Ban hành 10 quy tắc ứng xử văn hóa đặc trưng cho người Đà Lạt

0:00 / 0:00
0:00
Theo bộ quy tắc ứng xử, các đối tượng áp dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật và của địa phương; ứng xử hiền hòa, thanh lịch và mến khách; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với văn hóa Đà Lạt.
Du khách vui chơi tại vườn hoa thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN). Du khách vui chơi tại vườn hoa thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN).

Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt với 10 điều dành cho từng đối tượng là tổ chức, cá nhân đang sinh sống, học tập, làm việc và đến tham quan, nghỉ dưỡng tại “thành phố ngàn hoa” này.

Bộ quy tắc trên được người dân Đà Lạt và du khách đánh giá là rất cần thiết cho hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn, nhất là sau vụ việc chủ quán HEN bánh ướt lòng gà bị tố chửi bới, hành hung du khách vào ngày 25/3.

Theo Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 4/4/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt với mục đích góp phần giữ gìn phong cách hiền hòa, thanh lịch và mến khách theo chuẩn mực trong ứng xử của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Đà Lạt; góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, hội nhập và phát triển; xây dựng Đà Lạt trở thành “thành phố đáng sống."

Trong quy tắc ứng xử chung, các đối tượng áp dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật và của địa phương; ứng xử hiền hòa, thanh lịch và mến khách; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với đặc trưng văn hóa, khí hậu của Đà Lạt; hỗ trợ, giúp đỡ người dân, du khách khi gặp khó khăn; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giới tính trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội; yêu thương, giúp đỡ, ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ mang thai khi tham gia các quan hệ xã hội; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ, giữ gìn môi trường, cảnh quan thành phố.

Tại 9 điều khác, thành phố quy định riêng cho từng đối tượng gồm: quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức; quy tắc ứng xử đối với học sinh, sinh viên; quy tắc ứng xử đối với người bán hàng; quy tắc ứng xử đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; quy tắc ứng xử đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống; quy tắc ứng xử đối với các cơ sở kinh doanh khác; quy tắc ứng xử đối với cộng đồng dân cư; quy tắc ứng xử đối với các hộ gia đình; quy tắc ứng xử đối với khách du lịch.

Đáng chú ý, quy tắc ứng xử đối với người bán hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống và cơ sở kinh doanh khác được yêu cầu khi giao tiếp với khách hàng phải “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; thể hiện sự chuyên nghiệp, niềm nở, chu đáo; cầu thị và lắng nghe ý kiến của khách hàng, bình tĩnh giải quyết tình huống phát sinh…

Đồng thời, các cơ sở, nhà hàng phải niêm yết giá công khai, không tự ý nâng giá dịch vụ khi chưa được phép; cạnh tranh lành mạnh; không phân biệt đối xử với khách du lịch; không chửi bới, lăng mạ và phân biệt đối xử với khách hàng…

Khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt được yêu cầu phải bảo vệ môi trường tại địa phương; có ứng xử văn minh, thân thiện, lành mạnh; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa dân tộc và địa phương; không sử dụng các loại động vật, thực vật hoang dã đã bị cấm; khuyến khích ủng hộ sản phẩm và đồ lưu niệm đặc trưng Đà Lạt…

Trước đó, ngày 28/3, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt tổ chức Đoàn kiểm tra, lập biên bản làm việc đối với chủ quán HEN bánh ướt lòng gà (số 50 đường Tăng Bạt Hổ, Phường 1, thành phố Đà Lạt) do liên quan đến việc một nhóm du khách “tố” bị chủ quán này có lời lẽ xúc phạm và hành hung du khách.

Sau đó, ngày 30/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt ra quyết định xử phạt bà Lê Xuân Diệp Tịnh (chủ quán HEN bánh ướt lòng gà, số 50, đường Tăng Bạt Hổ, phường 1, thành phố Đà Lạt) 16 triệu đồng do có một số hành vi vi phạm trong kinh doanh…


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục