Bàn cách nâng cao năng lực cho nhà bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nâng cao năng lực cho nhà bảo hiểm bằng việc áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, thay cho quản lý biên khả năng thanh toán như hiện tại là giải pháp được hướng đến.
Việc nâng cao năng lực cho các công ty bảo hiểm là rất cần thiết trong bối cảnh "bình thường mới". Ảnh: Shutter Stocks Việc nâng cao năng lực cho các công ty bảo hiểm là rất cần thiết trong bối cảnh "bình thường mới". Ảnh: Shutter Stocks

Chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài ngày một nhiều

Luật Kinh doanh bảo hiểm có từ hơn 20 năm trước, trong đó yêu cầu về vốn và khả năng thanh toán đối với doanh nghiệp bảo hiểm được xác định “đóng khung” theo con số tuyệt đối và áp dụng đồng loạt với mọi doanh nghiệp bảo hiểm.

Cụ thể, vốn pháp định áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ từ 600-1.000 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ từ 300-400 tỷ đồng và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm từ 4 tỷ đồng. Yêu cầu về vốn pháp định tăng dần theo mức độ phức tạp của nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh.

Trong quản lý vốn chủ sở hữu, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải duy trì vốn chủ sở hữu luôn cao hơn vốn pháp định. Như vậy, yêu cầu về vốn pháp định, vốn chủ sở hữu áp dụng thống nhất giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong cùng một lĩnh vực và có cùng phạm vi hoạt động, không phân biệt quy mô hay rủi ro khác nhau.

Các quy định hiện hành về vốn của Việt Nam là khá thận trọng, vốn pháp định được quy định ở mức cao so với thông lệ quốc tế (từ 0,2-6 triệu USD), có vai trò bảo đảm an toàn tài chính và thực hiện cam kết khách hàng trong giai đoạn đầu mới hình thành.

Sau hơn 20 năm, thị trường bảo hiểm đã phát triển toàn diện cả về số lượng doanh nghiệp đến quy mô và tính đa dạng của nghiệp vụ kinh doanh. Nhiều nghiệp vụ bảo hiểm mới được phát triển như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí… Từ kênh phân phối truyền thống là đại lý đến nay cũng đã mở rộng thêm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, bưu điện, siêu thị… Các sản phẩm bảo hiểm có sự đan xen với nhiều ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm của dịch vụ tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như biến động thị trường tài chính, thị trường đầu tư, công nghệ... Các tác động này ngày một lớn và khó dự báo, đặc biệt với các doanh nghiệp cung cấp hợp đồng bảo hiểm dài hạn (có hợp đồng thời hạn lên tới 99 năm).

Thế nhưng, theo Bộ Tài chính, hiện chưa thể tính toán mức độ vốn so với quy mô và tính chất rủi ro của từng doanh nghiệp bảo hiểm để thấy được mức độ khác nhau về tình hình tài chính và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp bảo hiểm, bởi chưa có yêu cầu hay quy định về mô hình vốn trên cơ sở rủi ro. Trong khi trên thực tế, đối với doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, để so sánh đồng nhất với các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong khu vực hay các nước khác trong cùng hệ thống, công ty mẹ và chủ đầu tư đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam thực hiện báo cáo về mức độ đầy đủ vốn tương ứng với rủi ro, theo quy định của nước nơi doanh nghiệp bảo hiểm đóng trụ sở chính.

Trong khi nội tại còn nhiều vấn đề

Ở khối phi nhân thọ, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn chủ sở hữu của toàn thị trường này đạt khoảng 33.563 đồng, tăng 20 lần so với năm 2000. Quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng tăng nhanh: Có 13 doanh nghiệp bảo hiểm vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng; 10 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng; 9 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn chủ sở hữu dưới 500 tỷ đồng.

Mặc dù quy mô vốn tăng mạnh, nhưng nội tại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn những vấn đề cần lưu tâm. Cụ thể, một số doanh nghiệp bảo hiểm có hệ số thanh toán nhanh (tỷ lệ giữa tài sản có tính thanh khoản cao/tài sản nợ ngắn hạn) ở mức thấp như VASS, Bảo Việt, AAA, GIC. Các doanh nghiệp này có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay các khoản tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro tích tụ trên diện rộng hoặc chưa thu đòi được nhà tái bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ khả năng thu hồi tài sản phải thu trên tổng phải thu ngắn hạn thấp như Groupama, AAA... Đây là những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu cao nên phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nhiều.

Một số doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phí bảo hiểm gốc trên doanh thu phí bảo hiểm gốc từ 10% trở lên như GIC, Bảo Minh, Bảo Long, PTI. Một số doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm gốc trên vốn chủ sở hữu bình quân thấp là Cathay (0,4 lần), Phú Hưng (0,3 lần), Groupama (0,6 lần), Chubb (0,7 lần), Fubon (0,6 lần), BHV (0,7 lần), QBE (0,7 lần). Chỉ tiêu này đánh giá mức độ đầy đủ vốn chủ sở hữu so với tổng các trách nhiệm bảo hiểm (chưa tính đến tái bảo hiểm). Nếu chỉ tiêu này càng lớn thì yêu cầu về vốn để đối phó với những biến động bất thường về tổn thất càng lớn. Tuy nhiên, chỉ tiêu này càng nhỏ cũng thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm chưa sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm là AAA (-16,1%), OPES (-5%)…, nguyên nhân chủ yếu do chi phí hoạt động cao (AAA) hoặc mới thành lập (OPES) nên lợi nhuận hạn chế.

Ở khối nhân thọ, các doanh nghiệp cũng không ngừng tăng vốn điều lệ để mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển kênh phân phối mới, đầu tư thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.

Theo đó, tính đến cuối năm 2020, ngoại trừ FWD có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng thì 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn lại đều ở trên mức này. Sự phân hóa cũng rõ nét khi có những doanh nghiệp bảo hiểm (như Prudential, Manulife, Dai-ichi) có vốn chủ sở hữu gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm khác (như FWD, Phú Hưng, Metlife). Mức vốn pháp định ban đầu cố định có thể là thừa đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng lại không đủ đối với các doanh nghiệp lớn để có thể đảm bảo khả năng thanh toán trong dài hạn.

Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng đều trong các năm qua. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của doanh nghiệp dao động trong khoảng 17-20%; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu về cơ bản vẫn còn thấp, phổ biến từ 1-2%.

Lưu ý khi áp dụng mô hình mới

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, việc áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro theo quy định mới (nếu dự thảo Luật được thông qua) sẽ mang lại nhiều giá trị cho cả nhà bảo hiểm lẫn khách hàng, có thể giúp khách hàng được mua bảo hiểm với mức phí thấp hơn so với mô hình cũ. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, công ty nào có mức rủi ro cao sẽ tăng vốn nhiều và ngược lại, có mức rủi ro thấp thì tăng vốn ít và dành phần tiền còn để đầu tư.

Liên quan tới hoạt động đầu tư, theo Bộ Tài chính, hoạt động này của các doanh nghiệp bảo hiểm tuy có sự cải thiện trong những năm qua, nhưng danh mục đầu tư chưa đa dạng, thiếu vắng tài sản đầu tư có thời hạn dài để cân đối giữa tài sản với trách nhiệm, một phần nguyên nhân là do chưa áp dụng mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro.

Ngoài ra, lãi suất đầu tư tiếp tục xu hướng giảm trong những năm gần đây khiến thu nhập đầu tư giảm, trích lập dự phòng nghiệp vụ tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm luôn cần trái phiếu kỳ hạn dài hoặc trái phiếu không có trái tức (zero coupon bond) để kéo dài kỳ hạn đầu tư của tài sản, hạn chế rủi ro. Từ năm 2016, Chính phủ bắt đầu phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 20 năm và 30 năm, song giá trị gọi thầu còn khiêm tốn.

Tại phiên thảo luận hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm, từ đó giúp đánh giá mức độ đầy đủ vốn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc áp dụng mô hình quản lý này là một bước tiến quan trọng và cần thiết, thể hiện sự tiệm cận với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xác định quy mô kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, lượng hóa được mức độ rủi ro, kịp thời có biện pháp an toàn tài chính.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, đây là nội dung có tính kỹ thuật và chuyên môn sâu, có tác động lớn đến các doanh nghiệp đang hoạt động do việc chuyển đổi mô hình quản lý tài chính với đòi hỏi cơ sở dữ liệu, khả năng tính toán cũng như chiến lược quản trị phải đáp ứng ở mức độ cao hơn. Do đó, cần đánh giá kỹ khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp bảo hiểm trong tính toán yêu cầu về vốn trên cơ sở rủi ro, sự đồng bộ hóa về các dữ liệu với cơ quan quản lý, giám sát về hoạt động bảo hiểm.

Nếu dự thảo được thông qua, quy định mới này sẽ có hiệu lực sau 5 năm kể từ ngày 1/7/2023 là ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chính thức có hiệu lực.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục