Chọn đường đi khó
Sau hơn hai thập kỷ mở cửa, Việt Nam vẫn có rất ít DN bản địa xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Câu chuyện phát triển của CTCP Vicostone, một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo hàng đầu trên thế giới hiện nay đã cho thấy, để có được thành công, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của DN.
Với hai dây chuyền sản xuất theo công nghệ được chuyển giao từ Hãng Breton (Ý), sử dụng kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong lĩnh vực sản xuất đá nhân tạo, hàng năm, Vicostone cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu m2 sản phẩm, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 90%.
Sau 13 năm hoạt động, từ một DN gần như đang bên bờ vực phá sản, Vicostone đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo hàng đầu trên thế giới với hệ thống đại lý phân phối trên toàn cầu, sản phẩm hiện diện tại khắp năm châu lục, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc, EU… Giá trị xuất khẩu năm 2014 đạt xấp xỉ 85 triệu USD, doanh thu đạt khoảng 2.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 208 tỷ đồng. Để có được thành quả trên, trước hết là nhờ sự mạnh dạn trong chiến lược phát triển của DN, chuyển từ định hướng sản xuất cho thị trường trong nước sang xuất khẩu ngay từ năm 2004. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh lớn, nhất là các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc thì kết quả trên của Vicostone rất đáng trân trọng và là minh chứng cho việc DN Việt Nam hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu có chiến lược phát triển hợp lý.
Bài học thành công của Vicostone được ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tổng kết đơn giản: “Khác biệt, sáng tạo và tiên phong trong lĩnh vực mình đã lựa chọn. Vicostone không cho phép mình dừng lại ở bất cứ đỉnh cao nào, mà luôn đặt ra những thách thức mới cho giai đoạn kế tiếp”. Thành công của VCS còn đến từ việc tập hợp và thúc đẩy được sức lao động, trí tuệ của những người Việt Nam trên một mặt trận kinh tế đang có sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều đối thủ nước ngoài.
Đón đầu tương lai
Mục tiêu của Vicostone nói riêng và Tập đoàn Phenikaa nói chung là trở thành công ty sản xuất - kinh doanh uy tín trên thế giới trong lĩnh vực vật liệu sinh thái cao cấp, kinh doanh hiệu quả trên cơ sở đảm bảo lợi ích lâu dài cho khách hàng, người lao động và cổ đông.
Năm 2014, Vicostone đã thực hiện chiến lược tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó nổi bật nhất là việc đưa Vicostone trở thành công ty con của Phenikaa, DN đã ký hợp đồng độc quyền đầu tư dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam với Breton. Tổng công suất của Phenikaa đến cuối năm 2015 sẽ vào khoảng 2,5 triệu m2, cao gấp 2,5 lần công suất hiện tại của Vicostone. Việc tái cơ cấu này là nhằm quy tụ về một đầu mối cho chuỗi cung ứng đá nhân tạo, dưới sự chỉ đạo thống nhất từ công ty mẹ, tập trung ở các khâu từ mua bán đầu vào và tiêu thụ đầu ra. Mọi hoạt động của Tập đoàn đều tuân thủ theo một quy trình quản trị thống nhất từ trên xuống dưới.
Năm 2015, Công ty Vicostone đặt kế hoạch doanh thu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 220 tỷ đồng. Mục tiêu trên được lập dựa trên cơ sở kế hoạch của công ty mẹ Phenikaa dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 3 cơ sở bán hàng mới tại Bắc Mỹ, tiếp tục phát triển thị trường tại Nam Mỹ, đồng thời hoàn thiện hệ thống tương tác với khách hàng và hệ thống hạ tầng quản trị DN, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai các khóa đào tạo MBA cho cán bộ quản lý và cán bộ nguồn.
Trở thành “Doanh nghiệp xanh” là một trong những mục tiêu mà Phenikaa đang hướng đến. Bên cạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty luôn nỗ lực nhằm giảm thiểu tối đa các tác hại đến môi trường thông qua việc phát triển các dòng sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới cũng như việc áp dụng chu trình sản xuất khép kín 100%, không có chất thải ra môi trường. Năm 2015, cũng là năm Phenikaa đặc biệt chú trọng cho phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (IFC), bao gồm: thực hiện kiểm toán hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn IFC, thực hiện kết quả quan trắc đáp ứng yêu cầu của IFC hoặc WB.
2015 đánh dấu mốc hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Những DN như Phenikaa có thể được hưởng lợi từ các cơ hội này. Tác động lan tỏa và góp phần phát triển kinh tế của những DN như vậy đang ngày càng quan trọng. DN Việt Nam sẽ nỗ lực để duy trì vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, song ngược lại họ cũng rất cần sự tiếp sức.