Băn khoăn bài toán tăng vốn tại nhiều doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn trong năm nay. Phía sau không ít kế hoạch tăng vốn này là những băn khoăn của nhà đầu tư.
Băn khoăn bài toán tăng vốn tại nhiều doanh nghiệp

MBG: Chuẩn bị phát hành riêng lẻ với giá gấp đôi thị giá

Sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, ngày 1/7/2020, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn MBG đã ra nghị quyết thông qua chi tiết phương án chào bán 25 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 430 tỷ đồng lên 681 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 58,4%.

Trong danh sách nhà đầu tư dự kiến, Công ty TNHH AAI Quốc Tế mua 6,5 triệu cổ phiếu và Công ty TNHH Quang Ngân Việt Nam mua 6 triệu cổ phiếu, phần còn lại được phân bổ cho 6 nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, sau đợt phát hành này, MBG sẽ có thêm 2 cổ đông lớn là nhà đầu tư tổ chức, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 9,55% và 8,81%, trong khi các nhà đầu tư cá nhân đều sở hữu dưới 5%.

Mức giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương MBG huy động 250 tỷ đồng, dùng bổ sung vốn lưu động như mua nguyên vật liệu để sản xuất thiết bị chiếu sáng Maxxbau, nguyên liệu sản xuất sơn, mua vật tư hàng hóa thương mại và một số máy móc, thiết bị khác. Mức giá phát hành này cao gần gấp đôi thị giá cổ phiếu MBG trên sàn chứng khoán khi kết thúc phiên 3/7 là 5.100 đồng/cổ phiếu.

Vì sao các nhà đầu tư sẵn sàng góp vốn với giá cao và chấp nhận hạn chế chuyển nhượng, trong khi với thanh khoản 30 phiên gần nhất (tính đến 2/7/2020) đạt hơn 3 triệu đơn vị/phiên, có phiên khớp lệnh đến 8 triệu đơn vị, họ có thể dễ dàng mua được số cổ phiếu tương ứng trên sàn với giá rẻ hơn nhiều?

Đây không phải lần đầu tiên MBG gây chú ý xung quanh câu chuyện huy động vốn. Cụ thể, tháng 11/2018, MBG chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn cho 14 cá nhân với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá là 4.500 đồng/cổ phiếu. Sau đợt tăng vốn này, giá cổ phiếu MBG tăng phi mã trong năm 2019 và đến thời điểm hết hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành thêm đạt trên ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, tháng 4/2017, MBG tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 1:1,5 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá chưa đến 4.000 đồng/cổ phiếu. Có đến 81,88% lượng cổ phiếu chào bán bị cổ đông bỏ quyền mua, số cổ phiếu này sau đó được phân phối cho 11 nhà đầu tư.

Trong số nhà đầu tư dự kiến mua cổ phiếu MGB năm nay, đáng chú ý là ông Nguyễn Thành Trung - người đại diện theo pháp luật của AAI Quốc Tế từng mua 2,01 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ năm 2018.

AAI Quốc Tế từng là cổ đông lớn nhất tại MBG với tỷ lệ sở hữu 6,64% trước khi thoái gần như hết vốn vào cuối tháng 3/2020 và là bên liên quan với MBG khi 2 lãnh đạo của MBG từng góp vốn vào doanh nghiệp. Cùng thời điểm AAI Quốc Tế thoái vốn, một cổ đông lớn khác của MBG là bà Ngô Thị Huệ cũng bán phần lớn cổ phần nắm giữ.

Như vậy, sau nhiều đợt chào bán riêng lẻ nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược gắn bó lâu dài, hiện MBG không còn cổ đông lớn.

Sau đợt tăng giá trong năm 2019, thị giá cổ phiếu MBG đã giảm trở lại và mất hơn 80% giá trị trong 7 tháng trở lại đây, dù Công ty ước tính đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 5 tháng đầu năm 2020, thực hiện được gần 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

TLD: Thị giá tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn giá chào bán

Sau khi niêm yết tháng 12/2017, giá cổ phiếu TLD của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long chủ yếu có diễn biến giảm, từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2020 đi ngang quanh mức 4.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn thay đổi trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Cụ thể, nếu như trong tháng 5/2020, cổ phiếu TLD có đợt tăng giá 33%, từ 4.500 đồng/cổ phiếu lên 6.000 đồng/cổ phiếu, thì sau một nhịp nghỉ, đà tăng quay trở lại và đóng cửa phiên giao dịch 2/7 tại 7.390 đồng/cổ phiếu, nâng tổng mức tăng trong 2 tháng qua lên gần 100%.

Đợt tăng giá diễn ra trong bối cảnh Công ty tiến hành chào bán 9,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo phương án dự kiến, số vốn huy động được sẽ dùng để xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị và bổ sung vốn lưu động cho nhà máy ván ép phủ phin và ván ép phủ keo đỏ tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có công suất thiết kế 60.000 m3/năm, tổng vốn đầu tư khái toán 250 tỷ đồng.

Dù tăng giá mạnh trong 2 tháng qua, nhưng thị giá cổ phiếu TLD vẫn còn cách khá xa mức giá chào bán, đây sẽ là yếu tố khiến các cổ đông phải cân nhắc trước khi xuống tiền thực hiện quyền mua, khi mà danh sách cổ đông đã được chốt từ ngày 22/6/2020.

Với hạn chót nộp tiền đến ngày 25/8 và đà tăng giá vẫn đang diễn ra, có thể thị giá cổ phiếu TLD sẽ vượt qua giá chào bán, tạo điều kiện để đợt phát hành thành công. Tuy vậy, diễn biến tăng giá nhanh, trong khi tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn dẫn đến lo ngại về khoảng trống sau đợt tăng giá này.

Kết thúc năm 2019, doanh thu hợp nhất của TLD tăng 9,5% so với năm 2018, đạt 337,8 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm 24,8%. Trừ các chi phí, kết quả thu về là 13,55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 33,8% so với năm 2018. Ngoài ra, việc liên tục đầu tư khiến nợ vay của Công ty có xu hướng tăng cao, dư nợ đến cuối năm 2019 đạt 90 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm.

Trong quý I/2020, doanh thu và lợi nhuận của TLD tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với kế hoạch cả năm vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì lợi nhuận mới chỉ đạt khoảng 20% (kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 23,5 tỷ đồng, tăng 97,5%, còn doanh thu tăng 9,5% so với thực hiện năm 2019). Đáng lưu ý, dòng tiền kinh doanh trong quý I âm lớn do các khoản phải thu tăng, dư nợ theo đó cũng tăng.

Trong bối cảnh nguồn lực dự trữ còn mỏng, nhu cầu đầu tư tiếp tục ở mức cao, dòng tiền được đánh giá sẽ là áp lực đáng kể với TLD. Việc tăng cường vay nợ cũng sẽ khiến lãi vay gia tăng và tạo áp lực lên lợi nhuận, nhất là khi các dự án đầu tư hoàn thành và chi phí lãi vay đầu tư không còn được vốn hóa.

HTN: Vừa trả cổ tức tiền mặt, vừa tăng vốn

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) ngày 30/6/2020 đã thông qua phương án chào bán 16,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, tỷ lệ tăng vốn là 50%.

Thiếu vốn, lên kế hoạch huy động vốn của cổ đông, HTN có phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 là trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 18%, tăng 3% so với dự kiến ban đầu.

Về đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu, Ban lãnh đạo Công ty cho rằng, với giá cổ phiếu HTN đang giao dịch trên thị trường khoảng 17.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu, nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm pha loãng giá sau chia, ảnh hưởng tới việc phát hành cổ phiếu mới.

Như vậy, giả định việc chốt danh sách cổ đông để chào bán tăng vốn và trả cổ tức của HTN diễn ra đồng thời, mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu HTN sẽ được nhận cổ tức 3.420 đồng (cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu và bị trừ thuế thu nhập cá nhân 5%), sau đó cần chi thêm 6.580 đồng/cổ phiếu để đủ 10.000 đồng mua 1 cổ phiếu phát hành thêm. Có thể thấy, cổ đông dường như bị thiệt hại nhiều hơn khi thị giá cổ phiếu vừa bị điều chỉnh giảm do trả cổ tức tiền mặt, vừa bị điều chỉnh pha loãng do doanh nghiệp phát hành quyền mua thấp hơn thị giá, đồng thời phải nộp thuế cổ tức.

Tại đại hội năm nay, Hội đồng quản trị HTN đã trình kế hoạch tổng doanh thu 4.174,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 285,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 53% so với thực hiện năm 2019. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp xây dựng cùng ngành như Coteccons, Hòa Bình phải lên kế hoạch doanh thu, lợi nhuận suy giảm do nhận định thị trường có nhiều khó khăn, thì HTN là một trong số ít doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng cao.

Trong quý I/2020, HTN ghi nhận doanh thu gấp 2,1 lần và lợi nhuận sau thuế gấp 7,1 lần cùng kỳ năm 2019. Kết quả này có đóng góp đáng kể từ khoản thu mảng bất động sản đầu tư, trong khi doanh thu và lợi nhuận mảng xây dựng giảm mạnh.

CMX: Sức ép pha loãng

Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) đã thông qua một loạt phương án tăng vốn bao gồm thưởng hơn 2,64 triệu cổ phiếu cho cổ đông, phát hành 1,32 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Sau 2 đợt phát hành trên, Công tysẽ chào bán cổ phần cho cổ đông theo tỷ lệ 1:1, tương đương 30,4 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn lưu động, cơ cấu lại các khoản nợ.

Trước đó, CMX hoàn thành đợt chào bán tăng vốn lên gấp đôi trong tháng 3/2020. Như vậy, nếu kịp hoàn tất các đợt tăng vốn theo kế hoạch vừa được thông qua, quy mô vốn của Công ty sẽ đạt 608 tỷ đồng, tăng 4,6 lần so với đầu năm.

Năm nay, CMX lên kế hoạch kim ngạch xuất khẩu 60 triệu USD, tăng 86%, tổng doanh thu tăng 48,2%, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng.

Lưu ý, trong báo cáo tài chính năm 2018 - 2019 của CMX, lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số tăng từ 47 triệu đồng năm 2018 lên 36,6 tỷ đồng năm 2019, trong khi lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh, nguyên nhân được đánh giá do tỷ lệ sở hữu của CMX tại các công ty con giảm sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục