quy định từ phía người dân.

Ông Lê Đức Khánh

Ngoài ra, tiềm năng hồi phục hậu Covid 19 là rất lớn - các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB... đều đánh giá cao Việt Nam về khả năng phục hồi mạnh sau khi dịch Covid 19 qua đi hơn cả các nước trong khu vực. Việt Nam cũng hoàn toàn tự tin về khả năng tăng trưởng mạnh giai đoạn cuối 2020 - 2021.

Như vậy, việc liên tiếp trong nhiều ngày không có các ca bệnh mới, giãn cách xã hội đã được nới lỏng và dần trở lại bình thường. Có lẽ tháng 5 sẽ lại là tháng TTCK tăng tốc khi các hoạt động kinh tế, sản xuất công nghiệp, khoa học , công nghiệp lại quay trở lại bình thường. Niềm tin của thị trường sẽ lại trở lại mạnh mẽ.

Hơn nữa, Sell In May and Go away chưa bao giờ được coi là hiệu ứng bất thường mạnh - theo số liệu thống kê trên TTCK Việt Nam thì là hiệu ứng yếu - tháng năm sẽ là tháng khởi sắc của TTCK Việt Nam mặc dù về lý thuyết theo phương pháp điếm sóng Elliot - VN-Index vẫn còn 1 nhịp điều chỉnh lớn về mức đáy sâu nhưng có lẽ tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong nước sẽ có thể "bẻ trend" điều chỉnh của thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Năm nay có thể là năm đặc biệt, các nhà kinh tế đang chạy mô hình dịch bệnh trong khi các nhà dịch tễ điều hành nền kinh tế!!!

Nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2021 là một trong những lý do thị trường chứng khoán tỏ ra khá bình tĩnh trước những biến động gần đây bất chấp thị trường dầu mỏ chao đảo dữ dội, bên cạnh đó là các thông điệp suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Vẫn có rất nhiều nhà đầu tư hiện tại đang đồng ý quan điểm nền kinh tế báo hiệu sự suy giảm lớn hơn nhiều so với định giá các cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 cho tới nay, nhiều thị trường đã có mức phục hồi đáng ngạc nhiên, điều mà trước đó hầu như không ai dự đoán được sự hồi hình chữ V trong thị trường chứng khoán.

Tháng 5 là thời điểm tái mở cửa kinh tế ở nhiều quốc gia và đỉnh dịch covid-19 dường như đã ở lại phía sau do vậy các thị trường sẽ có phản ứng tích cực với triển vọng dịch bệnh sẽ được kiềm chế cũng như kỳ vọng về thuốc điều trị covid-19. Về kỹ thuật, tháng 5 có thể thị trường sẽ bước vào sóng tăng mới sau khi đã tạo đáy sau cao hơn đáy trước.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Tôi cho rằng, xu hướng trung hạn đã được năng lên mức TĂNG, điều này có nghĩa là đà tăng có thể sẽ còn tiếp diễn trong tháng 05/2020.

Có thể thấy, bức tranh thị trường hiện tại là hai hình ảnh đối lập nhau rất rõ rệt. Một mặt là sự lo lắng, hoài nghi trong khi mặt kia lại tham lam không thể kìm nén khi thị trường bùng nổ. Dù vậy, dòng tiền đầu cơ chảy mạnh đã tiếp sức cho nhiều mã thị giá vừa và nhỏ nổi sóng. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ (nếu có, đâu là mã cụ thể) ở thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Ông Nguyễn Anh Khoa

Lịch sử cho thấy trong các chu kỳ khủng hoảng/suy thoái, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hầu hết đều khó có thể đứng vững. Hiện khả năng suy thoái trên thế giới là điều chắc chắn, trong khi cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ ở Việt Nam.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ khó có thể tăng trưởng bền vững trong trung, dài hạn. Cơ hội đối với nhóm này khá thấp, theo tôi nếu có thì sẽ tới từ các cổ phiếu thuộc các ngành hưởng lợi hoặc ít ảnh hưởng như phân đạm, điện, cấp thoát nước.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI) 

Làn sóng rút vốn của khối ngoại từ các nền kinh tế đang phát triển cũng khá đáng lo ngại. Có lẽ dòng vốn nước ngoài rút ra từ việc các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục hoặc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đã và đang đe dọa đến khả năng tăng giá của các cổ phiếu lớn đặc biệt là các cổ phiếu nhóm VN30.

Nếu khối ngoại bán mạnh liên tục tháng 2, 3 và 4 thì khối nội là mua mạnh mẽ, dòng tiền mới nổi, hay số lượng tài khoản mở mới thông qua các CTCK trong nước là những điểm cộng. Thực tế đang cho thấy tiềm năng phát triển số lượng các nhà đầu tư trong nước còn lớn - nguồn tiền nhàn rỗi ở Việt Nam còn nhiều - cũng theo đúng phương châm của cổ phiếu phát triển bằng nội lực - thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, số lượng nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nội địa sẽ sớm được coi là lực đỡ quan trọng hơn bất chấp diễn biến giao dịch của khối ngoại như thế nào đi nữa.

Đương nhiên, việc thị trường đi ngang hoặc hồi phục sau khi tạo đáy thì ngoài các cổ phiếu lớn tăng điểm mang tính dẫn dắt thì còn những cổ phiếu vừa và nhỏ "ăn theo" đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ nhạy với biến động của VN-Index.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ được đánh giá có những lợi thế ít nhiều liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển của Chính phủ, kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ, một số dự án bất động sản được đẩy mạnh được phân phối bên cạnh các chính sách giãn thuế, giảm thuế, giảm nợ, giảm lãi suất điều hành... lãi suất cho vay.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó nhưng không phải không có doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng hoặc hưởng lợi từ biến cố Covid 19. Trong số các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút dòng tiền có thể kể đến các nhóm cổ phiếu cao su săm lốp DRC - CSM, nhóm xây dựng và vật liệu, bất động sản khu công nghiệp, nhựa, vận tải, phân bón, tiện ích, điện... như PVT, KSB, DRH, BWE, BTP, SZC, PHR....

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Như đã phân tích ở trên, ở thời điểm hiện tại thị trường đang đi vào vùng phân hóa khi các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình bị chốt lời sau chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp.

Dòng tiền theo đó đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ để tìm kiếm cơ hội, theo thống kê tuần vừa qua trong khi hầu hết các nhóm cổ phiếu gặp áp lực điều chỉnh thì nhóm smallcap vẫn tăng nhẹ 0,35% cùng với mức tăng 11,6% về thanh khoản, đây cũng là tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp của nhóm cổ phiếu này, do vậy về mặt kỹ thuật xu hướng tăng của nhóm này đang được củng cố.

Về cơ hội đầu tư, các cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu giảm (phân bón, hóa chất, nhựa, săm lốp…), hay các cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công (đá xây dựng, nhự đường, xi măng, thép...) hoặc các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sẽ là địa chỉ của dòng tiền.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Thị trường biến động hẹp thì dòng tiền sẽ rất dễ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và nhất là dòng tiền sẽ chủ yếu ở nhóm Midcaps và Smallcaps cho nên các nhà đầu tư cũng nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu của nhóm Midcaps và Smallcaps.

Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh gia tăng và nhiều cổ phiếu ở hai nhóm cổ phiếu này cũng đang tiệm cận các mức kháng cự ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng và chỉ nên chú vào các cổ phiếu mới xác lập đà tăng trong 1 – 2 phiên giao dịch gần đây sau giai đoạn tích lũy.

Nhà đầu tư đang tiếp tục được khuyến nghị tránh mua đuổi, chỉ trải lệnh ở các vùng giá thấp. Còn với ông/bà, đâu là chiến lược phù hợp?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Như tôi đã đánh giá thì thị trường hiện tại sẽ bước vào giai đoạn phân hóa, cùng với vào đó khả năng tăng mạnh lẫn giảm mạnh là xác suất ngang nhau. Chính vì vậy, chiến lược phù hợp giai đoạn hiện tại là trading ngắn hạn khi có sóng, đầu tư dài hạn hưởng cổ tức khi thị trường giảm điểm mạnh.

Đối với nhà đầu tư lướt sóng, cần đánh nhanh và ra nhanh khi có thông tin bất thường, giai đoạn hiện tại chỉ cần 1 cú trigger nào đó thì có thể kéo theo sự giảm điểm mạnh của thị trường và lấy đi thành quả của cả tháng qua. Việc giải ngân có thể canh tại các phiên khối ngoại giảm quy mô bán ròng < 100 tỷ/phiên và thị trường giảm điểm khoảng 5-10 điểm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Cho dù hiện nay có nhiều cơ hội do nhiều cổ phiếu giảm ở mức thấp, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách, giá trị tài sản ròng, nhưng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng kỹ lưỡng các cổ phiếu trước khi mua vào.

Chúng ta nên đầu tư với quan điểm dài hơn là giao dịch ngắn hạn bởi việc trading ngắn không dễ phù hợp với các nhà đầu tư mới và ít kinh nghiệm - hãy đầu tư vào các cổ phiếu chất lượng với mức giá bán hời đó là tiêu chí đầu tư xuyên suốt trong quá trình đầu tư.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Thị trường khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp nên nhà đầu tư tránh lướt sóng, chốt lời dần các danh mục cổ phiếu trading ngắn hạn, duy trì trạng thái thận trọng cũng như nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để. Hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng giá và sử dụng tỷ lệ margin cao, tuân thủ chặt chẽ quy tắc cắt lỗ để bảo toàn trạng thái tài khoản.

Nhà đầu tư trung hạn và dài hạn khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong phiên để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong cả năm sau khi dịch bệnh qua đi.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta 

Như tôi đã nhận định ở trên, chỉ số VN-Index đang đối mặt với vùng kháng cự mạnh cho nên các nhà đầu tư nên hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, cũng như hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng có thể thực hiện chiến lược chốt một phần danh mục ở nhịp tăng và chờ mua lại ở nhịp điều chỉnh.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục