Ban hành Nghị quyết của Quốc hội áp dụng trực tiếp Hiệp định EVIPA

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng thời xem xét việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội phê chuẩn EVIPA cùng thời điểm EVFTA tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận, sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội áp dụng trực tiếp Hiệp định EVIPA. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội phê chuẩn EVIPA cùng thời điểm EVFTA tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận, sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội áp dụng trực tiếp Hiệp định EVIPA.

Chiều 28/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng thời xem xét việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Trình bày tờ trình của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn  phòng Chủ tịch nước, ông Đào Việt Trung cho biết, EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Hiệp định có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục, gồm các quy định về bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư và những vấn đề cụ thể có liên quan.

Động lực thúc đẩy hoàn thiện thể chế

Một trong những tác động của EVIPA đối với Việt Nam được nêu tại tờ trình là tác động đối với hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, việc thực hiện các cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực  thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hiệp định có nhiều quy định nhằm bảo đảm cân đối giữa việc bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích của quốc gia, cộng đồng như quy định rõ giới hạn và điều kiện hưởng các quyền theo Hiệp định của nhà đầu tư; khẳng định quyền của các quốc gia trong việc ban hành chính sách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an ninh, môi trường, đạo đức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng; quy định các biện pháp ngoại lệ về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính …Các quy định này tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để Việt Nam xây dựng và thực hiện chính sách thu hút đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mình.

Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Hiệp định có một số nội dung chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn Hiệp định. Chính phủ đề xuất Hiệp định được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV nhằm khẳng định Việt Nam là đối tác có thiện chí và trách nhiệm cao trong việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của mình theo đúng lộ trình, đồng thời thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn của nước mình.

Thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn EVIPA, hầu hết ý kiến tại Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tán thành sự cần thiết trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA cùng thời điểm với Hiệp định EVFTA.

Việc này, theo cơ quan thẩm tra, sẽ làm tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý trình Quốc hội phê chuẩn EVIPA cùng thời điểm EVFTA tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội áp dụng trực tiếp Hiệp định EVIPA, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận.

Có tờ trình riêng cho nội dung mới 

Một nội dung đáng chú ý khác tại tờ trình là các quy định tại khoản 2,3,4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 quy định về cơ chế thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định (phán quyết EVIPA) chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép công nhận và thi hành phán quyết EVIPA tại một Nghị quyết riêng của Quốc hội, gồm các nội dung: trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành  phán quyết EVIPA với bị đơn là Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; công nhận và cho thi hành  phán quyết EVIPA với bị đơn là EU hoặc nước thành viên EU như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam.

Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành  phán quyết EVIPA như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có tờ trình riêng về nội dung này để xem xét tại phiên họp gần nhất vào đầu tháng 5/2020.

Nguyễn Lê
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục