Tại hội thảo Leader Talk - Diễn đàn Doanh nhân 2013 tổ chức ngày 14/10, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN đang nằm ở giao điểm giữa khủng hoảng và phục hồi.
Đây là khoảng thời gian để các lãnh đạo DN thể hiện tài năng, tầm nhìn, bản lĩnh vượt qua khủng hoảng.
Các doanh nhân chia sẻ cảm nhận về môi trường kinh doanh theo các cách riêng của mình, nhưng điểm chung ở họ là sự nỗ lực tự thân, bên cạnh niềm tin vào sự phục hồi nền kinh tế trong tương lai một vài năm tới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2013, có trên 40.000 DN giải thể, đóng cửa, những DN đang hoạt động trên thị trường có tỷ lệ thua lỗ rất cao.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các DN đang phải gồng mình để đứng vững, chứ chưa nói đến việc phát triển.
Chính phủ và nhiều bộ, ngành đã đề ra nhiều biện pháp để hỗ trợ DN, song có lẽ là chưa đủ. Đại đa số DN vẫn đang phải tự vươn lên từ nội lực, tái cấu trúc, đổi mới để tạo môi trường kinh doanh mới cho chính mình.
Các DN phải tái cấu trúc, chuyển đổi, tìm hướng đi mới để tồn tại
Theo dự báo của ông Lộc, từ nay đến năm 2015, các DN nhìn chung sẽ tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn xuất phát từ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và nền kinh tế trong nước chưa rõ nét. Không có cách nào khác, các DN phải tái cấu trúc, chuyển đổi, tìm hướng đi mới để tồn tại, chứ không ngồi chờ nền kinh tế hồi phục.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các dòng vốn đầu tư dễ dãi, các cơ hội kinh doanh bùng nổ, đặc biệt trong mảng bất động sản và chứng khoán, đã thu hút một bộ phận DN ào ạt dốc toàn bộ vốn tự có và nhiều nghìn tỷ đồng vốn vay vào kinh doanh.
Cách kinh doanh kiểu chớp nhoáng, ngắn hạn, không tập trung vào nền tảng quản trị, xây dựng cho mình một năng lực cạnh tranh cốt lõi đã khiến nhiều DN, nhiều thành phần kinh tế phải trả giá.
Cũng theo ông Lộc, sau gần 30 năm, kể từ khi Việt Nam chính thức bước vào công cuộc Đổi mới nền kinh tế, các DN, doanh nhân đã nếm trải cả vị ngọt, đắng trong kinh doanh, nhiều bài học trên thương trường.
Ở giai đoạn này, khi nền kinh tế đang ở điểm giữa khủng hoảng và phục hồi, thì niềm tin kinh doanh, khả năng sáng tạo và sự nỗ lực để đạt kế hoạch là những điểm rất cần có ở các doanh nhân.
Dưới góc độ là một doanh nhân, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam chia sẻ, ở thời kỳ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ năm 2006 - 2007, nhiều DN, doanh nhân đã xa rời ngành nghề kinh doanh chính và lao vào đầu tư bất động sản, chứng khoán. Chính sự quá dễ dãi trong việc tiếp nhận, quyết định các cơ hội kinh doanh khiến nhiều thành phần đã phải trả giá.
“Thời kỳ vàng son năm 2007 đã qua, nhưng để vượt qua khủng hoảng, các DN cần phải xây dựng lại bằng chính nội lực của mình”, ông
Chủ của CTCP Anphanam (ALP), ông Nguyễn Tuấn Hải, người nổi tiếng trong giới đầu tư với phương châm chỉ đầu tư vào các DN làm ăn thua lỗ chia sẻ rằng, chinh phục thách thức là niềm đam mê và là thời cơ để DN phát triển sang một bước mới.
“Tôi cho rằng, càng sống trong thời kỳ khủng hoảng thì cơ hội càng lớn. Vấn đề là nắm bắt cơ hội như thế nào và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục mua các DN thua lỗ”, ông Hải nói.
Đại diện CTCP Sản xuất thương mại Việt Hàn (VHG) chia sẻ, kinh nghiệm vượt khủng hoảng của Công ty là phải hành động nhanh, không chờ đợi bởi vì không thể biết chính xác khi nào khó khăn sẽ kết thúc.
VHG đã từng chờ đợi 3 năm, nhưng kết quả là càng đợi càng khó, nên Công ty đã quyết định tái cấu trúc toàn diện từ đầu năm 2013 với những quyết định đau đớn như sa thải hơn 500 nhân viên.
Bản thân ông Nguyễn Công Trạng là Chủ tịch Công ty cũng quyết định ra đi để thế hệ mới lên nắm quyền lãnh đạo, “thổi làn gió mới” vào VHG.
Hiện nay, hoạt động của Công ty đã có tín hiệu tích cực, sản xuất trở lại, tạo việc làm mới cho người lao động và kinh doanh có lãi.
Ở mô hình kinh tế gia đình, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Phú Thái Group cho rằng, mô hình kinh tế gia đình có cả ưu và nhược điểm.
Theo ông Đoàn, mô hình gia đình làm kinh tế quan trọng trong giai đoạn đầu, tuy nhiên khi lên đến quy mô nhất định phải chuyển đổi mô hình và phải đưa những người từ bên ngoài vào làm việc thì mới hiệu quả.
Ở một góc độ khác, mô hình gia đình cũng có lợi thế là có sự gắn kết, nên trước khó khăn, loại hình DN này thường linh hoạt trong điều hành, khó bị phá vỡ.
Mỗi DN, rộng hơn là mỗi nền kinh tế luôn phát triển theo chu kỳ tuần hoàn với các giai đoạn nối tiếp nhau bao gồm củng cố, tăng trưởng, suy thoái, phục hồi và lại bắt đầu một chu kỳ mới. Lúc này, nếu các DN có sự nỗ lực tự thân để vượt khó và duy trì được niềm tin kinh doanh, khoảng thời gian giao thoa giữa khủng hoảng và phục hồi sẽ ngắn lại, để dành chỗ cho sự phục hồi vững chắc hơn.