Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể gọi là nhân tố giúp thị trường hồi phục trở lại. Theo các ông/bà, điều gì giúp dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là VCB?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Tôi nghĩ thị trường đang bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý III và nhóm ngân hàng có thể nói là được nhiều người tin rằng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Tất nhiên, cũng có những nhóm ngành khác cũng đạt tăng trưởng lợi nhuận như chứng khoán, cao su, sắt thép, xây dựng... Tuy nhiên, nếu kết hợp cả các biểu đồ kỹ thuật và thông lệ công bố sớm, thì nhóm ngân hàng đang có lợi thế về khả năng dẫn dắt chỉ số.
Ông Hoàng Thạch Lân
Đối với VCB, tôi nghĩ, ngoài chuyện ngân hàng này dự báo có kết quả lợi nhuận rất tích cực, còn một điều nữa là cổ phiếu này tăng giá gần như là ít nhất tính từ đầu năm, so với các "đồng nghiệp" có yếu tố quốc doanh khác.
Nói cách khác, người ta tin là một khi đi ngang lâu như thế, cổ phiếu này sẽ phải đến lúc tạo sóng. Tôi cũng có nghe nói đến một số tin đồn, nhưng không nghĩ là nó đúng, nên không đề cập ở đây.
Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược khách hàng cá nhân, CTCK MSI
Chính phủ vẫn theo đuổi chính sách mở rộng tăng trường tín dụng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trong hoàn cảnh sự đóng góp của ngành khai khoáng (dầu thô) bị ảnh hưởng bởi giá dầu.
GDP quý III tăng trưởng tốt khiến cho kỳ vọng của thị trường vào hiệu quả của chính sách này tiếp tục tăng. Với tư cách là ngành trung gian đưa tín dụng vào nền kinh tế, khả năng nhóm ngân hàng được hưởng lợi rất rõ ràng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều tích cực, chúng ta chỉ thấy các tên tuổi như VCB, CTG, MBB, ACB đóng góp vào sự phục hồi của thị trường. Trong đó, MBB và ACB vẫn đang là tâm điểm của các kỳ vọng về hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nợ xấu.
Trường hợp của VCB đặc biệt hơn. Đây là cổ phiếu “lạc lõng” trong xu hướng tăng giá từ đầu năm của nhóm ngân hàng, thậm chí “lạc lõng” với chính các cổ phiếu gần gũi như CTG và BID. Do đó, việc VCB tăng khá mạnh trong tuần qua có thể giải thích theo cả 2 lý do cổ phiếu chạy sau cùng của nhóm ngân hàng và VCB giấu lợi nhuận quá kỹ, đến quý III mới dần tiết lộ.
Dù thị trường ghi nhận tăng điểm nhưng thanh khoản vẫn đang ở mức rất thấp, điều này có đang lo lắng không? Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của dòng tiền margin trong giai đoạn này?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường lúc này không phải là giai đoạn mới tăng trưởng, nhà đầu tư còn nghi ngờ, mà đã tăng suốt cả năm nay, thậm chí tăng suốt 2 năm nay. Tuy nhiên, thanh khoản trong tháng 9 tự dưng giảm đáng kể so với khoảng 4 tháng trước đó.
Tôi nghĩ, thanh khoản là một chỉ báo kỹ thuật, thể hiện tâm lý do dự trong ngắn hạn. Ngoài ra, khối ngoại cũng bán ròng trên sàn HOSE lần đầu tiên trong tháng 9 này, cộng với tình hình thế giới có nhiều bất ổn, những điều này khiến nhà đầu tư đâm hoang mang, không biết liệu khối ngoại có rút tiền ra khỏi TTCK hay không. Rồi chuyện cắt giảm margin ở mã này, mã kia cũng gây e ngại cho nhà đầu tư, họ sợ công ty chứng khoán rút củi giữa chừng.
Bất chấp những chỉ báo đó, tôi cho rằng, điểm hỗ trợ lớn nhất cho thị trường hiện nay là chính sách nới lỏng tín dụng vẫn đang được duy trì. Không nói đến chuyện một phần tín dụng đang và sẽ còn "lạc trôi" vào chứng khoán, điều quan trọng là dòng tín dụng này sẽ tiếp tục giúp các nhóm ngành sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng cao vào các tháng cuối năm. Kết quả tăng trưởng GDP quý III, tôi nghĩ chính là 1 minh chứng cho điều đó.
Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược khách hàng cá nhân, CTCK MSI
Ông Đặng Thanh Thế
Thanh khoản thấp của thị trường lúc nào cũng là điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, sự phân hóa rất mạnh mẽ, lan đến từng cổ phiếu, từng nhóm ngành cho thấy vấn đề không quá nghiêm trọng.
Rủi ro đổ vỡ (toàn phần) thấp và rủi ro cục bộ (trong từng cổ phiếu, nhóm ngành), theo tôi, mới là vấn đề gây lo lắng nhất giai đoạn này. Trên cơ sở đó, mức độ ảnh hưởng của dòng tiền margin cũng bị phân hóa tương ứng.
Ngoài ra, dòng tiền margin còn phụ thuộc nhiều vào chính sách phân loại và quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán. Sự phân hóa quá mạnh của thị trường làm chúng ta có cơ sở để nhận định rằng quan điểm và chính sách quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán cũng có sự khác biệt lớn.
Liệu xu hướng này có tiếp diễn trong tuần tới và nếu ở góc độ đầu tư, theo các ông/bà, cần chọn chiến lược nào để có thể tối ưu hóa lợi nhuận?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Tôi nghĩ, có thể tình trạng sáng nắng chiều mưa (phiên sáng tăng phiên chiều giảm) còn xảy ra, nhưng tuần sau trở đi, lượng thông tin về kết quả quý III sẽ còn ra nhiều hơn, nhất là ở các mã vốn hóa lớn, bao gồm cả tin đồn lẫn chính thức, sẽ là yếu tố chính hỗ trợ thị trường.
Thêm vào đó, tác dụng từ chính sách nới lỏng tín dụng mà tôi nói ở trên. Tiền margin nhìn thì có vẻ to, có thể giảm, nhưng thực ra, các công ty chứng khoán cũng chỉ quay vòng mà thôi. Lưu ý rằng, ngoài doanh thu môi giới, doanh thu từ dịch vụ margin là rất quan trọng đối với công ty chứng khoán, lại là công cụ cạnh tranh mạnh nhất, nên sẽ không có chuyện cắt giảm kéo dài đâu.
TTCK có thông tin và có dòng tiền hỗ trợ, thì tôi không nghĩ đến kịch bản xấu. Nhà đầu tư lúc này mua bán cổ phiếu thì nên chú ý đến yếu tố cơ bản, biểu đồ kỹ thuật chỉ là thứ yếu (trừ phi biết mã nào đang có "lái").
Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược khách hàng cá nhân, CTCK MSI
Xu hướng sẽ tiếp diễn cho đến khi xuất hiện nhân tố mới có ảnh hưởng tiêu cực tới nó. Chỉ số thị trường đã mất đi tác dụng là chỉ báo định hướng, thị trường chứng khoán vẫn đang tỏ ra rất hấp dẫn dòng tiền, nên xu hướng tích cực trong sự phân hóa mạnh khả năng còn tiếp diễn trong tuần tới.
Ở góc độ đầu tư, tôi cho rằng, phán đoán chính xác và tận dụng được sự phân hóa này là chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận. Các cổ phiếu chưa tăng giá nhiều và ít được công chúng đầu tư chú ý đến thời gian qua sẽ phản ứng tích cực với thông tin tốt, mức rủi ro thấp và ngược lại, các cổ phiếu đã tăng giá mạnh thời gian qua, được công chúng chú ý nhiều sẽ phải ứng tiêu cực với thông tin tốt, mức rủi ro cao.
Phần còn lại của thị trường khả năng không có nhiều thay đổi trong hoàn cảnh thanh khoản chung duy trì ở mức thấp như hiện tại.