Tháng 6/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử phúc thẩm một vụ kiện tranh chấp hủy bỏ kết quả bán đấu giá, hợp đồng bán đấu giá, hủy quyết định thu giữ tài sản, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó, năm 2010 ông Nguyễn Công T. (trú tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) và vợ có sử dụng lô đất tại khu quy hoạch biệt thự Hồng Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) để đảm bảo cho khoản vay của Doan nghiệp tư nhân Công T. tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Khi doanh nghiệp này không trả được nợ, vợ chồng ông T. đồng ý để MB xử lý tài sản bảo đảm.
Năm 2016, MB phối hợp với công ty bán đấu giá tài sản là lô đất nói trên với giá 1,25 tỷ đồng. Người trúng đấu giá đã được sang tên sổ đỏ và đem lô đất đi vay, thế chấp cho một ngân hàng khác.
Ông T. cho rằng, quá trình ngân hàng thu giữ, bán đấu giá tài sản là trái quy định nên không được tự ý bán tài sản và đề nghị tòa án hủy quyết định thu giữ, hủy kết quả bán đấu giá...
Cụ thể hơn, vị này cho biết, thứ nhất, về thu giữ tài sản, theo quy định, ngân hàng phải thông báo, công khai thông tin, nhưng ông không được thông báo. Hơn nữa, vợ ông T. đã mất, ngân hàng biết nhưng không thông báo cho người thừa kế, mà vẫn gửi thông báo cho người đã mất.
Thứ hai, về bán tài sản, ngân hàng định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là 1,236 tỷ đồng, thấp hơn so với khung giá của UBND tỉnh Quảng Ninh là 1,978 tỷ đồng và định giá của tòa án là 2,19 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nguyên đơn.
Quá trình giải quyết, tòa án nhận định, quyết định thu giữ không thực hiện đúng quy định về pháp luật thừa kế, về thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, tòa án cũng cho rằng, quyết định thu giữ không vô hiệu vì không làm phát sinh, thay đổi quyền nghĩa vụ của bên vay vốn.
Về hợp đồng bán đấu giá, tòa án nhìn nhận, đơn vị bán đấu giá đã không kiểm tra tính chính xác về nguồn gốc tài sản, dẫn đến hợp đồng mua bán đấu giá vô hiệu.
Tuy nhiên, tòa án cũng xác định, bên trúng đấu giá ngay tình đã được cấp sổ đỏ, sau đó tiếp tục thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng khác nên quyền lợi của bên thứ 3 ngay tình cần được bảo đảm theo quy định pháp luật.
Với lập luận trên, tòa án bác yêu cầu hủy hợp đồng đấu giá.
Có thể thấy, trong trường hợp này, dù tốn thời gian theo đuổi vụ kiện, nhưng ngân hàng vẫn thu giữ được tài sản bảo đảm và bán thành công để thu hồi nợ, trong khi nhiều trường khớp lại không hể suôn sẻ.
Đơn cử, năm 2017, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) phối hợp với CTCP Đấu giá Thành An bán đấu giá lô đất 2.036 m2 mặt phố tại phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh do một khách hàng vay vốn gán nợ. CTCP Tư vấn và đầu tư Kim Hà là đơn vị trúng đấu giá.
Tuy nhiên, sau đó, PG Bank đã không thể giao được tài sản bán đấu giá dẫn tới Công ty Kim Hà khởi kiện yêu cầu phải trả số tiền hơn 25 tỷ đồng do vi phạm nghĩa vụ bán giao tài sản. Sau đó, các bên đã thỏa thuận được với nhau và PG Bank chỉ phải trả cho Công ty Kim Hà số tiền 9,3 tỷ đồng.
Trong một trường hợp khác, khi Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) bán đấu giá tài sản là dự án Công trình khách sạn và thương xá chợ Hàn (Đà Nẵng) để thu hồi nợ thì cũng gặp sự phản đối từ chủ đầu tư, cũng là khách hàng vay nợ: CTCP Nghĩa An Thịnh. Sau đó, doanh nghiệp này tiến hành khởi kiện.
Mặc dù tòa án bác đơn khởi kiện của CTCP Nghĩa An Thịnh và VietinBank tiếp tục thủ tục bán đấu giá tài sản, nhưng vụ kiện khiến ngân hàng tốn thời gian, chi phí theo đuổi tố tụng và kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được xem là đã có nhiều quy định tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế vẫn còn tranh chấp xảy ra, dẫn đến kiện tụng và việc thu hồi nợ của ngân hàng bị kéo dài.