
Chris, một đối tác người Anh đang làm việc tại Việt Nam, có dịp đến thăm và làm việc với tôi tại Đại học Bristol (Vương quốc Anh). Biết tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, lại có nhiều người thân sống tại Bình Dương, anh hỏi tôi hai câu: “Cậu nghĩ gì về việc sáp nhập TP.HCM?” và “Cậu thấy triển vọng của trung tâm tài chính quốc tế thế nào?”.
Với tôi, hai câu hỏi ấy thực ra có mối liên hệ rất chặt chẽ bởi TP.HCM từ lâu đã là trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu của Việt Nam. Việc sáp nhập lần này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển mà Thành phố theo đuổi: đẩy mạnh liên kết vùng, nâng tầm vị thế và phấn đấu từ một trung tâm tài chính khu vực trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Bản sắc của TP.HCM chính là sự cởi mở, tinh thần dám nghĩ dám làm, sẵn sàng thử nghiệm cái mới, đón nhận cơ hội mới và không ngừng đổi mới sáng tạo. Cái mà TP.HCM cần là khẳng định mạnh mẽ hơn “thương hiệu” này trên trường quốc tế.
Thương hiệu của một “siêu đô thị”
Siêu đô thị là từ mà tôi thấy xuất hiện nhiều gần đây khi nói về việc TP.HCM hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
TP.HCM trước đây chiếm tỷ trọng 15,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, sức ảnh hưởng càng lớn hơn khi đóng góp gần 24% cho cả nước. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM sau hợp nhất gần gấp đôi Thủ đô Hà Nội. Quy mô kinh tế của Thành phố cũng gấp đôi 6 địa phương mới ở khu vực Tây Nam bộ cộng lại.
"Quy mô TP.HCM khi đưa lên hỏi, trí tuệ nhân tạo trả lời: sau sáp nhập, quy mô TP.HCM mới lớn như Thượng Hải của Trung Quốc. Bây giờ chúng ta phải phấn đấu phát triển như Thượng Hải, với quy mô như vậy, tạo ra sự phát triển vượt bậc", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra một vấn đề tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam, diễn ra hôm 21/4 tại TP.HCM.
Nếu ta hỏi “thương hiệu” của Thượng Hải là gì? Chúng ta dễ nhận được câu trả lời là một trung tâm kinh tế - tài chính của Trung Quốc, là gắn liền với bộ phim “Bến Thượng Hải”.
Nói về vị thế của trung tâm tài chính quốc tế, theo xếp hạng Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI 37), do Tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc phát hành hôm 20/3/2025, Việt Nam xếp hạng 98, được xem là nhóm trung tâm tài chính khu vực; còn Thượng Hải xếp thứ 8, trong nhóm trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu - nghĩa là nhóm cao nhất, ngang với London, New York và Tokyo.
Một mặt, nó cho thấy, khoảng cách khá lớn giữa ta và Thượng Hải. Mặt khác, nó cho thấy dư địa để ta đuổi kịp các nước khác. Điều này không phải là chuyện viễn vông. Trong báo cáo GFCI 29 công bố năm 2021, Dubai chỉ là một thị trường chuyên môn hẹp, xếp hạng 19 toàn cầu. Nay họ nghiễm nhiên vào nhóm dẫn đần toàn cầu, đa dạng hóa dịch vụ và đang đe dọa vị trí của các trung tâm Top 10 với hàng trăm năm lịch sử. Một ví dụ khác là vào tháng 3/2023, TP.HCM bị Bangkok bỏ xa hơn 40 hạng, nay khoảng cách thu hẹp chỉ còn 2 hạng.
Tuy nhiên, chúng ta không nên quá quan tâm đến những thứ hạng này, mà nên quan tâm đến câu chuyện “thương hiệu”. Ta cần làm sao để khi nói đến TP.HCM, người ta nghĩ ngay đó là một trung tâm kinh tế - tài chính sôi động, nhiều cơ hội, phát triển bền vững, là nơi có thể đến để thực hiện giao dịch tài chính, đồng thời khám phá một đô thị đầy sức sống, thay đổi hàng ngày.
Nhận diện thương hiệu của TP.HCM nên là như vậy, để có thể phát triển như Thượng Hải theo định hướng của Tổng Bí Thư Tô Lâm.
Câu hỏi là, làm sao đạt được điều đó?
Điều mà TP.HCM cần nhất là gì?
Định hướng liên kết vùng, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển bền vững… đã có từ lâu, nhưng vì sao TP.HCM chưa làm được như mong đợi?
Có người nói là do thiếu yếu tố đầu tiên là “tiền đâu”, là vốn đầu tư. Để đi theo định hướng liên kết vùng với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai như trước đây, cần đầu tư hạ tầng để gia tăng kết nối các khu vực này với nhau, như dự án metro kết nối Bình Dương với TP.HCM trước khi hợp nhất, xây dựng các đường vành đai.
Cụm kinh tế công nghiệp - kinh tế biển - trung tâm thương mại/tài chính cũng cần đầu tư hạ tầng đồng bộ về logistics, hiện đại hóa. Và nay thêm áp lực áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển bền vững.
Nếu tập trung vào lĩnh vực tài chính xanh, TP.HCM có thể kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, từ đó gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu.
Những thứ đó cần tiền và TP.HCM có thể tự huy động được, qua chính trung tâm tài chính quốc tế đang được ươm mầm. Vấn đề là cần có cơ chế vượt trội.
Cơ chế vượt trội đó là để các hoạt động kinh doanh ở cả TP.HCM nói chung, trung tâm tài chính nói riêng có thể thử nghiệm cái mới, thu hút vốn quốc tế dễ dàng, giải quyết tranh chấp kinh tế thuận lợi và có thể thu hút những đối tác chiến lược giúp phát triển TP.HCM.
Những thứ đó, ngoại trừ cơ chế thoáng, mở của Trung ương, còn cần 2 điều nữa.
Một là, cần một cơ chế cho phép lãnh đạo thử và sai, không bị “trừng phạt” cho những quyết định sáng tạo, mạo hiểm, hiểu nôm na là vượt chướng ngại vật mà không bị níu áo lại.
Hai là, cần có một mô hình quản trị đô thị ít bị gò bó, được thoải mái ra các quyết định nhanh, đột phá, nhưng cũng có trách nhiệm giải trình rõ ràng và minh bạch. Nghĩa là, cần giao quyền và giao trách nhiệm, cũng như chịu sự giám sát và minh bạch theo tiêu chuẩn cao nhất có thể.
Một trong những điều đó có thể thấy là nhu cầu có những cơ quan điều hành độc lập cho các dự án trọng điểm. Các trung tâm tài chính quốc tế hoặc trung tâm công nghệ cao sẽ cần có những cơ quan quản lý độc lập. Một ví dụ là trường hợp của Dubai với trung tâm tài chính.
Trung tâm tài chính Dubai được điều hành bởi Hội đồng DIFC (Dubai International Financial Centre), cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược và giám sát hoạt động của Trung tâm. Cơ quan này, cùng với Cơ quan Dịch vụ tài chính Dubai (DFSA), đóng vai trò là cơ quan quản lý, đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động tài chính và đảm bảo an toàn tài chính, bao gồm tránh rủi ro rửa tiền.
Cơ quan độc lập này sẽ có nhiều vai trò, trong đó có việc lựa chọn những đối tác chiến lược, ai sẽ được ưu tiên thử nghiệm sản phẩm mới, phát hành những bộ quy chuẩn hoạt động theo cơ chế vượt trội mà trung tâm tài chính được giao.
Ai sẽ được bổ nhiệm người tham gia cơ quan này? Họ sẽ độc lập đến mức nào? Cơ chế vận hành, giám sát và chịu trách nhiệm giải trình đến đâu? Đó là câu hỏi cần trả lời về cơ chế quản trị của các trọng điểm của TP.HCM, dù là trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo hay gì khác.
Mắt xích quan trọng nhất trong mô hình và cơ chế nói trên là người lãnh đạo. Vì nếu có cơ chế, mô hình, nhưng lãnh đạo không có khả năng kết nối, không dám làm, không dám thử nghiệm, thì mọi thứ vẫn sẽ đứng yên.
Vì vậy, TP.HCM cần tiền, cần cơ chế vượt trội, mô hình quản lý linh hoạt, đủ độc lập, nhưng cũng đủ trách nhiệm giải trình. Và cũng cần một lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm huyết và có khả năng kết nối các mảnh ghép kể trên lại, xoay sở giữa những khó khăn và bất định.
Nhưng có lẽ cần nhất, là một định hướng nhất quán từ chính sách, đến tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo, bởi nếu giao cơ chế, định hướng, tầm nhìn, nhưng nó thường xuyên thay đổi chỉ vài năm một lần, thì sẽ vướng đủ chỗ, thì trong bối cảnh thế giới bất định như hiện tại, sự ổn định, nhất quán về định hướng, tầm nhìn phát triển, chính sách dễ dự đoán, đang được xem là một thứ xa xỉ. Nhưng nếu ta làm được, nhà đầu tư quốc tế sẽ đánh giá cao và yên tâm.
Nhất quán và ổn định, nói đơn giản là “hứa gì làm đó”, “nói gì thì phải làm cho được” và không “quay xe”, đổi ý giữa chừng.
Bản sắc của người TP.HCM xưa nay phóng khoáng, thẳng thắn. Nếu giữ được sự ổn định, nhất quán đó nữa, thì tôi tin, đó là thương hiệu tốt.
“Chỗ này đáng tin cậy, dễ hợp tác, dễ làm ăn, nên tới đầu tư”. Thông điệp đơn giản vậy là đủ để hấp dẫn nhà đầu tư.
Nền tảng cho một siêu đô thị quốc tế cũng là từ niềm tin vào thương hiệu đó và chúng ta nên xây dựng cho bằng được một siêu đô thị đáng tin cậy và thân thiện để thu hút đầu tư.