>> Cơ hội ấm lại phân khúc cao cấp
Chính sách cởi mở
Nội dung được cho là cởi mở nhất trong đề xuất của Bộ Xây dựng là việc đề nghị cho phép tất cả các đối tượng Việt kiều và người nước ngoài được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ những người đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ). Không những thế, họ còn có thể mua căn hộ, nhà liên kế, biệt thự.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất 2 phương án để lựa chọn là các đối tượng này có thể được mua và sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, hoặc chỉ được mua hoặc sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ.
Về thời hạn, ngoài quy tắc cá nhân được sở hữu trong 50 năm (thêm một lần gia hạn tương đương) như trước đây, Bộ Xây dựng cũng đề nghị chỉ cho phép sở hữu trong 70 năm (không được gia hạn).
Một trong những khó khăn gây cản trở nhiều nhất đến tâm lý khi người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam là quyền của chủ sở hữu bị nhiều hạn chế, ràng buộc, thì nay Bộ Xây dựng đã đề xuất “tháo gỡ” về cơ bản. Cụ thể, ngoài việc mua để ở, còn cho phép cá nhân nước ngoài được cho thuê, khai thác, dùng nhà ở đã mua. Đồng thời, cho phép người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán trước 12 tháng thì phải nộp thuế thu nhập cao gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành.
Chủ đầu tư đưa đoàn khách nước ngoài và Việt kiều tham quan Dự án Sai Gon Pearl tại 92 Nguyễn Hữu Cảnh, TP. HCM - Ảnh: Lê Toàn
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, mục đích của Bộ Xây dựng khi đề xuất việc sửa đổi trên là để góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, qua đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Nhìn lại thực tế
Thực ra, câu chuyện cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không phải mới, bởi ngay từ năm 2008, Quốc hội đã ra Nghị quyết 19/2008/QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm thí điểm, đến nay chính sách đã bộc lộ những hạn chế mà điển hình là việc bó hẹp đối tượng được mua nhà, thủ tục rườm rà và chỉ được mua nhà để ở.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, tới hết quý II/2013, toàn quốc mới có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, trong đó chỉ có 5 đối tượng cá nhân người nước ngoài được mua một căn hộ duy nhất tại một dự án chung cư và không được cho thuê, không được kinh doanh căn hộ đã mua.
Dù con số thống kê của 2 cơ quan quản lý có khác nhau, nhưng vẫn có một điểm chung là sau 5 năm triển khai chính sách này, số lượng Việt kiều, người nước ngoài mua nhà vẫn quá khiêm tốn, trong khi nhu cầu của các đối tượng này rất lớn. Ví dụ như trường hợp của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ông là Việt kiều Mỹ và đã trở về Việt Nam làm việc 4 năm, nhưng vẫn phải đi thuê nhà. Lý do được ông giải thích là vì thủ tục cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam còn nhiêu khê, rắc rối.
Xem xét tính khả thi
Mặc dù đa số ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị “nới” điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam của Bộ Xây dựng, nhưng vẫn mong muốn các cơ quan chức năng xem xét và ban hành những quy định mới phải đồng bộ và có tính khả thi cao. Trong khi đó, ngay tại đề xuất của Bộ Xây dựng vẫn còn một số vấn đề cần phải làm rõ.
Trước tiên là quy định “không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở tại Việt Nam”. Các chuyên gia tài chính cho rằng, quy định này là không phù hợp và làm khó người mua, bởi nếu họ vay của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thì sao?
Hay như quy định “trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành” là căn cứ vào đâu và việc này có làm khó cho đối tượng tham gia?
Đặc biệt, với quy định “chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; hoặc với nhà ở riêng lẻ, trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường, không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn nhà” là thiếu thực tế và khó khả thi.
Về thời hạn triển khai trên thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, để có thể thu hút đầu tư nước ngoài và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội để sửa đổi Nghị quyết 19 và có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2014, trước khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành vào giữa năm 2015.