Đợt bàn giao nhà lần này là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ người dân trước tác động của biến đổi khí hậu. Được thiết kế để chống chịu với bão và thiên tai, những ngôi nhà an toàn này là kết quả của sự hợp tác giữa Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), UNDP, Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau và các địa phương.
Lễ bàn giao được tổ chức tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, với sự tham dự của các đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, chính quyền địa phương và các hộ dân hưởng lợi.
Sáng kiến này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường khả năng an toàn của các khu vực ven biển, đảm bảo cộng đồng có thể phát triển thịnh vượng ngay cả khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Đây là hoạt động thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, người dân các xã ven biển của tỉnh hàng năm vẫn phải chống chọi, ứng phó với mưa bão, triều cường và các điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Sự hỗ trợ từ Dự án GCF đã giúp số lượng khá lớn hộ nghèo của tỉnh có nhà ở an toàn.
Với đặc điểm 254 km chiều dài bờ biển, có 41 xã, thị trấn ven biển và cận ven biển, Cà Mau còn nhiều hộ nghèo chưa có nhà, chưa đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng nhà. Vì vậy, Cà Mau mong muốn các bộ, ngành trung ương, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh hỗ trợ các hộ nghèo ổn định cuộc sống, an toàn trước các tình huống thiên tai, vươn lên thoát nghèo.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những ngôi nhà này: "Nhà ở là tài sản quý giá nhất của chúng ta, vì vậy việc xây dựng nhà an toàn là nền tảng cho khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các hộ gia đình sống ở vùng ven biển Việt Nam. UNDP cam kết hỗ trợ xây dựng và tái thiết nhà ở cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là hộ nghèo, hộ do phụ nữ làm chủ và người cao tuổi.".
Chị Nguyễn Thị Hết, đại diện hộ gia đình hưởng lợi xúc động chia sẻ, hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, không đủ điều kiện xây dựng nhà. “Được sự hỗ trợ của dự án, của tỉnh, giấc mơ về ngôi nhà để an cư lạc nghiệp đã trở thành hiện thực, an tâm lao động, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Phó Giám đốc Quốc gia Dự án, đã phát biểu về tác động tích cực mà dự án mang lại: “Dự án GCF đã mang lại hy vọng và sự an tâm cho hơn 5.000 hộ nghèo thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhà ở chống chịu thiên tai. Những ngôi nhà này chính là tài sản vô giá của các hộ nghèo.
Chúng tôi đang đề xuất xây dựng một dự án mới để phát huy những thực tiễn tốt này và tiếp tục nghiên cứu cơ chế phối hợp để huy động nguồn lực quốc tế và các nguồn lực khác để nhân rộng và hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn chống chịu bão và lũ lụt cho người dân và triển khai thí điểm tại các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long”.