Băn khoăn vừa đào tạo, vừa cấp chứng chỉ bảo hiểm

(ĐTCK) Ngày 6/5 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 702/QÐ-BTC phê duyệt đề án “Tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm” thành Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam - là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (ISA), có tài khoản tại ngân hàng thương mại và có con dấu riêng.
Băn khoăn vừa đào tạo, vừa cấp chứng chỉ bảo hiểm

Theo đó, ngoài các chức năng, nhiệm vụ hiện tại là nghiên cứu khoa học, tổ chức thi chứng chỉ hành nghề, đào tạo nguồn nhân lực bảo hiểm…, Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam được bổ sung các chức năng như thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về bảo hiểm; xây dựng và đề xuất với cơ quan quản lý bảo hiểm việc công bố áp dụng mức phí bảo hiểm tương ứng với quyền lợi bảo hiểm tối thiểu của một số sản phẩm bảo hiểm theo quy định pháp luật.

Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ theo khung tiêu chuẩn năng lực của thị trường.

Tất cả các kỳ thi sẽ được thực hiện hoàn toàn theo hình thức thi trực tuyến tại các địa điểm thi tập trung của ISA.

Liên quan tới việc đào tạo bảo hiểm, Quyết định số 53/2014/QÐ-TTg ngày 19/9/2014 về việc thí điểm cơ chế tài chính đối với ISA quy định: “Nguồn kinh phí giao tự chủ cho ISA bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp đảm bảo hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành; khoản đóng góp từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm; khoản thu từ công tác nghiên cứu, đào tạo và thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm do đơn vị sự nghiệp thuộc ISA tổ chức thu theo quy định…”.

Tuy nhiên, quyết định này đã hết hiệu lực và ISA  đang xây dựng thông tư quy định việc thu phí quản lý, giám sát hoạt động bảo hiểm, song đến nay vẫn chưa được công khai để lấy ý kiến.

Nhiều năm nay, thị trường và các cơ sở đào tạo bảo hiểm liên tục đặt vấn đề về việc có nên loại bỏ chức năng đào tạo của ISA.

Bởi một thực tế rằng, trong hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thông qua các trường, đơn vị đào tạo bảo hiểm tư nhân với một số đơn vị như Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM), Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI)…

Hơn nữa, các cơ sở đào tạo trực thuộc ISA vẫn phải thuê người về giảng dạy, mà theo các chuyên gia bảo hiểm, lợi ích thu được từ hoạt động đào tạo là không nhỏ (số tiền thu được từ đào tạo cao gấp nhiều lần so với chi phí bỏ ra để thuê người về đào tạo). Tuy nhiên, so với các trung tâm đào tạo của ISA, thì rõ ràng các cơ sở đào tạo tư nhân không thể "quyền lực" bằng.

Tương tự, hoạt động đào tạo "Bảo hiểm phi nhân thọ căn bản" cũng cần thiết, nhưng cũng được cho là nên chuyển từ đào tạo sang quản lý đầu ra bằng cách kiểm tra năng lực.

 “Về đào tạo ‘Phụ trợ bảo hiểm', Thông tư 65/2019/TT-BTC quy định, việc đào tạo diễn ra tại các cơ sở đào tạo, mà không nói rõ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm có phải là cơ sở đào tạo hay không. Nhưng theo tôi được biết, Trung tâm đang có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo về lĩnh vực này. Việc một cơ sở đào tạo vừa là nơi ra đề thi, quản lý thi, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước liệu có đảm bảo sự công khai, minh bạch?”, ông Ðỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam nêu vấn đề.

Ðồng quan điểm, một số chuyên gia về đào tạo bảo hiểm cũng cho rằng, với quy định hiện hành thì ISA có nguồn thu từ đào tạo, lại được "một mình một chợ", thì thật khó để có được một môi trường đào tạo lành mạnh, công bằng và phát triển được các mô hình đào tạo khác, nên cần phải thay đổi để tránh tình trạng đào tạo "độc quyền có bảo hộ" như hiện nay.

“Tôi đề xuất ISA chỉ là đơn vị quản lý chất lượng đầu ra bằng các kỳ thi, bỏ chức năng đào tạo trực tiếp của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm để các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp bảo hiểm có thể phát triển được mảng đào tạo", ông Sơn nói.

Ngoài ra, cần công bố cụ thể về tiêu chuẩn, quy định của cơ sở đào tạo bảo hiểm nhằm gia tăng tính minh bạch, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Theo đó, bộ đề thi có thể được quản lý tại ISA, nhưng khi xây dựng thì cần lấy ý kiến của một số bên chuyên môn khác để phù hợp với thực tế.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục