Theo ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc KDF, kiêm Phó tổng giám đốc KDC, Tập đoàn đã có lộ trình thoái vốn, sau khi bán 20% ra bên ngoài, trong quý II/2017, KDC tiếp tục chào bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và cổ đông nội bộ.
Chia sẻ về nguồn vốn sẽ được sử dụng sau đợt IPO này, ông Nguyên cho biết, Công ty đầu tư vào hoạt động kinh doanh, mở rộng phân phối, đồng thời sẽ tiếp tục tìm kiếm một số đối tác phù hợp để thực hiện M&A. Sau IPO, KDF sẽ thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Năm 2014, thị trường đã có phần hơi “choáng” với quyết định bán đi hết mảng bánh kẹo, vốn là mảng chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu và mang lại lợi nhuận cao của KDC (tại thời điểm đó), nên thông tin thoái vốn tại KDF cũng khiến nhà đầu tư có phần nghi ngại về các kế hoạch chuyển hướng của KDC trong tương lai. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyên, trong tương lai, KDC sẽ vẫn giữ tỷ lệ chi phối tại KDF.
Về hoạt động kinh doanh của KDF, Công ty đã vượt qua điểm hòa vốn và bắt đầu hoạt động khá hiệu quả. Năm 2016, KDF ghi nhận doanh thu thuần 1.397 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 142,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 85% so với cùng kỳ năm trước và Công ty đặt kế hoạch trong năm 2017 với doanh thu ước đạt 1.828 tỷ đồng và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Không chỉ KDC, việc thoái dần vốn tại công ty con đã và đang được nhiều doanh nghiệp niêm yết tính đến. Còn nhớ thời điểm cuối năm 2016, Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã giảm sở hữu tại Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng CII (CII E&C) từ 99,54% xuống 51% bằng cách bán 19,3 triệu cổ phiếu, trong khi CII E&C là một công ty đang làm ăn khá hiệu quả. Không chỉ tại CII E&C, CII cũng có kế hoạch sẽ bán và đưa một số công ty con của mình lên sàn để thu hút vốn đầu tư.
Việc mang các công ty con, lại là những công ty hiệu quả ra bán chắc chắn phải được các doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng vì nhiều mục đích, chiến lược khác nhau, song thời điểm cũng là một trong những yếu tố quan trọng.
Việc thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn khởi sắc nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện bán vốn, sau đó đưa công ty con lên sàn giao dịch, niêm yết.
Mới đây, Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) đã thực hiện IPO thành công tại Công ty cổ phần Xây dựng số 2 Ðồng Nai. Mặc dù chỉ bán hơn 1 triệu cổ phần với giá khởi điểm 17.900 đồng/cổ phần, D2D đã thu về 32,63 tỷ đồng với mức giá 31.600 đồng/cổ phần, tức cao hơn 77% so với giá khởi điểm.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán khởi sắc đã tạo động lực giúp doanh nghiệp mạnh dạn mang “con cưng” ra bán, với mục tiêu thu hút được nguồn vốn từ công chúng, mở rộng hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh.
Ðồng thời, diễn biến này giúp thị trường đón nhận nguồn cung hàng chất lượng và giúp thị trường chứng khoán dần thực hiện chức năng cơ bản nhất của mình, là kênh huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế.